Bình yên của xã hội được bắt nguồn từ bình yên tại mỗi gia đình

Nhờ sự điều chỉnh chiến thuật của liên quân 141 cùng các đơn vị, địa bàn thuộc CATP Hà Nội. Chỉ trong vòng 3 đêm đầu từ ngày 9 tới nay, đã có trên 300 thanh thiếu niên 'tổ lái' bị phát hiện, xử lý.

Từ vụ việc hơn 300 thanh thiếu niên “tổ lái” bị phát hiện, xử lý:

Về Hà Nội mưu sinh, có thể vì cô đơn, đến tối H là lấy xe máy lang thang rồi tụ tập

Trong con số hơn 300 ấy, em tuổi ít thì 14, nhiều cỡ trên dưới 20 và chắc rằng có nhiều em cũng chỉ là a dua, a tòng. Nhưng biết đâu trong số đó còn có mầm mống của hành vi vi phạm pháp luật.

Bởi tang vật đi kèm các em còn có vũ khí thô sơ, chất kích thích gây nghiện bị cấm. Nguy hiểm và không còn là nguy cơ nữa, khi các em còn mang theo hung khí. Những thanh tuýp sắt gắn dao chọc tiết lợn dài hàng mét, những chiếc dùi cui điện, lưỡi lê… Số hung khí này sẵn sàng được sử dụng tấn công những người mà các em cảm thấy ngứa mắt, hoặc chỉ vì mâu thuẫn vu vơ của ai đó trong nhóm, hay qua mạng xã hội.

Đơn cử như vụ án xảy ra tại quận Đống Đa, đêm 5-2 vừa qua, là một ví dụ. Nguyễn Gia Huy, SN 2005, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, bị một nhóm đối tượng sử dụng hung khí đâm chém gây thương tích nặng ở đầu và tay.

Dù còn nhỏ tuổi và bị hành hung nhưng khi làm việc với CQCA, Huy lại tỏ ra dè dặt cung cấp thông tin, thậm chí có dấu hiệu giấu giếm sự việc. Tuy nhiên bằng các biện pháp nghiệp vụ, CA quận Đống Đa đã dựng được diễn biến và các đối tượng gây án.

CQCA nhanh chóng xá định hai đối tượng cầm đầu nhóm chém Nguyễn Gia Huy là Nguyễn Hải Tâm, SN 2002, trú tại quận Hoàn Kiếm và Nguyễn Tiến Lộc (hay còn gọi là Long Phúc Xá), SN 2003, trú tại quận Hai Bà Trưng. Chính Tâm và Lộc đã “điều” gần 20 đồng bọn tham gia đánh nhau chỉ vì khẩu chiến.

Theo quy định pháp luật, những trẻ vị thành niên có dấu hiệu vi phạm pháp luật, khi tiến hành lập biên bản xử lý, CQCN sẽ yêu cầu bố mẹ hoặc người thân của trẻ đến thực hiện chức năng giám hộ. Nhưng nhiều trong số 39 đứa trẻ bị lực lượng 141 chặn giữ rạng sáng 10-3, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng bậc sinh thành xuất hiện.

Trong tổng cộng 39 thanh thiếu niên cả nam lẫn nữ bị đưa về trụ sở CA để làm thủ tục lập biên bản vi phạm hành chính, các em đều đang trong độ tuổi vị thành niên. Song có điểm chung, là bố mẹ, người thân của các em đều không quản lý được con mình.

Như trường hợp Vũ Quang H, 16 tuổi, quê quán Chính Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, nổi bật với mái tóc nhuộm trắng xanh, có mặt tại trụ sở CA quận Hai Bà Trưng. H là đối tượng điều khiển xe máy không biển số, không đội mũ bảo hiểm, không giấy phép lái xe và phóng xe với tốc độ cao. Em cho biết ra Hà Nội để làm việc nên bố mẹ cũng không thể quảnlý hay biết con mình đang làm gì ngoài đó.

Luật sư Lê Hồng Vân - đoàn Luật sư TP Hà Nội được biết: “Pháp luật quy định rõ, phải xem xét trách nhiệm của những người giao xe máy cho con trẻ điều khiển, gây rối trật tự công cộng!. Nhưng khó khả thi, bởi trong hồ sơ nhân thân của riêng 39 trường hợp bị đưa về CA quận Hai Bà Trưng, chúng tôi đọc thấy nhiều thông tin về sự đổ vỡ, về những đứa trẻ ở nông thôn về Hà Nội mưu sinh…!

Và chúng ta đang nhìn thấy những con số đáng báo động, những hành vi đáng lên án, những nguy cơ, hiểm họa hình thành tội phạm đến từ chính nhứng trẻ vị thành niên ấy. Vậy chúng ta cần nhìn ra những nguyên nhân và giải pháp nào để các em không bị lôi kéo vào con đường tội phạm. Trách nhiệm đó đến từ chính nhà trường, các cơ quan quản lý nhưng quan trọng nhất vẫn là nền tảng gia đình các em. Bởi không thể nào chỉ đổ lỗi cho xã hội, cho nhà trường vì trong bất kỳ hoàn cảnh nào các em cũng luôn mong được thấu hiểu, được yêu thương và được chia sẻ trước hết từ chính gia đình mình.

Như cô Nguyễn Hương Giang, hiện đang là giáo viên tại trường THCS Cổ Nhế 2, người thường được phân dạy các lớp được đánh giá là có nhiều “học sinh cá biệt” cho biết: Dù được cảnh báo trước về thái độ của học sinh nhưng ai bước vào lớp cũng phải choáng ngợp với thái độ sấc sược của các em. Tuy nhiên, cô cho rằng trong sâu thẳm mỗi đứa trẻ đều có những khoảng trống, những yêu thương được giấu kín cần được đánh thức và khơi dạy. Nên bằng các câu chuyện thực tế trong cuộc sống, bằng chính trải nghiệm cuộc đời của mình, hay những hoàn cảnh có thật trong lớp, những vất vả hàng ngày của cha mẹ các em khi phải mưu sinh, để đủ điều kiện cho các em có cơ hội đến trường… Cô đã khéo léo đưa vào từng buổi học. Thật không ngờ, chính những câu chuyện đó đã khiến những đứa trẻ tưởng như ngông cuồng dần lắng nghe. Trong những “học sinh cá biệt ấy” có những em rơm rớm nước mắt, có em gục mặt che đi dòng nước mắt rơi vội... khi chạm tới những góc khuất và các tiết học trở nên nhẹ nhàng hơn.

Cô Giang cho biết thêm, dù có quậy nghịch thế nào thì các em vẫn luôn coi gia đình, bố mẹ là quan trọng nhất. Trong sâu thẳm của các em, vẫn luôn tồn tại tình yêu thương đối với gia đình. Các em luôn cần sự động viên, khích lệ, được coi trọng, quan tâm từ chính những người các em yêu thương tin tưởng...

Bởi vậy, đừng chỉ đổ lỗi cho con trẻ, trước tiên những hành vi ấy phải bắt nguồn từ chính thái độ sống của người lớn. Nhu cầu được quan tâm, yêu thương, được lắng nghe, chia sẻ sẽ giúp các em cảm nhận được sự bình yên. Và chính từ sự bình yên tại mỗi nếp nhà ấy, sẽ không có những cám dỗ, lôi kéo các em đến với hành vi phạm tội được.

Thùy Linh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/binh-yen-cua-xa-hoi-duoc-bat-nguon-tu-binh-yen-tai-moi-gia-dinh-281684.html