Bộ đội Biên phòng học tiếng dân tộc

Đóng quân nơi biên giới, để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, những người lính biên phòng Thừa Thiên Huế đã vượt qua rất nhiều khó khăn, trong đó có trở ngại về ngôn ngữ để đến gần dân, giúp dân hiệu quả. Qua đó góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố vững chắc thế trận lòng dân.

Trong ngôi nhà chị Trần Thị Ly, người dân tộc Tà Ôi, ở xã Hồng Thái, huyện A Lưới, những tiếng đọc: “A ti, Ki reng, Tar ap, A rooh...” của các chiến sĩ biên phòng phá tan không gian tĩnh mịch. Vừa chăm chú lắng nghe, vừa ghi chép tỉ mỉ, Trung úy Đỗ Xuân Công, Đội trưởng Đội Trinh sát (Đồn Biên phòng Nhâm) chia sẻ: "Tôi được điều động lên đây công tác được gần một năm. Đặc thù công việc thường xuyên xuống bám nắm địa bàn, gặp gỡ, trò chuyện với người dân mà không biết tiếng đồng bào nên rất khó khăn. Được tham gia lớp học tiếng dân tộc do Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, bên cạnh đó tôi tích cực tìm hiểu tài liệu, học qua đồng đội, những lúc rảnh thì gặp gỡ người dân để trò chuyện, cơ bản giờ tôi đã nói và hiểu được tiếng của đồng bào".

 Cán bộ Đồn Biên phòng Nhâm (Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế) hướng dẫn đồng bào kỹ thuật trồng dứa nâng cao năng suất.

Cán bộ Đồn Biên phòng Nhâm (Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế) hướng dẫn đồng bào kỹ thuật trồng dứa nâng cao năng suất.

Theo chân cán bộ Đội Vận động quần chúng (Đồn Biên phòng Hương Nguyên) xuống địa bàn, chúng tôi được nghe những lời đối thoại bằng tiếng Tà Ôi của cán bộ biên phòng và người dân. Chỉ qua tiếng cười, ánh mắt, chúng tôi cảm nhận được tình cảm đặc biệt mà người dân dành cho bộ đội.

Trung tá Lê Văn Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hương Nguyên cho biết: "Địa bàn đơn vị quản lý gồm hai xã A Roàng và Hương Nguyên thuộc huyện A Lưới, với 1.009 hộ/4.144 khẩu, trong đó dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Cô-Vân Kiều chiếm hơn 90%. Chính vì vậy, chúng tôi đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị học tiếng và hiểu phong tục, tập quán của đồng bào trên địa bàn đơn vị phụ trách để thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ".

Già làng Nguyễn Minh Sang, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới, khẳng định: “Trong quá trình công tác, cán bộ biên phòng nói, hiểu được tiếng dân tộc, thông qua giao tiếp với bà con dân bản thì nhanh chóng hòa nhập, tạo được niềm tin với cộng đồng dân cư, hiểu phong tục, tập quán và kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Khi dân hiểu, dân tin thì việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như hướng dẫn đồng bào biết cách làm ăn, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cũng như xây dựng nếp sống mới sẽ thuận lợi, dễ dàng hơn".

A Lưới là huyện biên giới có 80km đường biên với 12 xã tiếp giáp nước bạn Lào; trong đó có hơn 80% đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là địa bàn trọng điểm, tiềm ẩn nguy cơ về hoạt động vận chuyển, buôn bán trái phép chất ma túy, khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép, di cư tự do. Vì thế, việc hiểu tiếng nói, biết chữ viết và nắm chắc được phong tục, tập quán của đồng bào sẽ là con đường ngắn nhất để được lòng dân.

Một buổi đi thực tế của lớp học tiếng dân tộc của Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế.

Một buổi đi thực tế của lớp học tiếng dân tộc của Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đại tá Phạm Tùng Lâm, Chính ủy BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Thực hiện Đề án học tiếng dân tộc của Bộ tư lệnh BĐBP, những năm qua, Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với UBND huyện A Lưới mở các lớp học tiếng dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên địa bàn biên giới của huyện A Lưới. Qua đó, không chỉ giúp cán bộ, chiến sĩ am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào mà còn nghe hiểu, nói được tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc. Đây chính là cầu nối giữa cán bộ, chiến sĩ với người dân, để “nghe dân nói, nói dân hiểu”, tạo được niềm tin yêu của quần chúng nhân dân, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới đòi hỏi lực lượng BĐBP phải triển khai đồng bộ các biện pháp công tác. Trong đó, việc sử dụng thành thạo ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào đã nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động. Bên cạnh đó, công tác xây dựng mối đoàn kết với cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới; giúp nhân dân phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh sẽ thuận lợi hơn khi quân với dân cùng chung tiếng nói.

Bài và ảnh: VÕ TIẾN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/bo-doi-bien-phong-hoc-tieng-dan-toc-718125