Bình Phước trong thế tam long hội tụ

Hít thở khí trời, tiếp đón gió mưa, từng cây rừng âm thầm trong lặng lẽ nhả vào lòng đất những giọt nước không biết mệt mỏi. Nhiều giọt nước kết lại tạo nên mọi nước, nhiều mọi nước góp lại thành khe, thành suối, thành sông rồi đổ về biển cả. Nước biển bốc hơi thành mây, thành mưa rơi xuống tái xanh rừng. Từng cây rừng trong tổng số gần 25.600 ha rừng nguyên sinh thuộc vùng lõi Vườn quốc gia Bù Gia Mập ở phía thượng nguồn sông Bé đã tạo nên những dòng sông uốn khúc mang thế dáng tam long hội tụ trên mảnh đất Bình Phước có một không hai ở dải đất hình chữ S.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường trao tặng Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bức tranh tam long hội tụ - Ảnh: Đ.H

CẦU HÌNH PHÍA ĐẦU NGUỒN

Những giọt nước chảy ra từ các cánh rừng Tây Nguyên cộng với 25.598,24 ha rừng nguyên sinh thuộc vùng lõi Vườn quốc gia Bù Gia Mập rồi hợp thành dòng chảy tạo nên phía thượng nguồn của dòng sông Bé đổ về hồ Thủy điện Thác Mơ nằm giữa thị xã Phước Long thơ mộng. Công trình Thủy điện Thác Mơ là một trong số các công trình thủy điện lớn của khu vực phía Nam, được xây dựng và phát điện vào ngày 6-1-1995, nhân chào mừng kỷ niệm 20 năm ngày tỉnh lỵ đầu tiên của miền Nam được hoàn toàn giải phóng.

Công trình thủy điện Thác Mơ được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 1995

Hồ thủy điện Thác Mơ có dung tích lớn nhất trong hệ thống 3 hồ thủy điện bậc thang trên dòng sông Bé chảy qua địa bàn tỉnh Bình Phước. Đây cũng là hồ thủy điện có dung tích đứng thứ 3 ở miền Nam, sau hồ Dầu Tiếng và hồ Trị An với dung tích hồ chứa khoảng 1,3 tỷ mét khối nước. Hồ thủy điện Thác Mơ có diện tích lưu vực khoảng 2.200km2 với nhiệm vụ sản xuất cung cấp điện cho hệ thống lưới điện quốc gia theo thiết kế 610 triệu kWh. Sau 29 năm đi vào vận hành, công trình thủy điện này đã đóng góp cho hệ thống điện quốc gia hơn 21 tỷ kWh điện, giúp Bình Phước tăng thu ngân sách địa phương bình quân hằng năm khoảng 200 tỷ đồng trong những năm gần đây. Chưa dừng lại ở đó, với dung tích khoảng 1,3 tỷ mét khối nước, Thủy điện Thác Mơ có vai trò rất quan trọng trong công tác phòng chống thiên tai, cắt giảm lũ cho vùng hạ du vào mùa lũ và cung cấp nước phục vụ dân sinh mùa khô hạn.

Những ai đã một lần phóng tầm mắt từ đỉnh núi Bà Rá trên độ cao hơn 728m so với mực nước biển, phía thượng nguồn của dòng sông Bé trở thành bức tranh thủy mặc của một dòng sông uốn lượn trong rừng xanh đến nao lòng mà thiên nhiên ban tặng cho Bình Phước. Nó trở thành điểm đến hấp dẫn cho những du khách muốn khám phá thiên nhiên còn hoang sơ như nàng “công chúa ngủ quên” trong rừng chưa được đánh thức. Sông Bé cũng thật lạ, khi đổ về địa hình Bình Phước, nó không chảy theo quy luật tự nhiên từ Tây sang Đông mà lại đi ngược từ Đông sang Tây tạo nên dáng hình của một thế rồng đang lên trước khi làm nên phong cảnh hữu tình của lòng hồ Thủy điện Cần Đơn trên địa bàn huyện biên giới Bù Đốp.

Gần 30 năm gắn bó với cây sầu riêng trên mảnh đất Bàu Nghé nằm cạnh vùng bán ngập của lòng hồ Thủy điện Thác Mơ, có lẽ nhà nông Nguyễn Văn Đương là người hiểu nhất giá trị từng giọt nước của lòng hồ này mang lại. Nó giúp hơn 10 ha sầu riêng trong hành trình mưu sinh của gia đình ông quanh năm xanh tốt nhờ có đủ nước tưới. Và những giọt nước từ phía thượng nguồn sông Bé đã trở thành ân nhân cho cả thôn Bàu Nghé sản xuất nông nghiệp. Đâu chỉ thôn Bàu Nghé, cả 7.500 ha đất canh tác nông nghiệp của thị xã Phước Long và một phần của hai huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập cũng nhờ những giọt nước của mỗi cây rừng âm thầm tạo ra vô số giọt, khe, suối hợp thành thượng nguồn của dòng sông Bé.

RỒNG THIÊNG TRÊN BIÊN GIỚI

Sau khi hoàn thành sứ mệnh tạo ra nguồn điện và nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho người dân thị xã Phước Long và các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, những giọt nước từ phía thượng nguồn sông Bé ngược hướng Đông Tây qua địa bàn của huyện Bù Gia Mập rồi hợp lưu với dòng Đắk Quýt tạo thành ngã ba Dàm trên lòng hồ Thủy điện Cần Đơn thuộc xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp.

Rồng của lòng hồ Thủy điện Cần Đơn nhìn từ trên cao - Ảnh: T.L

Diện tích lưu vực của lòng hồ Thủy điện Cần Đơn hơn 19km2 tiếp giáp giữa hai huyện Bù Đốp và Bù Gia Mập với dung tích hữu ích gần 80 triệu mét khối nước. Đây cũng là công trình thủy điện thứ hai trên dòng sông Bé oai hùng đi qua địa bàn tỉnh Bình Phước với công suất phát điện đạt 77,6MW. Để có cao trình tích nước 110m của lòng hồ này, ngoài nguồn nước từ Thủy điện Thác Mơ đổ về, lòng hồ Cần Đơn còn đón nguồn nước từ suối Đắk Quýt bắt nguồn từ biên giới Campuchia chảy qua địa bàn Bù Đốp với tổng chiều dài 36km. Để có được 1.377 ha diện tích mặt nước, hồ Thủy điện Cần Đơn còn đón nhận nguồn nước của 7 con suối lớn nhỏ do từng giọt nước kết thành, chảy ra từ 6.500 ha rừng trên địa bàn huyện biên giới Bù Đốp. Chính những con suối này kết nối tạo ra một nhánh sông trên lòng hồ Thủy điện Cần Đơn mang hình dáng của một bóng rồng đang bay trong mây độc nhất vô nhị trên phạm vi cả nước. Hình ảnh dáng rồng ấy không phải người dân Bình Phước phát hiện để quảng bá cho mình mà từ một du khách tình cờ phát hiện, ghi lại trong một chuyến bay trên bầu trời trong không phận của tỉnh Bình Phước. Khoảnh khắc ấy được đăng lên mạng xã hội và ngay lập tức thu hút du khách thập phương, trở thành điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn khám phá thiên nhiên, sông nước kỳ thú của huyện biên giới Bù Đốp nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung. Nguồn nước của lòng hồ này còn cung cấp nước tưới cho gần 5.000 ha đất canh tác nông nghiệp từ cây ngắn ngày cho đến dài ngày trên địa bàn huyện Bù Đốp và cả Lộc Ninh. Đặc biệt, sau khi công trình thủy lợi sau Cần Đơn đi vào hoạt động đã giúp hàng ngàn héc ta đất nông nghiệp hoang hóa trong mùa khô trên địa bàn huyện Bù Đốp trở nên xanh tươi nhờ hệ thống thủy lợi dẫn nước đến từng cánh đồng.

Một góc cảnh quan của lòng hồ Thủy điện Cần Đơn

Cánh đồng ấp Sóc Nê thuộc xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp có gần 100 ha. Bao đời nay, người dân cày cấy trên cánh đồng này chỉ vỏn vẹn một vụ lúa nhờ nguồn nước trời. Thế nhưng, từ khi có kênh mương nội đồng dẫn nước từ công trình thủy lợi sau Cần Đơn về đồng ruộng, người dân trong ấp đã đưa diện tích cây lúa trên cánh đồng này lên 3 vụ trong năm, năng suất cũng nhờ đó tăng lên. “Từ nay mình không còn lo đói giáp hạt nữa. Nhà nước đã cho mình nước quanh năm. Đồng ruộng ở đây làm được 3 vụ rồi, không còn 1 vụ như trước. Bà con ở đây vui mừng lắm! Không biết cảm ơn Nhà nước thế nào cho đủ” - già làng ấp Sóc Nê Lâm Văn Lế cho hay.

Nông dân ấp Sóc Nê thu hoạch lúa nhờ nguồn nước tưới từ công trình thủy lợi sau Cần Đơn

BIỂU TRƯNG TỪ RỪNG

Mọi con sông đều bắt nguồn từ phía thượng nguồn. Mỗi thượng nguồn đều bắt đầu từ những giọt nước tí tách nhỏ ra từ cây rừng hay nói khác hơn là rừng. Dòng sông Bé của tỉnh Bình Phước cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Nó được hình thành từ những giọt nước của toàn bộ 156.361 ha rừng trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Trong suốt chiều dài dòng chảy của mình, nó không chỉ mang lại những giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp hay tạo ra nguồn điện để phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sông, rừng còn sản sinh ra bao giá trị văn hóa thông qua nông cụ và trang phục của các tộc người sống bên rừng, bên sông. Nghĩ xem, từ cồng chiêng đến thổ cẩm của tộc người tại chỗ S’tiêng trên quê hương Bình Phước mà không mang đậm dấu ấn văn hóa của họ ứng xử với môi trường thiên nhiên. Từ hạt lúa, ngọn cây, ngọn gió, dòng sông, con suối đến hươu, nai, muông thú đều in dấu trên mỗi tấm thổ cẩm và cả cồng, chiêng. Tất thảy những hình ảnh ấy chẳng phải bắt nguồn từ văn hóa ứng xử của con người với rừng, với sông sao!

Kỹ sư Khương Hữu Thắng, Phó trưởng Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Vườn quốc gia
Bù Gia Mập sưu tầm, nghiên cứu về trà hoa vàng tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Bình Phước hiện có hơn 156.361 ha rừng không chỉ là phía thượng nguồn của dòng sông Bé hiền hòa, thơ mộng mà còn là nguồn phòng hộ cho cả khu vực Đông Nam Bộ. Trong quá trình hình thành nên những dòng sông, rừng còn góp phần sản sinh cho Bình Phước biểu tượng tam long hội tụ mà không phải nơi nào cũng có được. Đặc biệt hơn, trong số hơn 25.000 ha rừng đặc dụng thuộc vùng lõi của Vườn quốc gia Bù Gia Mập còn có 7 loài trà mi, trong đó có 2 loại cực kỳ quý hiếm trên thế giới là trà hoa đỏ và trà hoa vàng. Hoa của hai loài trà này không chỉ tuyệt mĩ về hương sắc mà còn là nguồn dược liệu vô cùng quý giá đối với sức khỏe con người. Riêng trà hoa vàng tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập được các khoa học lâm sinh đề nghị đưa vào sách Đỏ thế giới khẩn cấp để bảo tồn vì đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trong thế giới thực vật. Đội ngũ kỹ sư của Vườn quốc gia Bù Gia Mập cũng đang bắt tay nghiên cứu đặc điểm sinh thái của loài hoa này để bảo tồn cho thế hệ mai sau.

Nhận thấy tiềm năng từ rừng xanh, sông suối của Bình Phước, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ và Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền đã có bài tham luận tại Hội nghị Văn hóa tỉnh Bình Phước năm 2023, trong đó đề xuất bộ nhận dạng thương hiệu văn hóa Bình Phước cần lấy thế tam long hội tụ làm biểu trưng từ cảnh quan của 3 hồ hình rồng. Và nên chăng, Bình Phước cần chọn trà hoa vàng mang tính đặc hữu của Vườn quốc gia Bù Gia Mập để làm biểu trưng cho loài hoa của tỉnh. Bởi tất cả các biểu trưng về hình ảnh, cảnh quan, loài hoa, linh vật đều có nguồn gốc từ rừng. Biểu trưng ấy, tự thân nó đã nói lên nét đẹp văn hóa của người Bình Phước ứng xử với môi trường thiên nhiên như thế nào.

Đông Kiểm

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/543/154107/binh-phuoc-trong-the-tam-long-hoi-tu