Bộ đội cụ Hồ - Danh xưng độc đáo, trìu mến và thiêng liêng

Như nhìn nhận của cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thật hiếm có nước nào trên thế giới Nhân dân lấy tên vị lãnh tụ kính yêu của mình để đặt tên cho quân đội của Nhân dân mà họ sáng lập nên: 'Bộ đội Cụ Hồ'.

Vinh dự lớn lao ấy đã được dành cho Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam và 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành (1944 - 2024), cả trong thời chiến lẫn thời bình, QĐND Việt Nam đã thực sự xứng đáng với danh xưng thiêng liêng và rất đỗi trìu mến ấy. Những người lính “Bộ đội cụ Hồ” đã có cho mình “tình quân dân như cá với nước”, được Nhân dân hết mực tin yêu.

Nguồn gốc danh xưng đặc biệt

Cách đây tròn 80 năm, ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân gồm 34 người, biên chế thành 3 tiểu đội, được thành lập theo Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trong chỉ thị, Người ghi rõ: “Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - “Người Anh Cả” của Quân đội Nhân dân Việt Nam, một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng. Ảnh: TTXVN

Tháng 4 năm 1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ của Đảng đã quyết định hợp nhất các tổ chức vũ trang trên cả nước (hợp nhất Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu quốc quân và các tổ chức vũ trang khác), thành lập Việt Nam giải phóng quân. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc đoàn, rồi Quân đội quốc gia Việt Nam (1946), đến năm 1950 được đổi tên thành QĐND Việt Nam.

QĐND Việt Nam đã ra đời như thế, nhưng như khi nào, những người lính QĐND Việt Nam được gọi tên là “Bộ đội Cụ Hồ”? Theo một số ý kiến, cụm từ Bộ đội Cụ Hồ xuất hiện vào khoảng thời gian cuối năm 1945. Thời kỳ đó, ở Hà Nội, tên gọi Bộ đội Cụ Hồ được bà con tiểu thương ở chợ Đồng Xuân sử dụng để gọi những chiến sĩ trẻ, đội mũ ca-nô có quân hiệu tròn bằng nỉ màu đỏ, với ngôi sao vàng thêu bằng chỉ.

Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong một hồi ký của mình, kể: “Tôi nhớ rằng, từ trong khu giải phóng Việt Bắc, đồng bào các dân tộc đã trìu mến gọi các đơn vị vũ trang ta là “Bộ đội Ông Ké”, hay “Bộ đội Ông Cụ” một cách thân thương, chân chất như tấm lòng của đồng bào đối với lãnh tụ của mình mà nhiều người lúc đó chưa biết tên. Có lẽ về sau, khi biết tên Người, đó là Bác Hồ, là Chủ tịch Hồ Chí Minh của nước Việt Nam mới, mọi người đã gọi “Bộ đội Ông Ké” là “Bộ đội Cụ Hồ”, và cũng từ chiến khu Việt Bắc, tên gọi yêu dấu ấy đã xuất hiện từ thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp”.

Và dù danh xưng ấy được khai sinh tự bao giờ thì, như nhìn nhận của GS. TS Đinh Xuân Dũng - nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương: “Hình ảnh và tên gọi Bộ đội Cụ Hồ đã là hiện tượng rất độc đáo trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc Việt Nam nói chung và văn hóa quân sự Việt Nam nói riêng. Hiếm có dân tộc nào trên thế giới mà Nhân dân lấy tên vị lãnh tụ tối cao của mình đặt cho quân đội. Đây vừa là tình cảm, vừa là niềm tin của quần chúng dành cho lực lượng vũ trang. Hiếm có một dân tộc nào mà hình ảnh người lính lại được toàn dân coi đó là hình mẫu của con người trong thời đại mới, để hết lòng tin yêu, quý trọng, động viên mọi thế hệ con cháu kế tiếp và noi theo gương sáng của Bộ đội Cụ Hồ như dân tộc Việt Nam ta”.

Anh bộ đội Cụ Hồ, biểu trưng của bản lĩnh và nhân cách văn hóa Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

Nét đẹp văn hóa thời đại Hồ Chí Minh

Theo nhiều nhà nghiên cứu, danh xưng “Bộ đội Cụ Hồ” không chỉ thể hiện “mối quan hệ máu thịt”, của cán bộ, chiến sĩ quân đội với Nhân dân ta, mà giờ đây đã được nâng tầm trở thành văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”, kết tinh những giá trị văn hóa cao đẹp được tạo bởi sự nỗ lực, cố gắng của lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam trong 80 năm qua.

GS. TS Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương đã từng khẳng định, “Bộ đội Cụ Hồ”, từ lời lẽ giản dị, rất đỗi chân thành và tự nhiên mà Nhân dân ta dành cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội. Không chỉ là một khái niệm khoa học, cao hơn thế, “Bộ đội Cụ Hồ” còn là một biểu tượng cao quý, một giá trị của văn hóa chính trị, văn hóa đạo đức và văn hóa quân sự Việt Nam hiện đại.

Thiếu tướng, PGS. TS. NGND Nguyễn Bá Dương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự (Bộ Quốc Phòng) cũng nhấn mạnh: “Hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” đã trở thành biểu trưng đặc sắc của nét đẹp văn hóa quân sự Việt Nam, luôn tỏa ánh sáng hào quang từ chính những phẩm chất, nhân cách tốt đẹp của cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta - quân đội từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu; là sự thể hiện ở tầm cao và chiều sâu của bản sắc văn hóa Việt Nam, tâm hồn, cốt cách, nhân cách con người Việt Nam… và trở thành biểu trưng độc đáo của văn hóa quân sự của quân đội cách mạng - QĐND Việt Nam anh hùng”.

80 năm qua, cùng với sự phát triển, lớn mạnh của QĐND Việt Nam, văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” đã không ngừng được phát huy. Điều đáng trân trọng nhất là thực tiễn đã chứng minh, càng ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất, nét văn hóa ấy càng ngời sáng.

Bộ đội, dân quân Ban CHQS huyện Phú Thiện và các lực lượng giúp người dân trên địa bàn khắc phục hậu quả mưa dông và lốc xoáy. Ảnh: Phan Định.

Giờ đây, trước sự vận động, phát triển không ngừng của yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, việc gìn giữ, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” càng trở nên cần thiết. Như nhấn mạnh của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Đại biểu Quốc hội, nguyên Tư lệnh Quân khu 4: Thực tiễn cho thấy, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” không phải là sản phẩm tự phát, yếu tố sẵn có, mà là kết quả quá trình rèn luyện, phấn đấu, hy sinh vì lý tưởng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân. Trong tình hình mới hiện nay, giữ gìn, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” đang vừa là yêu cầu khách quan, vừa là mong mỏi, tình cảm, trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ Quân đội.

GS. TS Đinh Xuân Dũng cũng nhấn mạnh: Cùng với việc khẳng định ý nghĩa to lớn của những giá trị trong nhân cách Bộ đội Cụ Hồ được định hình trong 30 năm kháng chiến, đồng thời, cần phải chú ý tính đặc thù của nó, vì đó là những giá trị được cổ xúy, được lựa chọn, nhằm tạo nên những kiểu mẫu nhân cách người lính trong điều kiện có chiến tranh, đang chiến tranh. Khi lịch sử dân tộc chuyển sang một giai đoạn mới, khác về chất lượng (kết thúc chiến tranh, đất nước có hòa bình, trực tiếp chiến đấu sang công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vừa xây dựng, vừa bảo vệ Tổ quốc), một mặt, phải giữ vững các giá trị cốt lõi, cơ bản đã được định hình từ những năm kháng chiến, mặt khác phải bổ sung những giá trị cần thiết cho nhân cách người chiến sĩ thời kỳ mới.

Sự ra đời và phát triển của một kiểu mẫu nhân cách mới không bao giờ là một quá trình tự phát hay chờ có sẵn, tự nhiên mà có. Đó là cuộc đấu tranh không mệt mỏi, đầy trí tuệ, một công việc cực kỳ công phu, tinh tế và sâu sắc - sự nghiệp “trồng người” cần trăm năm nuôi dưỡng và chăm sóc như Bác Hồ dạy. Hình ảnh cao đẹp với những giá trị văn hóa quân sự sâu sắc của nhân cách Bộ đội Cụ Hồ đã được yêu thương và quý trọng trong những năm qua chỉ có thể được tiếp tục khẳng định và phát triển trong thời gian tới trên cơ sở của một quá trình nuôi dưỡng và xây dựng với một công phu to lớn và một trí tuệ khoa học...

Nguyễn Hà

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-doi-cu-ho--danh-xung-doc-dao-triu-men-va-thieng-lieng-post281857.html