Bịt 'lỗ hổng' trong kiểm soát an toàn xe đưa đón học sinh

LTS: Không chỉ ở hệ thống trường tư các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh mà ngay ở những miền quê, nhiều địa phương cũng có dịch vụ ô tô đưa đón học sinh. Điều lạ, dù diễn ra thời gian dài, nhưng hiện tại vẫn chưa hề có chế tài về quy chuẩn quản lý nào đối với loại hình đưa đón này.

Trường có tiền và nhu cầu cứ chủ động ký hợp đồng với các doanh nghiệp vận tải hoặc tư nhân là xong. Trong khi các nước phát triển như Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… mấy chục năm trước họ đã ban hành quy định về tiêu chí xe chở học sinh rất khắt khe. Đơn giản, học sinh là tài sản quốc gia trong tương lai, bảo vệ sự an toàn cho các em là bảo vệ tương lai của đất nước.

Bài 1: Khoảng trống pháp lý và câu chuyện an toàn

Sau một số vụ đáng tiếc xảy ra đối với xe đưa đón học sinh, các cơ quan chức năng khi vào cuộc kiểm tra đã chỉ ra nhiều tồn tại liên quan đến loại hình này như dịch vụ tự phát, chất lượng xe không bảo đảm, lái xe thiếu trách nhiệm...

Những hệ lụy đáng tiếc

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng, xảy ra nhiều sự cố liên quan đến xe đưa đón học sinh. Có trường hợp học sinh bị ngã văng xuống đường khi xe đang chạy; thậm chí có trường hợp tử vong hoặc nguy kịch vì bị bỏ quên trên xe đưa đón suốt nhiều giờ liền... Cụ thể, năm 2019, nam sinh 6 tuổi học sinh Trường Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội) tử vong vì bị bỏ quên trên ô tô đưa đón suốt 9 tiếng.

Cùng năm, tại Đồng Nai, một ô tô chở 16 học sinh lớp 1 từ trường về nhà giáo viên chủ nhiệm bị bung cửa, khiến ba em rơi xuống đường. Chưa dừng lại ở đó, năm 2021, xe chở học sinh ở huyện Sông Mã (Sơn La) đang đi trên đường thì cửa bật tung khiến ba em ngã ra đường, một em tử vong.

Lực lượng chức năng làm việc với các trường học có sử dụng xe đưa đón học sinh.

Lực lượng chức năng làm việc với các trường học có sử dụng xe đưa đón học sinh.

Tháng 2/2023, lái xe xe buýt đưa đón học sinh ở Biên Hòa (Đồng Nai) lùi xe khi học sinh chưa xuống hết khiến bé gái lớp 3 tử vong đã gây nhiều bức xúc trong dư luận… Phải khẳng định, ngay sau khi có những vụ việc đáng tiếc, các ngành chức năng đã nhanh chóng vào cuộc và chấn chỉnh. Nhiều văn bản chỉ đạo, tăng cường quan tâm đến công tác này đã được ban hành từ cấp Trung ương tới địa phương. Tuy nhiên, dù có nhiều nỗ lực song tai nạn liên quan vẫn xảy ra.

Thực tế cho thấy, xe đưa đón học sinh là một phương tiện rất đặc thù, đòi hỏi độ an toàn cao. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động đưa, đón học sinh bằng ô tô lại chưa có bất kỳ quy định cụ thể và riêng biệt nào mà chỉ đơn giản được quản lý bằng một hình thức vận tải hợp đồng thông thường. Dễ thấy, hiện có rất nhiều mô hình, những trường có đội xe đưa đón riêng hoặc có trường lại ký hợp đồng với các đơn vị vận tải.

Ngoài ra, tại các tỉnh, địa phương, nhiều trường hợp xe chở học sinh có chất lượng thấp, cũ kỹ hoạt động chủ yếu trên hình thức đưa, đón học sinh ở cự ly gần. Bởi vậy, vô hình chung việc chưa đầy đủ các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh với những quy định chặt chẽ liên quan đến loại hình này khiến tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao.

Tại Hội nghị trực tuyến chuyên đề về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với học sinh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, nhằm kéo giảm tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Công an Thành phố và các lực lượng chức năng thực hiện công tác rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với xe hợp đồng chở học sinh trên địa bàn Thành phố. Nội dung kiểm tra về điều kiện an toàn kỹ thuật phương tiện, điều kiện người lái; việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Kết quả, các lực lượng đã tiến hành rà soát, kiểm tra tại 110 trường học có ký hợp đồng vận chuyển đưa, đón học sinh với 186 đơn vị kinh doanh vận tải, tổng số phương tiện vận chuyển 1.519 xe ô tô; sau khi kiểm tra, lực lượng liên ngành đã tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với 41 trường hợp, phạt tiền 182.200.000 đồng.

Không những vậy, từ đây cũng nảy sinh những “biến tướng” của việc đưa đón học sinh. Hình thức phụ huynh tự ý gom xe, ghép xe trên các hội, nhóm là ví dụ. Thông thường, phụ huynh gom xe sẽ ưu tiên nhóm cùng khu dân cư và học cùng trường. Xe gom là xe 4 chỗ hoặc 7 chỗ để tối ưu thời gian, quãng đường di chuyển. Do nhu ngày càng cao cộng việc muốn giảm chi phí, dịch vụ đưa đón học sinh tự phát này nhanh chóng được phổ biến. Dĩ nhiên, hoạt động này bị thả nổi, khó quản lý và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông đối với học sinh.

Nói cách khác, nếu như phụ huynh sử dụng dịch vụ xe của trường, công tác quản lý sẽ được nhà trường thực hiện chặt chẽ theo quy định và phải chịu trách nhiệm khi chẳng may có sự cố xảy ra. Ngược lại, vì là dịch vụ tự phát, tự kết nối cung - cầu nên việc gom xe, ghép xe và tự tổ chức chạy theo tuyến riêng là sự thỏa thuận đơn giản giữa lái xe (hoặc chủ xe) và phụ huynh. Thông tin trao đổi giữa hai bên chỉ gồm: Giờ đón - trả; điểm đón - trả và số tiền/tháng và không có bất cứ yêu cầu, ràng buộc, thỏa thuận nào được kí kết.

Nhiều vấn đề đáng lo ngại

Quanh câu chuyện đưa đón học sinh bằng ô tô, theo tìm hiểu riêng trên địa bàn Hà Nội, cùng với sự phát triển nóng của các khu đô thị thì nhu cầu này càng lúc càng trở nên bức thiết.

Vì nhiều lý do, có những gia đình chấp nhận đi xuyên cả thành phố để con được học trong ngôi trường ưng ý. Chính vì vậy, mỗi ngày, Hà Nội có đến hàng nghìn chiếc xe đưa đón học sinh hoạt động. Để quản lý tốt hoạt động vận chuyển đưa đón học sinh, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã giao Thanh tra Sở phối hợp với lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tổ chức tổng kiểm tra toàn bộ xe hợp đồng đưa đón học sinh trên toàn thành phố; tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Kết quả bước đầu đã phát hiện hàng chục xe khách chạy theo hình thức hợp đồng không có hợp đồng vận chuyển nhưng vẫn đưa đón, vận chuyển học sinh. Hoạt động thanh kiểm tra trên địa bàn quận Cầu Giấy là ví dụ.

Theo đó, trong tháng 10/2023, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã phối hợp liên ngành với Cảnh sát giao thông (Công an Thành phố), Phòng Giáo dục - Đào tạo quận Cầu Giấy kiểm tra hoạt động của xe đưa đón học sinh trên địa bàn. Đáng chú ý, sau khi rà soát, lực lượng liên ngành đã phát hiện nhiều phương tiện hoạt động không đảm bảo an toàn. Chẳng hạn, ngày 5/10, lực lượng liên ngành đã xử lý nhiều phương tiện chạy “chui” khi bị thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải nhưng vẫn hoạt động. Nhiều phương tiện chở học sinh nhưng niêm yết không đầy đủ tên, số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải ở phần đầu mặt ngoài hai bên cánh cửa của xe của ô tô là xe khách theo quy định.

Qua thống kê, chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội hiện có trên 100 trường trong và ngoài công lập sử dụng xe đưa đón học sinh với số lượng xe lên tới hàng nghìn chiếc. Phải khẳng định, việc đưa đón học sinh bằng ô tô là điều cần thiết. Tuy nhiên, hiện có một thực tế là các trường đều đang thực hiện quy trình khép kín trong việc đưa đón học sinh. Điều này có mặt tích cực là tăng tính linh hoạt, tự chủ cho các trường trong hoạt động nêu trên song ở nhiều góc độ, việc “khoán trắng” cho các cơ sở đào tạo sẽ có những bất cập và hệ lụy riêng.

Theo Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện đơn vị đã làm việc với các trường học có sử dụng xe đưa đón học sinh yêu cầu không ký hợp đồng vận chuyển đối với các đơn vị vận tải không đủ điều kiện; chấm dứt hợp đồng vận chuyển đối với phương tiện, người lái xe ô tô không đủ điều kiện theo quy định. Yêu cầu cam kết các nhà xe, lái xe tuyệt đối không chở quá số người quy định, không sử dụng xe hết hạn đăng kiểm, không có phù hiệu “xe hợp đồng” hoặc phù hiệu hết hạn, lái xe không có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe đang điều khiển...

(Còn nữa)

Giang Nam

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bit-lo-hong-trong-kiem-soat-an-toan-xe-dua-don-hoc-sinh-162600.html