Bình Thuận: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có khả năng để làm việc trong môi trường quốc tế

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, có năng lực thực tiễn, phẩm chất đạo đức trong sáng, gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với nhân dân; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ có chất lượng, bảo đảm tính kế thừa là một trong những khâu đột phá mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã xác định.

Bài 2

BÀI DỰ THI GIẢI CỜ ĐỎ

Bài 1: Từ cách làm cụ thể…

Bài 2: Đến nhiệm vụ, giải pháp phù hợp…

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định: “Chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về mọi mặt, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, chú trọng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số…”. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy Bình Thuận (khóa XIV) đã ban hành Chương trình hành động số 06-CTr/TU, ngày 22/01/2021 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định rõ mục tiêu “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân; giữ vững quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, tích cực đổi mới, sáng tạo, chủ động liên kết, hợp tác và hội nhập; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước; huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực; phát triển toàn diện, trọng tâm là phát triển 03 trụ cột gắn với ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị: (i) Công nghiệp, (ii) Du lịch, (iii) Nông nghiệp; phấn dấu trở thành địa chỉ có sức thu hút mạnh các nhà đầu tư lớn, có năng lực, đưa tỉnh Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch”.

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận sẽ tập trung lãnh đạo thực hiện tốt khâu đột phá là: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, có năng lực thực tiễn, phẩm chất đạo đức trong sáng, gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với nhân dân; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ có chất lượng, bảo đảm tính kế thừa. Để cụ thể hóa thực hiện, trong năm 2021, Tỉnh ủy sẽ sơ kết 05 năm việc thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 11/6/2016 của Tỉnh ủy (khóa XIII) về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025 và bàn giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu ban hành ngay trong năm 2021 các Đề án về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để triển khai thực hiện đạt kết quả trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 như Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 – 2025”; Đề án “Xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030”; chỉ đạo UBND tỉnh Bình Thuận nghiên cứu, ban hành các chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp để động viên, khuyến khích và thu hút nhân lực chất lượng cao, chuyên gia giỏi; ban hành cơ chế, chính sách thu hút các cơ sở giáo dục, đào tạo có uy tín trong nước và quốc tế mở phân hiệu, chi nhánh tại tỉnh Bình Thuận, tạo tiền đề để phát triển các lĩnh vực đổi mới, sáng tạo tại địa phương. Trong đó phấn đấu mục tiêu đến năm 2030 có từ 25 - 35% cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; từ 50% cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước trở lên có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, có kỹ năng quản trị đáp ứng yêu cầu của quốc gia”.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã thống nhất tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của Đề án 100, với mục tiêu “phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ toàn phần ở nước ngoài là 30 người; đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ một phần trong nước, một phần ở nước ngoài là 30 người; cử được 10 - 15 đoàn đi bồi dưỡng ngắn hạn ở nước ngoài; mở được từ 20 - 25 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ trong nước do chuyên gia nước ngoài giảng dạy”. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 720/KH-BĐH ĐA.100 ngày 02/3/2021, ưu tiên bồi dưỡng nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý, trong đó, tập trung phát triển 3 trụ cột chính gắn với ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị: Nông nghiệp, công nghiệp du lịch theo các nhiệm vụ cần tập trung thực hiện tại Nghị quyết số 06-NQ/ĐH, ngày 16/10/2020 của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ mở các lớp bồi dưỡng trong nước do giảng viên nước ngoài giảng dạy để bồi dưỡng cho cán bộ, lãnh đạo quản lý tập trung vào các lĩnh vực về công tác quản lý nhà nước về du lịch; xây dựng và phát triển bền vững chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản và chuyển đổi số trong hành chính công. Qua đó, trang bị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý những kiến thức kỹ năng về lĩnh vực du lịch, nông nghiệp và phát triển nông thôn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước về du lịch và nông nghiệp; hiểu được tiềm năng, lợi thế sẵn có của từng vùng để đề xuất, tham mưu gắn chuỗi giá trị với phát triển kinh tế vùng. Ngoài ra, nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng của Trung ương và địa phương, tỉnh sẽ tiếp tục gắn kết chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Đề án 100 với chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Đề án 165 Ban Tổ chức Trung ương. Dự kiến giai đoạn 2021 – 2025 sẽ tiếp tục đào tạo trên 30 cán bộ có trình độ sau đại học toàn phần nước ngoài hoặc một phần trong nước, một phần ở nước ngoài, mỗi năm mở các lớp bồi dưỡng trong nước do giảng viên nước ngoài giảng dạy để bồi dưỡng từ 100 – 150 cán bộ lãnh đạo, quản lý trên các lĩnh vực trọng tâm phát triển của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh tiếp Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam.

Chủ tịch UBND tỉnh tiếp Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tin rằng với những giải pháp nêu trên, trong thời gian đến, tỉnh Bình Thuận sẽ đạt mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, đủ sức lãnh đạo xây dựng tỉnh nhà phát triển toàn diện ngang tầm các địa phương khác trong khu vực; góp phần hoạch định và triển khai thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhanh chóng đưa Bình Thuận lọt vào top các địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng, thu hút đầu tư mạnh, làm cho bộ mặt của tỉnh được thay đổi toàn diện trong tương lai không xa.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận nghiên cứu, tham mưu các Đề án, chính sách về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và thu hút nhân lực chất lượng cao, chuyên gia giỏi, thu hút các cơ sở giáo dục, đào tạo có uy tín trong nước và quốc tế mở phân hiệu, chi nhánh tại tỉnh Bình Thuận, phấn đấu đến năm 2030 có từ 25 - 35% cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; từ 50% cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước trở lên có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, có kỹ năng quản trị đáp ứng yêu cầu của quốc gia”.

Huyền Trâm

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/chinh-tri/binh-thuan-dao-tao-boi-duong-can-bo-co-kha-nang-de-lam-viec-trong-moi-truong-quoc-te-bai-2-141801.html