Bộ đội hậu cần làm theo lời Bác Hồ dạy: Những mô hình tăng gia sáng tạo, hiệu quả

Đến thăm Đại đội Thông tin, Ban Tham mưu Trung đoàn 292, Sư đoàn 377 (Quân chủng Phòng không-Không quân) vào buổi chiều muộn sau giờ huấn luyện, tôi thấy cán bộ, chiến sĩ đơn vị say sưa chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi.

Giữa cao điểm mùa hè nắng nóng nhưng những luống rau vẫn lên xanh tốt với đa dạng chủng loại. Trên diện tích hơn 1.400m2, đơn vị quy hoạch khoa học, vuông vắn thành các khu vườn trồng chuyên canh như: Khu trồng gia vị có ớt, sả, húng, kinh giới; khu giàn trồng bí, mướp...

Chiến sĩ Đại đội Thông tin, Ban Tham mưu Trung đoàn 292 (Sư đoàn 377) chăm sóc giun quế trong bể nuôi.

Theo chân chỉ huy đại đội tham quan khu chăn nuôi gia cầm, tôi chứng kiến trong gian chuồng rộng chừng 100m2 có hơn 1.000 con vịt giống đang vục mỏ ăn những con giun quế nhỏ lúc nhúc, màu đỏ mận, khá lạ mắt. Trước sự tò mò của khách, Đại úy Trần Minh Khoa, Đại đội trưởng Đại đội Thông tin giới thiệu: "Đó là kết quả từ mô hình nuôi giun quế vừa được đơn vị đầu tư. Trước khi áp dụng mô hình này, đơn vị đã nghiên cứu các tài liệu, thông tin về mô hình nuôi giun quế, đồng thời cử cán bộ tham quan thực tế tại một số trang trại, sau đó mới triển khai thực hiện”.

Bắt đầu triển khai từ đầu năm 2023 với 20kg giun giống ban đầu, đơn vị đã đầu tư xây dựng chuồng nuôi diện tích gần 150m2 với 8 ô chứa bằng bê tông bảo đảm quy trình nuôi giun quế khép kín. Quá trình nuôi, cán bộ, chiến sĩ tận dụng những phụ phẩm tăng gia như rơm rạ, phân gia súc để ủ, cho giun ăn, giúp chúng sinh trưởng, phát triển tốt. Sản phẩm giun thu được làm thức ăn cho gia cầm và cá rất tốt. Bởi giun quế có hàm lượng đạm cao, giúp vật nuôi lớn nhanh, giảm chi phí, hiệu quả hơn so với các loại cám công nghiệp. Ngoài ra, các phụ phẩm khác được sử dụng làm phân hữu cơ bón cho cây trồng, khắc phục khó khăn về điều kiện thổ nhưỡng khô cằn.

Ngoài mô hình nuôi giun quế phục vụ chăn nuôi, tham quan một vòng đơn vị, tôi còn ấn tượng với mô hình nuôi sâu canxi để làm thức ăn cho thủy sản, gia cầm, tạo “hiệu quả kép” trong tăng gia, sản xuất. Để có được giống sâu này, bộ đội đem trứng ruồi đen ấp trong môi trường thoáng mát của nhà lưới khoảng 15 phút để phát triển thành sâu canxi. Qua quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng của bộ đội, với nguồn thức ăn chính là những loại chất thải hữu cơ (rau, củ, quả hư hỏng; đồ ăn thừa; phân gia súc, gia cầm; xác động vật chết...), sâu canxi sẽ phát triển, trở thành nguồn thức ăn cho gia cầm, thủy sản và phân bón hữu cơ vi sinh cao cấp cho cây trồng, vật nuôi, tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường hơn so với các loại phân bón, thực phẩm chăn nuôi công nghiệp.

Trung sĩ Lê Văn Luận, nhân viên truyền số liệu của đơn vị, cho biết: “Trước đây, khi nhắc đến tăng gia, sản xuất, chúng tôi chỉ nghĩ đến những vườn cây, ao cá, đàn gà, đàn lợn. Nay ở Đại đội Thông tin, cán bộ, chiến sĩ còn thường xuyên được “bầu bạn” với giun và sâu, nguồn thức ăn giá trị, hiệu quả, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi của đơn vị”.

Nhờ những cách làm hay, sáng tạo trong tăng gia, sản xuất nên dù đứng chân trên địa bàn có thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, lực lượng mỏng, đóng quân phân tán nhưng 6 tháng đầu năm 2023, Đại đội Thông tin, Ban Tham mưu Trung đoàn 292 vẫn thu hoạch được gần 1,8 tấn rau các loại, trên 500kg thịt lợn sạch, 400kg cá tươi và 200kg thịt gia cầm, góp phần cải thiện bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ và tăng thêm thu nhập cho đơn vị.

Bài và ảnh: XUÂN SANG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/bo-doi-hau-can-lam-theo-loi-bac-ho-day-nhung-mo-hinh-tang-gia-sang-tao-hieu-qua-737161