Bộ Công Thương giám sát việc nổ mìn tại mỏ đá vôi Nhà máy Xi măng Sông Lam Nghệ An

Sau nhiều vụ nổ từ mỏ đá vôi của Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam, khói bụi mù mịt trắng xóa cả thôn Hồng Thịnh xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An khiến người dân vô cùng hoảng sợ...Bộ Công Thương đã nhanh chóng vào cuộc giám sát, xử lý.

Theo phản ánh của người dân việc hàng trăm hộ dân xóm Hồng Thịnh, xã Thịnh Thành huyện Yên Thành, (Nghệ An) bức xúc bởi khói bụi, tiếng ồn, rung chấn… từ mỏ đá vôi nguyên liệu của Công ty cổ phần xi măng sông Lam (thành viên thuộc Tập đoàn The Vissai). Hàng chục nhà cửa, công trình của các hộ dân bị nứt nẻ nghiêm trọng, khiến nhân dân vô cùng bất an.

Ngoài khói bụi gây ô nhiễm môi trường và những tiếng nổ làm thót tim, nhà cửa của hàng chục hộ dân ở gần khu vực mỏ đá bị rạn nứt, nguy cơ mất an toàn rất lớn.

Mỏ đá vôi nguyên liệu của công ty nằm giữa xã Bài Sơn huyện Đô Lương giáp ranh với xã Thịnh Thành huyện Yên Thành, (Nghệ An).

Mỏ đá vôi nguyên liệu của công ty nằm giữa xã Bài Sơn huyện Đô Lương giáp ranh với xã Thịnh Thành huyện Yên Thành, (Nghệ An).

“C xóm có gần 200 hộ dân với 700 nhân khẩu. Từ khi Nhà máy xi măng sông Lam khai thác mỏ đá vôi để làm nguyên liệu xi măng, tình trạng ô nhiễm môi trường thường xuyên xảy ra, đặc biệt nghiêm trọng từ đầu năm 2021 đến nay. Nhà của hàng chục hộ dân bị nứt toác. Mỗi khi họ nổ mìn thì khói bụi mù mịt, tiếng động rất mạnh và sự rung lắc rất rõ khiến người dân vô cùng bất an. Chúng tôi rất mong các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xem xét, vào cuộc xử lý để người dân chúng tôi được yên tâm sinh sống, làm ăn'', ông Phạm Công Viên, trưởng xóm Hồng Thịnh ông Viên bức xúc.

Theo thống kê của UBND xã Thịnh Thành, ít nhất có 27 hộ dân gần khu vực mỏ đá nguyên liệu bị ảnh hưởng, rạn nứt nhiều chỗ trong khuôn viên nhà ở.

Liên quan đến tình trạng này, qua kiểm tra, UBND huyện Yên Thành xác định tình trạng nhiều công trình nhà ở của các hộ dân xóm Hồng Thịnh (gần khu vực mỏ đá vôi nguyên liệu xi măng của Nhà máy xi măng sông Lam) bị rạn nứt là có thật, có nguy cơ gây mất an toàn đối với công trình nhà ở và tính mạng của người dân.

UBND huyện Yên Thành đã đề nghị Công ty cổ phần xi măng sông Lam thực hiện công khai kết quả báo cáo quan trắc môi trường định kỳ, quan trắc đo rung chấn nổ mìn để địa phương, cộng đồng dân cư biết, giám sát; trước mắt xem xét việc điều chỉnh khối lượng sử dụng vật liệu nổ trong hoạt động nổ mìn, hạn chế phát sinh rung chấn.

Ông Lê Đức Ánh- Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết, ngày 22/3/2022 vừa qua đoàn công tác của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương cùng các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương đã tiến hành giám sát ảnh hưởng nổ mìn tại mỏ đá vôi Bài Sơn của Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam.

Nhà cửa nứt nẻ, tình trạng ô nhiễm khói bụi, tiếng động khiến người dân xóm Hồng Thịnh xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành luôn sống trong cảnh bất an, lo lắng

Nhà cửa nứt nẻ, tình trạng ô nhiễm khói bụi, tiếng động khiến người dân xóm Hồng Thịnh xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành luôn sống trong cảnh bất an, lo lắng

Tại khai trường mỏ đá vôi Bài Sơn, thuộc xã Bài Sơn và xã Hồng Sơn (huyện Đô Lương), Công ty TNHH Môi trường và Tài nguyên khoáng sản MTK (Công ty MTK) đã bố trí thiết bị ở nhiều vị trí khác nhau ở khu vực mỏ đá nhằm đo trực tiếp chấn động và sóng không khí...trong quá trình nổ mìn.

Tuy nhiên, theo kết quả tại buổi giám sát, khi nổ các bãi mìn hộ chiếu nổ số 77/03/2022/HCNM, số 78/03/2022/HCNM, số 79/03/2022/HCNM, số 80/03/2022 (ngày 22/3/2022 - PV); 5 máy ghi được 11 tín hiệu và các kết quả đều nằm dưới ngưỡng quy định tại Điều 41 Quy chuẩn số QCVN 01:2019 (khoảng cách từ bãi mìn đến công trình từ 0 đến 91,4m, vận tốc dao động cực trị cho phép 31,75 mm/s; khoảng cách từ bãi mìn đến công trình từ 92m đến 1524m, vận tốc dao động cực trị cho phép 25,4 mm/s; khoảng cách từ bãi mìn đến công trình lớn hơn 1524m, vận tốc dao động cực trị cho phép, vận tốc dao động cực trị cho phép 19mm/s). Có 2 máy đặt các vị trí gần nhà dân xóm Hồng Thịnh, xã Thịnh Thành (huyện Yên Thành) không ghi được kết quả do khoảng cách quá xa.

Đoàn kiểm tra Cục ATMT Bộ Công Thương đặt máy đo ở nhà dân gần nhất.

Đoàn kiểm tra Cục ATMT Bộ Công Thương đặt máy đo ở nhà dân gần nhất.

Tại buổi làm việc, Cục ATMT đã đề nghị Công ty MTK khẩn trương tính toán lượng thuốc nổ tức thời lớn nhất, phương pháp nổ mình lựa chọn, phương pháp thi công nổ mìn tại mỏ đá vôi Bài Sơn, lập báo cáo gửi về Cục ATMT xem xét, có ý kiến kết luận về quy mô bãi nổ, lượng thuốc nổ tức thời lớn nhất, phương pháp nổ mìn tại mỏ ở các khoảng cách để đảm bảo an toàn về chấn động và đá văng đến các công trình, đối tượng cần bảo vệ của các hộ dân xóm Hồng Thịnh, xã Thịnh Thành, huyện Yên Thành.

Trong thời gian Công ty MTK tính toán lượng thuốc nổ và Cục ATMT chưa có ý kiến kết luận về quy mô bãi nổ, lượng thuốc nổ, đề nghị Công ty CP Xi măng Sông Lam sử dụng VLNCN theo quy mô và phương pháp theo đúng hộ chiếu nổ mìn thử nghiệm ngày 22/3/2022.

Hoàng Trinh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-giam-sat-viec-no-min-tai-mo-da-voi-nha-may-xi-mang-song-lam-nghe-an-174494.html