Bình Phước: Hồ Cầu 38 huyện Bù Đăng bị xâm hại nghiêm trọng

Vừa qua, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về tình trạng đào bới, san lấp, xây dựng không phép... lấn hồ Cầu 38. Ngay sau đó, chính quyền cơ sở đã vào cuộc xử lý, tuy nhiên chưa xong chỗ này, lại 'lòi' vi phạm nơi khác.

Vi phạm nối tiếp... vi phạm

Trong khi chính quyền địa phương đang “loay hoay” chưa tìm ra cách xử lý, khắc phục dứt điểm hậu quả những trường hợp đào bới, san lấp, xây dựng không phép... lấn hồ Cầu 38 mà phóng viên báo Kinh tế & Đô thị trực tiếp phản ánh, thì lại xuất hiện trường hợp vi phạm mới. Việc lấn chiếm, chia cắt, cô lập hàng nghìn m2 mặt nước hồ Cầu 38, trước sự “bất lực” của chính quyền địa phương.

Ngang nhiên đắp đường, cô lập mặt nước, có dấu hiệu đang lấn chiếm hàng nghìn m2 mặt nước ở hồ Cầu 38. Ảnh: Lâm Thiện.

Theo đó, mới đây tại thửa đất số 297, tờ bản đồ 6, chủ đất đã ngang nhiên cho xe cuốc đào đất, đắp mới đoạn đường chắn ngang nhằm cô lập, chia cắt, lấn chiếm mặt nước hồ. Ngoài ra, trên thửa đất này còn có dấu hiệu thay đổi hiện trạng đất, làm đường giao thông trái phép dài hàng trăm mét quanh mặt hồ, con đường đấu nối thẳng xuống phần đất vừa đắp, chia cắt mặt nước nói trên.

Theo quan sát, diện tích mặt nước đang bị lấn chiếm, cô lập tới hàng nghìn m2 (chiều rộng mặt nước hơn 10m, chiều dài hàng trăm mét) chưa kể phần đất vùng bán ngập và hành lang an toàn hồ. Như vậy, tổng diện tích hồ đang có dấu hiệu bị lấn chiếm là rất lớn.

Đáng chú ý, sự việc diễn ra trong lúc chính quyền địa phương đang “ra sức” xử lý những vi phạm khác tại cùng khu vực mà phóng viên đã phản ánh trước đó. Qua đó, bộc lộ sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương, giống như “bắt cóc bỏ đĩa”, nếu không muốn nói là buông lỏng quản lý (?!).

Bức hình phóng viên chụp ngày 12/2, lúc này đã có dấu hiệu đổ đất lấn chiếm mặt hồ Cầu 38, nhưng con đường chưa xuất hiện. Ảnh: Lâm Thiện.

Ông Nguyễn Văn Tiến, người dân trong vùng cho biết, vừa rồi thấy chính quyền địa phương vào xử lý, sau đó những công trình san lấp đào bới, xây dựng tạm ngưng. Nhưng chỉ vài ngày sau, tại địa điểm khác, ngay bên cạnh lại thấy xe cuốc tiến hành đào bới, múc ủi đất rầm rộ như chốn không người.

“Họ đào bới, san lấp ngay mép hồ, thậm chí con rạch dài hàng trăm mét cũng bị đắp đường chắn ngang, tính ra phần diện tích mặt nước bị cô lập cũng lên đến hàng nghìn m2. Chính quyền xã Đức Liễu cũng có ra can thiệp nhưng chưa thấy người vi phạm khắc phục hậu quả. Hiện, con đường đang dần hình thành và vô tư chặn ngang con nước. Nếu cứ tiếp tục thờ ơ, mai mốt rồi sự việc cũng lắng xuống, họ lại tiếp tục làm…”, ông Nguyễn Văn Tiến nói.

Ông Tiến cũng cho rằng, “quần thể” hồ Cầu 38 này tuyệt đẹp, chính quyền nên xử lý mạnh tay những trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép trên quỹ đất ven hồ, nghiêm cấm triệt để những trường hợp tương tư xảy ra, giữ nguyên hiện trạng hồ. Tránh tình trạng người này làm được, người kia lại bắt chước, dẫn đến bất bình trong dư luận, mặt nước hồ thì ngày càng bị thu hẹp. Chưa kể, khi công trình mọc lên lại xả nước thải, rác thải… làm ảnh hưởng nguồn nước.

Ông Nguyễn Đức Quyền (người dân địa phương) cho rằng, ngay khi phát hiện trường hợp vi phạm chính quyền địa phương nên nhanh chóng xử phạt; buộc ngưng, khắc phục hậu quả và có biện pháp để cảnh báo như dựng "bảng cảnh báo", tránh xảy ra trường hợp tương tự.

“Nếu cứ để các cá nhân vi phạm xong rồi mới phát hiện, thậm chí người dân và nhà báo phản ánh mới ra quyết định xử phạt “nhẹ nhàng”, sau đó công trình lại tồn tại thì không đủ sức răn đe. Vì thực ra số tiền nộp phạt có lên đến vài chục triệu đồng thì vẫn quá thấp so với giá trị phần đất cá nhân đó lấn chiếm”, ông Nguyễn Đức Quyền nói thêm.

Hàng nghìn m2 mặt nước bị chia cắt, lấn chiếm trái phép, chưa kể vùng bán ngập, hành lang an toàn hồ Cầu 38. Ảnh: Lâm Thiện.

Các cấp chính quyền cần sớm vào cuộc xử lý

Một lần nữa, phóng viên trao đổi với ông Trần Văn Vĩnh - Chủ tịch xã Đức Liễu, ông Vĩnh cho biết: “Trường hợp này xã đã nắm và đang xử lý”...

Tiếp tục liên lạc với ông Trần Thanh Hòa - Chủ tịch UBND huyện Bù Đằng, phóng viện nhận được trả lời: "Những vụ việc hôm trước phóng viên phản ánh, huyện đã lập biên bản xử lý. Sao lại xảy ra vụ việc lấn chiếm mới, tôi sẽ cho kiểm tra ngay, nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật".

Bình Phước là tỉnh có hàng chục khu công nghiệp và những rừng cao su bạt ngàn. Cùng với đó, địa phương có một số hồ chứa nước diện tích lớn đang góp phần thực hiện “sứ mệnh” điều hòa bầu không khí, trong đó có hồ Cầu 38 và hồ Phước Hòa. Nhưng đáng quan ngại, khi cả hai hồ này đang bị con người xâm lấn nghiêm trọng (lấn chiếm hồ Phước Hòa).

Công trình có dấu hiệu lấn chiếm hồ quốc gia Phước Hòa, tại xã Nha Bích, TX Chơn Thành. Báo Kinh tê & Đô thị đã có bài phản ánh. Ảnh: Lâm Thiện.

Khu đồi ven hồ Cầu 38 bị san lấp, xây dựng công trình không phép. Ảnh: Lâm Thiện.

Liên tiếp để xảy ra vụ việc đào bới, san lấp, xây dựng không phép, thậm chí lấn chiếm lòng hồ Cầu 38 “giữa thanh thiên bạch nhật" nhưng phản ứng chậm chạp, thiếu quyết liệt… của chính quyền xã Đức Liễu.

Trước thực trạng trên, cần sự vào cuộc kịp thời của chính quyền các cấp của tỉnh Bình Phước nhanh chóng xử lý dứt điểm những vi phạm. Qua đó, bảo toàn nguyên vẹn lòng hồ, vùng bán ngập và hành lang bảo vệ hồ Cầu 38 cũng như hồ quốc gia Phước Hòa.

Báo Kinh tế và Đô thị sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Lâm Thiện

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/binh-phuoc-ho-cau-38-huyen-bu-dang-bi-xam-hai-nghiem-trong.html