Bình Phước: Triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư

Tỉnh Bình Phước xác định rõ, để thu hút nguồn vốn đầu tư FDI, tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập và triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó xác định Quy hoạch phải đóng vai trò chủ đạo, thể hiện được rõ định hướng, tầm nhìn phát triển của tỉnh trong dài hạn; đáp ứng mục tiêu thu hút đầu tư, huy động và sử dụng các nguồn lực một cách khoa học, hiệu quả.

Bình Phước có lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, thuận lợi cho các doanh nghiệp khi lựa chọn đầu tư . (Ảnh: Phú Thành)

Bình Phước có diện tích tự nhiên 6.873,56 km2, lớn nhất miền Nam và Đông Nam Bộ. Bình Phước có vị trí địa lý chiến lược, giữ vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế mới; có khí hậu ôn hòa, đất đai rộng lớn đang còn nhiều dư địa phát triển; là một trong tám tỉnh của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long với Tây Nguyên và với quốc tế (Campuchia, Lào, Thái Lan).

Báo cáo từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Phước cho biết: Mặc dù là tỉnh ở xa trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, thương mại dịch vụ lớn nhất khu vực là TP Hồ Chí Minh (khoảng 100 km), nhưng hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh được đầu tư đồng bộ và từng bước hiện đại, tỉnh có các tuyến giao thông huyết mạch như Quốc lộ 13, 14, ĐT.741 thuận lợi trong kết nối giao thông liên vùng, kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, Bình Dương, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, Campuchia qua cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư. Dự kiến trong năm 2024 sẽ khởi công đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một – Chơn Thành; đường cao tốc Bắc Nam phía tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước), rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển đến cảng biển, cảng hàng không, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa. Tương lai có đường sắt xuyên Á, hứa hẹn tạo cú hích cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hiện nay, Bình Phước có 15 khu công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó có 13 khu công nghiệp với diện tích 6.065 ha, đang thu hút đầu tư với tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 68%. Theo quy hoạch tỉnh đã được các bộ, ngành Trung ương thẩm định, đến năm 2030, tổng diện tích đất khu công nghiệp của tỉnh Bình Phước là 18.105 ha; trong đó có khu công nghiệp Đông Nam Đồng Phú với diện tích 4.200 ha, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện nay, giá thuê đất trong khu công nghiệp của tỉnh thấp, khoảng từ 80 - 100 USD/m2 cho 50 năm, trong khi các tỉnh lân cận có giá khoảng 130 -150 USD/m2, đây được xem là lợi thế so sánh rất lớn so với các tỉnh, thành trong khu vực.

Cùng với đó, tỉnh Bình Phước có nguồn nhân lực dồi dào với dân số 01 triệu người, trong đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là trên 617 ngàn người, chiếm tỷ lệ 61% so với dân số. Lao động thành thị chiếm 18,79%, nông thôn chiếm 71,21%. Hiện tại Bình Phước có độ tuổi dân số vàng, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Đây có thể coi là lợi thế so sánh của Bình Phước so với các địa phương khác khi cơ cấu dân số trẻ hơn.

Trong những năm qua, tỉnh Bình Phước tận dụng những điều kiện thuận lợi, nỗ lực khắc phục những khó khăn để thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, toàn tỉnh có 1.214 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn 119.853 tỷ đồng; số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 11.979 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký 204.466 tỷ đồng; có 391 dự án FDI với số vốn đầu tư 4 tỷ 131 triệu USD. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2023, Bình Phước đã lọt vào top 10 tỉnh thành cao nhất cả nước về thu hút vốn FDI.

Tỉnh Bình Phước xác định, về chỉ tiêu kinh tế, tỉnh kỳ vọng tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 9%; trong đó giai đoạn 2021-2025 đạt 8.5%, giai đoạn 2026- 2030 đạt 9.5%, giai đoạn 2031-2050 đạt 8-9%. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP, đến năm 2025, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 48%; Thương mại - dịch vụ chiếm khoảng 34%; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 18%; Kinh tế số chiếm tỷ trọng 20%. Đến năm 2030, công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 54%; Thương mại dịch vụ chiếm khoảng 35%; Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 11%; Kinh tế số chiếm tỷ trọng 30%.

Với tốc độ tăng GRDP hàng năm, Bình Phước đặt mục tiêu GRDP bình quân/người đến năm 2025 đạt 106 triệu đồng (4.600 USD); Năm 2030 đạt 180 triệu đồng (7.500 USD); Đến năm 2050 đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD.

Bình Phước đang nỗ lực đầu tư phát triển giao thông tạo thuận lợi chào đón các doanh nghiệp lớn đến đầu tư tại tỉnh. (Ảnh: nongnghiep.vn)

Để đạt được các mục tiêu đề ra trong quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, theo dự toán ban đầu, Bình Phước cần huy động vốn đầu tư xã hội là 600.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 là 210.000 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là 390.000 tỷ đồng. Trong đó, thu hút đầu tư trong và ngoài nước giữ vai trò quyết định.

Tỉnh Bình Phước xác định rõ, để thu hút nguồn vốn đầu tư FDI, tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập và triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó xác định Quy hoạch phải đóng vai trò chủ đạo, thể hiện được rõ định hướng, tầm nhìn phát triển của tỉnh trong dài hạn; đáp ứng mục tiêu thu hút đầu tư, huy động và sử dụng các nguồn lực một cách khoa học, hiệu quả.

Sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả, đóng vai trò hỗ trợ dẫn dắt để thu hút tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế. Việc quản lý, phân bổ vốn đầu tư thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, sắp xếp thứ tự ưu tiên hợp lý, tập trung đầu tư các dự án hạ tầng giao thông nội tỉnh, các dự án giao thông liên vùng, tác động lan tỏa kết nối các khu, cụm công nghiệp; các dự án.

Tỉnh giao các đơn vị liên quan, kiểm soát chặt chẽ những dự án đầu tư không phù hợp với nhu cầu phát triển của tỉnh. Có chế tài xử lý các dự án chậm triển khai thực hiện, tiến độ thực hiện chậm.

Triển khai hiệu quả 03 chương trình đột phá quan trọng về xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, cải cách thủ tục hành chính; Ưu tiên nguồn lực để xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng, đặc biệt là các tuyến đường cao tốc nối Đắk Nông, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, tuyến đường kết nối sân bay Long Thành và cảng Cái Mép; phát triển hệ thống đường giao thông liên huyện; thường xuyên duy tu, sửa chữa các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, đáp ứng yêu cầu, lộ trình chuyển đổi số. Phát triển mạng lưới truyền tải điện cung cấp cho các khu, cụm công nghiệp, nhà máy và sản xuất, sinh hoạt của người dân. Xây dựng hệ thống cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tập trung tại các khu, cụm công nghiệp.

Bình Phước tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng xã hội, nhất là cơ sở vật chất trường học, cơ sở y tế phục vụ nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2025, huy động các nguồn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật gắn kết chặt chẽ với quy hoạch và phát triển du lịch. Chủ động kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án mũi nhọn có tính đột phá trong lĩnh vực du lịch tạo sự lan tỏa và thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội phát triển.

Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lực lượng lao động có trình độ tay nghề cao; nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, có kỹ năng phục vụ cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất chính trị, tinh thần trách nhiệm cao phục vụ người dân và doanh nghiệp. Phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng và sử dụng có hiệu quả nhân tài; thu hút người tài và người Bình Phước thành đạt ở trong và ngoài nước về đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh tại tỉnh.

Thực hiện xúc tiến đầu tư trên tất cả các ngành, lĩnh vực mà tỉnh đang quan tâm thu hút đầu tư như: Công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, các lĩnh vực xã hội hóa để phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Phối hợp với những nhà đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp để nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư…/..

Phú Thành

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/binh-phuoc-trien-khai-dong-bo-cac-giai-phap-thu-hut-dau-tu-651375.html