Bộ Công Thương sẽ theo dõi tiến độ nhập khẩu xăng dầu để điều hành

Riêng với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, tiến độ nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp để điều hành.

Đại diện các địa phương tham gia Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ Công Thương theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Đại diện các địa phương tham gia Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ Công Thương theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Trong bối cảnh thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, để phấn đấu đạt các chỉ tiêu năm 2022 như chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 7 - 8%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 8%, duy trì xuất siêu…tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm do Bộ Công Thương tổ chức ngày 14/7, đại diện các địa phương đã kiến nghị nhiều giải pháp để phát triển ngành công thương trong thời gian tới.

Là một trong những địa phương đứng đầu cả nước, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố Hà Nội và ngành công thương Thủ đô trong 6 tháng cuối năm là phấn đấu cơ bản hoàn thành trước ngày 31/12/2022 nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chính vì vậy, Hà Nội đề nghị Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan sớm trình phê duyệt các Quy hoạch, Chiến lược, Đề án phát triển ngành, lĩnh vực công thương làm cơ sở cho ngành công thương thành phố Hà Nội nói riêng và các tỉnh, thành phố nói chung làm xác định định hướng, giải pháp phát triển ngành, lĩnh vực đảm bảo phù hợp với định hướng chung, đảm bảo tính liên kết vùng, liên vùng.

“Hà Nội kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan tham mưu với Chính phủ có giải pháp pháp ổn định nguồn cung và giá xăng dầu cũng như các mặt hàng nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp”, bà Trần Thị Phương Lan đề xuất.

Theo ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, 6 tháng cuối năm 2022 là thời điểm tập trung hoàn thành những chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Do đó, tỉnh Thái Nguyên đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương tiếp tục quan tâm giúp đỡ tỉnh triển khai các dự án đầu tư trọng điểm; các dự án hạ tầng khu, cụm công nghiệp, các tuyến đường giao thông liên kết vùng, khu công nghệ thông tin tập trung… nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Thái Nguyên và các vùng Trung du miền núi phía Bắc.

Tại hội nghị, đại diện tỉnh Bình Dương cũng đề xuất Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý chợ; đồng thời tham mưu thêm Nghị định quy định về chợ tạm để góp phần giải tỏa chợ tự phát, đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân và lập lại trật tự đô thị. Ngoài ra, hiện nay, các dự án đầu tư chợ đang gặp vướng mắc giữa Luật Đất đai và Luật Đầu tư. Bởi Luật Đất đai quy định “dự án xây dựng chợ thuộc trường hợp nhà nước thu hồi để phát triển kinh tế - xã hội theo quy định Khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai.

Tuy nhiên tại Điểm a Khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư lại quy định “Đối với dự án đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất, trừ trường hợp nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật về đất đai”.

Bà Trần Thị Phương Lan-Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Bà Trần Thị Phương Lan-Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Các dự án đầu tư đầu tư chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh thực hiện theo chủ trương xã hội hóa, đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp, cá nhân. Việc đầu tư chợ là nguồn vốn của doanh nghiệp, cá nhân. Vì thế, tỉnh Bình Dương kiến nghị Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ bỏ dự án đầu tư chợ ra khỏi Khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai.

Từ điểm cầu Quảng Ngãi, ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Đồng thời, quan tâm, bố trí nguồn lực, hỗ trợ, mời gọi, thu hút đầu tư vào tỉnh Quảng Ngãi hình thành Khu công nghiệp hóa chất tập trung và trung tâm logistics để phát triển công nghiệp hóa chất ở tỉnh Quảng Ngãi.

Tại Đắk Lắk, ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công Thương Đan Lắk bày tỏ mong muốn Bộ Công Thương quan tâm, ủng hộ việc điều chỉnh chỉ tiêu đất công nghiệp cho tỉnh; tạo điều kiện cho Đắk Lắk phát triển năng lượng tái tạo...

Về lĩnh vực thương mại, tỉnh mong muốn các đơn vị của Bộ kết nối với các Tập đoàn, các hệ thống phân phối để tăng cường, tiếp nhận những sản phẩm nông sản của Đắk Lắk tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, cũng giúp địa phương kết nối, quảng bá, xúc tiến thương mại các mặt hàng nông sản để thâm nhập sâu hơn nữa vào các thị trường xuất khẩu, kể cả các thị trường truyền thống, cũng như mở rộng thị trường mới theo các Hiệp định thương mại tự do.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã đề ra nhiều giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu trong năm nay; trong đó “đòn bẩy” lớn nhất là tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh sản xuất, nhất là các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, kiểm soát nhập khẩu và chủ động nguồn cung trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng huy động tối đa các nguồn lực, bám sát tình hình và có phương án chuẩn bị trong các trường hợp nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện, than, xăng dầu, phân bón… cho sản xuất và sinh hoạt.

Riêng với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, tiến độ nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp để điều hành; phối hợp với Bộ Tài chính rà soát để kiến nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế xuất nhập khẩu trong trường hợp giá xăng dầu tiếp tục tăng cao.

Mặt khác, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu và tận dụng các cam kết trong Hiệp định FTA để tìm kiếm thị trường mới.

Đặc biệt, triển khai chuỗi chương trình tư vấn thị trường xuất nhập khẩu; kết nối nhà cung cấp địa phương tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và vùng Đồng bằng sông Cửu Long với doanh nghiệp, đồng thời tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại ứng dụng nền tảng số./.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bo-cong-thuong-se-theo-doi-tien-do-nhap-khau-xang-dau-de-dieu-hanh/251049.html