Bộ Công Thương sẽ phân xử thế nào vụ tranh cãi điều tra chống bán phá giá thép Trung Quốc?

Theo Bộ Công Thương, quá trình điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại phải luôn được thực hiện chặt chẽ, cần đầy đủ cơ sở khoa học, khách quan.

Mới đây, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Trung Quốc (thép Trung Quốc), đe dọa sản xuất trong nước.

Bộ Công Thương cho biết đang thẩm định tính hợp lệ của hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá sản phẩm thép HRC nhập từ Trung Quốc.

Ngược lại có 7 doanh nghiệp (DN) đồng loạt lên tiếng chưa có cơ sở để điều tra chống phá giá, gồm: Tập đoàn Hoa Sen, Công ty CP Thép TVP, Công ty CP Tôn Đông Á, Thép Nam Kim, Tôn Phương Nam, Tôn Pomina, Vinh OOne.

Tranh cãi giữa các DN đang nóng. Mỗi công ty có quan điểm và số liệu dẫn chứng khác nhau. Thép HRC tại Việt Nam có Formosa, Hòa Phát sản xuất.

Nhóm 7 DN trên cho rằng sản phẩm HRC từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam có biên độ phá giá chỉ 1,26%, không vượt quá 2% nên không thể coi là bán phá giá.

Liên quan tới vấn đề này, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, cho biết Bộ Công Thương đã nhận được yêu cầu của một số DN sản xuất thép HRC trong nước đề nghị áp dụng biện pháp chống bán phá giá sản phẩm thép HRC nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc và Ấn Độ).

Theo đại diện Cục Phòng vệ thương mại, theo quy định của Luật Quản lý Ngoại thương, khi DN nhận thấy có dấu hiệu hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, có dấu hiệu gây hại cho ngành sản xuất của DN Việt Nam thì DN có quyền gửi hồ sơ yêu cầu các biện pháp chống bán phá giá.

“Hiện, chúng tôi đang thẩm định tính hợp lệ của hồ sơ này. Quá trình này kéo dài khoảng 15 ngày. Khi hồ sơ hợp lệ, chúng tôi sẽ tiến hành thẩm định trong 45 ngày. Trên cơ sở đó sẽ kiến nghị, Bộ Công Thương xem xét tiến hành khởi xướng hoặc không khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép cán nóng", ông Trung cho hay.

Đại diện Cục Phòng vệ thương mại cũng cho biết, sau khi khởi xướng điều tra, thời hạn điều tra sẽ kéo dài 12 tháng, một số trường hợp có thể kéo dài thêm 6 tháng. Trong quá trình đó, cơ quan điều tra sẽ thông báo cụ thể và yêu cầu các bên liên quan phải cung cấp toàn bộ chứng cứ để xem xét một cách toàn diện, khách quan, công bằng. Toàn bộ quá trình này sẽ được đưa ra công khai, minh bạch.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin thêm, quyền yêu cầu điều tra chống bán phá giá là của DN, DN có quyền nộp đơn.

Bộ Công Thương luôn thực hiện đúng theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, các nghị định và thông tư hướng dẫn liên quan đến các quy trình thủ tục về phòng vệ thương mại...

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//giao-thuong/bo-cong-thuong-se-phan-xu-the-nao-vu-tranh-cai-dieu-tra-chong-ban-pha-gia-thep-trung-quoc-1099044.html