Bộ Công Thương lý giải nguyên nhân thị trường xăng, dầu gặp khó

Chiều 12/10, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo quý III với nội dung chủ yếu xoay quanh vấn đề liên quan đến điều hành xăng, dầu và các biện pháp đảm bảo nguồn cung xăng, dầu nhằm ổn định thị trường từ nay đến cuối năm.

Chia sẻ về tình hình kinh doanh xăng, dầu thời gian qua, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh, bán lẻ xăng, dầu xin đóng cửa và tạm ngừng kinh doanh, tập trung ở các địa phương như An Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Lắk...

Nguyên nhân của tình trạng trên là do từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường xăng, dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn. Những yếu tố trên đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ quý III

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ quý III

Ông Trần Duy Đông cũng cho rằng, trong quý II, doanh nghiệp tăng nhập khẩu khi giá tăng cao dẫn đến thua lỗ. Đến quý III, giá lại giảm mạnh nên doanh nghiệp nhập khẩu cầm chừng. Cùng thời điểm đó, 7 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phía nam bị tước giấy phép; một số doanh nghiệp không thực hiện được thông quan do chưa kết nối phần mềm kiểm tra điện tử.

Từ tác động của diễn biến giá xăng, nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lí bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ; chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam tăng cao, trong khi chi phí này chưa phản ánh vào cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Ngoài ra, tình hình bão lũ vừa qua cũng ảnh hưởng một phần đến việc giao hàng của các doanh nghiệp, dẫn đến gián đoạn hoặc thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số địa phương.

Bên cạnh đó, việc tín dụng bị thắt chặt trong khi giá xăng, dầu tăng, tỉ giá hối đoái giữa USD và VNĐ tăng ảnh hưởng đến giá nhập khẩu, khó tiếp cận nguồn ngoại tệ khiến đầu mối không đủ tài chính để nhập hàng với khối lượng như trước, chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối trực thuộc và lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Cũng liên quan đến tình hình xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, từ cuối 2021 đến nay tình hình thị trường gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng mạnh đến nguồn cung năng lượng và mặt hàng xăng dầu. Đến thời điểm này, nhờ sự nỗ lực của doanh nghiệp, địa phương, nguồn cung cho sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của người dân đã cơ bản được đảm bảo đầy đủ.

Theo Nghị định 95 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, hiện nay, không còn khái niệm doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu xăng, dầu mà là doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng, dầu. Họ có thể nhập khẩu hoặc mua ngay nguồn trong nước. Quý 2/2022 vừa qua, do Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn trục trặc, giảm công suất xuống 50 - 55%, thậm chí có thời gian gián đoạn và không còn sản xuất, Bộ Công Thương đã ra Quyết định số 242 yêu cầu 10 doanh nghiệp đầu mối phải tăng nhập khẩu để bù cho nguồn thiếu hụt trong nước. Nhưng thời điểm đó, doanh nghiệp mua xăng, dầu với giá rất cao, sau đó giá liên tục giảm dẫn đến thua lỗ, khiến doanh nghiệp buộc phải cắt giảm chi phí, kể cả chiết khấu cho đại lí trong nước.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng nêu rõ, hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là nguồn cung. “Hiện nguồn trong nước đang chiếm 70 - 80%, tức là phải nhập khẩu 20 - 30% nhưng nguồn cung từ nước ngoài về Việt Nam lại gặp rất nhiều khó khăn”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.

Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đã thua lỗ trong thời gian dài nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động nhập khẩu. Do đó, giải pháp quan trọng là phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng cách tăng chi phí kinh doanh xăng, dầu. Đơn cử hôm qua (11/10), Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã đồng ý tăng chi phí đưa xăng, dầu từ nhà máy về cảng và premium trong nước.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, việc tăng chi phí này mới chỉ giải quyết được một phần khó khăn. Còn chi phí đưa xăng, dầu từ nước ngoài về Việt Nam dù mới được điều chỉnh tăng lên, nhưng thời gian vừa qua chi phí này lại biến động tăng rất mạnh. Bộ Công Thương sẽ kiến nghị với Chính phủ để tiếp tục điều chỉnh chi phí tăng lên nhằm chia sẻ với doanh nghiệp.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông lý giải một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng nguồn cung xăng, dầu khan hiếm

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông lý giải một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng nguồn cung xăng, dầu khan hiếm

Để bảo đảm nguồn cung xăng, dầu cho thị trường, ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho rằng, Bộ Công Thương đã và đang thực hiện một số biện pháp như: Kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến mặt hàng xăng, dầu (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt); đồng thời sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng, dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng, dầu theo quy định hiện hành để khuyến khích các doanh nghiệp tăng lượng nhập hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung xăng, dầu ổn định cho thị trường.

Bộ Công Thương cũng phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố (đầu mối là Sở Công Thương) chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung xăng, dầu; duy trì việc cung ứng xăng, dầu trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp; chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về duy trì bán lẻ xăng, dầu tại các cửa hàng xăng, dầu theo đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP. Theo đó nhiều địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước, tỉnh Ninh Thuận... đã triển khai công tác chỉ đạo và giám sát việc cung ứng xăng, dầu trên địa bàn.

“Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Tài chính, điều hành giá xăng, dầu bám sát diễn biến giá xăng, dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng, dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng, dầu; khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng, dầu qua biên giới sang các nước lân cận”, ông Trần Duy Đông chỉ rõ.

Cùng đó, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối hỗ trợ để điều phối nguồn hàng, tăng cường cung ứng xăng, dầu tại một số địa phương có hiện tượng thiếu xăng, dầu cục bộ. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường trên toàn quốc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn (đầu mối là Sở Công Thương) tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bo-cong-thuong-ly-giai-nguyen-nhan-thi-truong-xang-dau-gap-kho-147334.html