Bình Phước: Tăng cường phòng, chống đuối nước ở trẻ em

Chỉ trong 10 ngày, trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã xảy ra 2 vụ tai nạn đuối nước thương tâm, khiến 5 học sinh tử vong.

Liên tiếp xảy ra tai nạn đuối nước thương tâm

Chiều ngày 27/3, bé trai N.Đ.A, (7 tuổi, học sinh Trường tiểu học Thống Nhất) dẫn theo em gái là N.N.U. (4 tuổi) xuống rẫy của ông nội chơi tại thôn 9, xã Thống Nhất (huyện Bù Đăng) để chơi, bị rơi xuống hồ nước sâu, khiến cả 2 anh em tử vong.

Trước đó, ngày 17/3, trên địa bàn thị trấn Thanh Bình (huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 3 học sinh tử vong gồm: Trần Thị Yến Nh. (15 tuổi), Trần Thị Mỹ D. (15 tuổi) và Nguyễn Phương Hoài Tr. (16 tuổi), cùng ngụ huyện Bù Đốp.

Lực lượng chức năng nỗ lực tìm kiếm 3 em bị đuối nước tại khu vực thủy điện Cần Đơn.

Thời điểm mùa hè, thời tiết nắng nóng, các em thích rủ nhau ra ao, hồ, sông suối tắm, vui đùa là một trong những nguyên nhân khiến các vụ đuối nước ở trẻ em gia tăng.

Tai nạn phổ biến nhất là do các em rủ nhau đi tắm, khi một em bị đuối nước, các em còn lại tìm cách cứu nhau hoặc bám giữ nhau dẫn đến có vụ nhiều em tử vong một lúc.

Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nguyên nhân phổ biến nhất dẫn là do thiếu sự giám sát của người lớn, sự chủ quan của bố mẹ để trẻ tự do vui chơi tại những khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ...

Các ban ngành đoàn thể đến hỏi thăm và động viên gia đình 2 em bị đuối nước tại huyện Bù Đăng.

Mặt khác, tai nạn đuối nước còn do trẻ không biết bơi, chưa được dạy kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi, khi cứu nạn. Thực tế đã ghi nhận những trường hợp trẻ đã biết bơi nhưng khi gặp tai nạn vẫn không thể tự cứu mình, hoặc tử vong khi cố gắng cứu người khác...

Việc dạy cho các em nhỏ học bơi và những kỹ năng sinh tồn khi đuối nước là điều rất cần thiết.

Phòng chống đuối nước ở trẻ em không chỉ là trách nhiệm của gia đình, mà còn của nhà trường và xã hội.

Dạy bơi cho trẻ em là cần thiết

Trao đổi với PV Người Đưa Tin về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú cho biết, để nâng cao tinh thần trách nhiệm trong phòng chống đuối nước cho trẻ em và học sinh, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo cho Phòng giáo dục và Đào tạo cũng như các trường trên địa bàn huyện tập trung tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh trong việc giữ an toàn khi tắm hồ, tắm ao.

Đặc biệt trong mùa nắng nóng này, phụ huynh phải quản lý sát sao con em mình. Ngoài ra, UBND huyện yêu cầu các xã thị trấn tích cực tuyên truyền cho bà con nhân dân, nhất là các hộ ở trong rẫy có ao, hồ cần phải rào chắn cẩn thận, trên địa bàn các xã có ao, hồ phải cắm biển báo tại nước sâu nguy hiểm rào ao, lấp các hố nước, làm nắp cống và các hoạt động liên quan.

Nghiên cứu, triển khai và nhân rộng mô hình ngôi nhà an toàn trường học an toàn cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em và phòng chống đuối nước trẻ em.

Thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát về công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em tại các địa phương theo quy định về an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em.

“UBND huyện đang đi tìm các nhà tài trợ có các bể bơi di động, để hỗ trợ huyện trong việc tập những kỹ năng bơi nổi cho các cháu”, ông Nguyễn Thanh Phương nhấn mạnh thêm.

BCH Phòng chống thiên tai và TKCN huyện Bù Đốp cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm để phòng chống đuối nước tại đập thủy lợi Hồ Bù Tam.

Theo các chuyên gia, muốn tránh được, giảm được tình trạng chết do đuối nước, trước hết phải dạy trẻ biết bơi. Cùng với đó, dạy trẻ em cách an toàn trong môi trường nước.

Cùng với việc học bơi, cần dạy kỹ năng an toàn cho trẻ. Đó là dạy cho các em các kiến thức, an toàn khi tham gia môi trường nước, kỹ năng tự cứu và nhận biết môi trường nước nguy hiểm như nước sâu, cát lở, xoáy nước, sóng lớn, dòng chảy xa bờ... để phòng tránh.

BCH Phòng chống thiên tai và TKCN huyện Bù Đốp cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, để phòng chống đuối nước tại công trình thủy lợi sau Cần Đơn.

Bên cạnh đó, cần trang bị cho các em những kỹ năng giúp người bị tai nạn đuối nước.

Bao gồm: cách cứu người trực tiếp trong môi trường nước khi các em biết bơi; cứu người đuối nước bằng cách gián tiếp như thông báo mọi người xung quanh được biết, ném các vật nổi cho nạn nhân, sử dụng các dụng cụ cứu hộ như phao cứu sinh, gậy, dây... để hỗ trợ.

Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam, trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển.

Nguyễn Văn Khánh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/binh-phuoc-tang-cuong-phong-chong-duoi-nuoc-o-tre-em-a656409.html