Bít lối đi chung, dứt nghĩa tình làng

Gần 5 năm nay, hộ bà Phạm Thị Sương đã tự ý lập 'BOT thu phí' bằng cách chắn hàng rào sắt, chặn lối đi chung của bà con 2 ấp, Chánh Tài và Phú Nhuận, xã Nguyễn Huân, huyện Ðầm Dơi, gây nhiều bức xúc.

Muốn qua thì phải trả tiền

Lộ đất liên ấp dài khoảng 800 m (phần đất hộ bà Phạm Thị Sương) là tuyến lộ đi lại, làm ăn, buôn bán, đưa rước con đi học, thăm bà con lối xóm... của khoảng hơn 30 hộ dân.

Ông Huỳnh Hoàng Phúc, ấp Chánh Tài, bức xúc: “Hồi đó, bà Sương bàn với bà con có xe máy thường xuyên qua lại thì hùn vào 200-300 ngàn đồng/người để thuê xáng cạp múc đất san phẳng lộ đất đen để đi lại dễ dàng. Nhưng lộ vừa xong thì hộ bà Sương làm hàng rào sắt chắn lối đi, rồi bắt đầu thu phí, 3-5 ngàn đồng/lượt".

Anh Huỳnh Hoàng Phúc ở ấp Chánh Tài, muốn đi ra ấp Phú Nhuận phải trả 3-5 ngàn đồng/lượt khi qua “BOT thu phí”.

Anh Huỳnh Hoàng Phúc ở ấp Chánh Tài, muốn đi ra ấp Phú Nhuận phải trả 3-5 ngàn đồng/lượt khi qua “BOT thu phí”.

Ông Phúc kể thêm, cuối năm 2021, nhờ có nhóm từ thiện xây được cây cầu thông qua lộ xi măng nên ở khúc ngã ba Giồng Tra (cách “BOT” thu phí hơn 3 km) thì dân khỏe hơn, không bị mất phí. Nhưng bà con ở phía trong ấp Chánh Tài muốn tới lui ấp Phú Nhuận thì phải trả tiền.

“Hồi chưa có cây cầu, bà con khổ lắm. Qua lại làm ăn, đưa con đi học... đều phải tốn tiền, gần 5 năm nay chứ ít gì. Chịu không nổi, bà con ra cãi lý, ẩu đả nhưng không ăn thua. Thấy tình làng nghĩa xóm bạc bẽo quá”, ông Phúc than thở.

Cũng như ông Phúc, ông Nguyễn Quốc Quân, ấp Phú Nhuận, lên tiếng: “Tôi ở lộ ngoài thông thoáng, có đám tiệc mới đi qua ấp Chánh Tài, tới trạm thu phí cũng phải cắn răng đưa tiền chứ biết sao giờ. Qua trạm, đường sau đó chỉ là lộ đất đen, mưa trơn trượt chứ đâu có lộ xi măng sạch sẽ đâu mà thu phí”.

Chúng tôi giả khách vãng lai qua “BOT thu phí” của hộ bà Sương. Khi được hỏi về việc thu phí, bà Sương qua loa bao biện: “Lộ này trên đất của tư nhân, chặn rào thu phí để phụ tiền xáng múc. Mới hơn 1 năm nay thôi”.

Chị Nguyễn Tú Sương, ấp Chánh Tài, ở cuối phần lộ thu phí, cảm thán: “Tại vì đất của người ta chứ không phải của Nhà nước, người ta đổ thừa cho qua lại thì vuông bị thất. Qua lại tốn 5 ngàn đồng/lượt cũng phải chịu vì không có đường nào khác”. Chị Tú Sương chia sẻ thêm, do qua lại nhiều nên chị trả tiền theo tháng, mỗi tháng 150 ngàn đồng. Còn những ai lâu lâu mới đi thì trả 3-5 ngàn đồng/lượt.

Theo tìm hiểu, đất mà bà Sương đang thu phí là đất của người em ruột cho bà Sương thuê lại, với diện tích 20 công. Ông Bùi Quốc Khải, ấp Chánh Tài, cho hay: “Nói thẳng ra, về lý họ không sai nhưng tình nghĩa hàng xóm thì chẳng còn gì. Tội nghiệp bà con gần đó, năm này qua tháng nọ bị thu phí”.

Cần giải quyết dứt điểm

Khi được hỏi về vụ việc hộ bà Sương ngang nhiên lập “BOT thu phí” gây bức xúc, ông Trương Hoàng Khởi, Trưởng ấp Phú Nhuận, cho biết: “Vợ chồng bà Sương tự động thu phí lộ, không có thông báo cho địa phương hay. Ðịa phương không thể dùng biện pháp cưỡng chế tháo dỡ vì hàng rào thuộc phần đất gia đình. Mặc dù đã vận động rất nhiều lần để tháo gỡ nhưng hộ bà Sương không đồng ý, vẫn duy trì thu phí mỗi ngày”.

Ông Phan Văn Nhơn, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Huân, cho biết: “Ở ấp có báo lên, xã đã chỉ đạo ấp làm việc với hộ bà Sương, nhiều lần nhưng chưa giải quyết ổn thỏa. Cũng chưa áp dụng biện pháp mạnh bắt hộ bà Sương tháo gỡ, vì sợ bà không đồng thuận, dẫn tới việc dùng máy cuốc hay sên đất lên thì bà con cũng không đi lại được”.

Luật sư Trần Hoàng Hạnh nhấn mạnh thêm, dù là đất của hộ cá nhân đi chăng nữa thì cũng tình nghĩa xóm giềng, cho bà con qua lại thuận tiện làm ăn, đưa rước con cái. Hoặc tập thể cùng mua lại con đường tạo điều kiện cho dân lưu thông. Chính quyền địa phương phải mạnh tay làm dứt điểm, không để tình trạng cá nhân tự ý lập “BOT thu phí” lộ đất đen kéo dài nhiều năm như vậy.

Tự ý thu phí đi qua đất là vi phạm pháp luật. Khoản 1, Ðiều 275, Bộ luật Dân sự, quy định: “Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thỏa thuận khác...”.

Theo đó, việc một cá nhân tự đặt ra khoản phí đi qua đất cũng vi phạm Pháp lệnh Phí và lệ phí. Ðiều 7 pháp lệnh này cũng quy định rõ: “Nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân tự đặt ra các loại phí, lệ phí; sửa đổi các mức thu phí, lệ phí đã được cơ quan có thẩm quyền quy định; thu phí, lệ phí trái với quy định của pháp luật”.

Mây Mỹ

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/bit-loi-di-chung-dut-nghia-tinh-lang-a28528.html