Bộ Công thương căn cứ vào đâu để cam kết không thiếu điện?

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân bày tỏ tin tưởng và khẳng định, năm 2024 sẽ không thiếu điện trong mùa khô.

Tại họp báo thường kỳ của Bộ Công thương ngày 29/3, nhiều báo chí băn khoăn trước mối lo về cung ứng điện khi nắng nóng gay gắt dự kiến sẽ căng thẳng hơn cùng kỳ các năm trước, với mức tăng trưởng phụ tải điện 3 tháng đầu năm đã đạt ngưỡng 11,5%, tốc độ tăng trưởng công nghiệp đã đạt 2 con số…

Vậy, việc đảm bảo cung ứng điện những tháng cao điểm mùa khô (tháng 5, 6, 7) ra sao?

Năm nay, có sự đổi mới trong lập kế hoạch

Trả lời báo chí, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay, Thủ tướng rất quan tâm và có nhiều chỉ đạo đảm bảo cung ứng điện trong năm 2024.

Theo đó, Bộ Công thương cũng đã trực tiếp giám sát, tham gia vào việc điều hành, cùng với EVN đảm bảo vận hành, cung ứng điện.

Theo ông Tân, năm nay, có sự đổi mới trong lập kế hoạch, đảm bảo nhiên, nguyên liệu trong việc cung ứng điện.

Đặc biệt, Bộ Công thương đã ban hành riêng kế hoạch cung ứng điện cho các tháng mùa khô. Riêng kế hoạch từ tháng 4 đến tháng 7, sẽ rà soát hàng tháng, hàng quý, từ đó có báo cáo để điều chỉnh kịp thời.

Với những bước chuẩn bị đó, lãnh đạo Bộ Công thương bày tỏ: "Chúng tôi tin tưởng và khẳng định, năm 2024 sẽ không thiếu điện trong mùa khô".

Tình trạng thiếu điện, cắt điện như năm ngoái, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, đó là sự cố đáng tiếc.

Kế hoạch cung ứng điện từ tháng 4 đến tháng 7, sẽ rà soát hằng tháng, hằng quý, từ đó có báo cáo để điều chỉnh kịp thời.

Vì sao kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII chậm trễ?

Dù vậy, nhìn về dài hạn, cung ứng điện mùa khô vẫn căng thẳng, khi nguồn điện tái tạo chuyển tiếp bế tắc nhiều năm chưa đàm phán được giá chính thức, trong khi những dự án nguồn điện mới muốn làm cũng chưa có cơ sở, do kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII chậm ban hành.

Về việc này, ông Bùi Quốc Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) mong nhà đầu tư thông cảm, vì có nhiều vấn đề khó khăn vướng mắc.

Ông Hùng cho biết, Bộ Công thương có 6 lần trình Chính phủ, Chính phủ cũng đã tổ chức rất nhiều cuộc họp, trong đó có 2 cuộc họp ngày 29/2 và 25/3, Chính phủ đã nhiều lần đánh giá Quy hoạch điện VIII là nội dung khó...

"Quy hoạch này được nhiều cấp ngành trong ngoài nước quan tâm, có nhiều ý kiến trong quá trình xây dựng, hoàn thiện nhằm có kế hoạch tổng thể, có tính khả thi, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội", ông Hùng giải thích nguyên nhân chậm trễ.

Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thông tin thêm, trong quá trình xây dựng, mặc dù Bộ Công thương cũng đã rất nỗ lực, cố gắng hoàn thiện kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII theo đúng tiến độ, các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Thường trực Chính phủ. Song, trong quá trình thực hiện có 17 địa phương gửi danh mục đề xuất các dự án về năng lượng tái tạo bị chậm nhiều so với thời gian yêu cầu của Chính phủ, nên trong lần phê duyệt lần 1, Bộ Công thương tạm thời chưa rà soát, tổng hợp nội dung danh mục dự án của các địa phương này.

Sau khi tiến hành rà soát tính pháp lý, tiêu chí các dự án do địa phương cung cấp, Bộ Công thương đã hoàn thiện danh mục và đề xuất để Thủ tướng phê duyệt, phù hợp với quy mô công suất nguồn điện năng lượng tái tạo được phân bổ.

Còn những địa phương chưa hoàn thành danh mục, ông Hùng cho biết, Bộ đã yêu cầu các địa phương nhanh chóng triển khai, khẩn trương hoàn thiện để Bộ công thương thẩm tra, đánh giá tính pháp lý để trình lên Thủ tướng Chính phủ trong lần trình tiếp theo.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ly-do-nao-bo-cong-thuong-cam-ket-nam-nay-khong-thieu-dien-192240329163336087.htm