Bình Định: Vụ bằng 'Tiến sĩ chính quy' của Phó Bí thư Tỉnh ủy… 'vận dụng, lạm dụng và lợi dụng' !?

Tamnhin.net - Với những lời trần tình trước cử tri của ĐBQH Lê Kim Toàn: “Việc tôi xin đi học hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu muốn nâng cao trình độ hiểu biết, không có bất kỳ một động cơ nào khác”, “Văn bằng tôi được cấp có giá trị pháp lý của nước bạn”, “Việc kê khai văn bằng chứng chỉ thực hiện theo các quy định và thủ tục của nước Việt Nam” và sự thật đằng sau …

Ông Lê Kim Toàn-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Từ Thường trực Tỉnh ủy Bình Định đã… “vận dụng” !

Việc Thường trực Tỉnh ủy Bình Định đã áp dụng theo quy định một số chính sách đào tạo cán bộ khoa học-công nghệ trình độ cao tỉnh Bình Định để cấp kinh phí cho ông Lê Kim Toàn tham dự lớp nghiên cứu sinh về khoa học Quản lý giáo dục do trường Đại học Đại Nam (Việt Nam) và trường Đại học Bulacan State (Philippines) tổ chức theo đơn xin đi học của ông Lê Kim Toàn có khá nhiều bất cập.

Đối chiếu với Quyết định số 45/2007/QĐ-UBND, vào thời điểm năm 2011 ông Lê Kim Toàn đã 46 tuổi (sinh năm 1965), theo quy định tại điều 3 của Quyết định này thì điều kiện để được cử đi học nước ngoài phải ở độ tuổi không quá 30. Hơn thế nữa, tại điều 6 cũng quy định rất rõ là chỉ cử đi đào tạo tại các trường có chất lượng của các nước: Singapo, Úc, Ấn Độ, New Zealand, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan. Cùng với các chuyên ngành cụ thể: Công nghệ thông tin, Viễn thông, Công nghệ sinh học, Hóa dầu, Luật quốc tế, Thương mại, Tài chính, Chứng khoán, Kiến trúc, Tim mạch, Thần kinh cột sống.

Theo đó, ông Lê Kim Toàn không đủ điều kiện để được cử đi học và Philippines không nằm trong danh sách các nước đào tạo có chất lượng. Hơn thế nữa, chuyên ngành Quản lý giáo dục cũng không thuộc một trong các chuyên ngành được cử đi đào tạo theo quy định tại Quyết định số 45/2007/QĐ-UBND.

Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Trần Kim Hùng-Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Định giải thích do thời điểm đó không có quy định nào khác nên Thường trực Tỉnh ủy đã “vận dụng” Quyết định số 45/2007/QĐ-UBND để áp dụng cho trường hợp của ông Lê Kim Toàn; ông Hùng cũng thừa nhận việc “vận dụng” như trên là không phù hợp…

Do đó, việc Thường trực Tỉnh ủy Bình Định căn cứ vào đơn xin đi học của ông Lê Kim Toàn để thống nhất kết luận, ban hành Quyết định số 309-QĐ/TU ngày 07/10/2011 về việc cử ông Lê Kim Toàn đi học Tiến sĩ và “vận dụng” theo chính sách đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao của tỉnh để thực hiện chi trả kinh phí đi học cho ông Lê Kim Toàn là không đúng với quy định. Chính cách vận dụng “hổng giống ai” của Thường trực Tỉnh ủy Bình Định là cơ sở để 386 triệu đồng tiền “mồ hôi nước mắt” của dân đội nón ra đi đổi lấy tấm bằng “Tiến sĩ ba tháng rưỡi” đang bị dư luận chỉ trích !?

Bản Photo Bằng Tiến sĩ do trường Đại học Bulacan State cấp cho ông Lê Kim Toàn

Đến … “lạm dụng”

Chiều ngày 05/8, trao đổi với phóng viên, ông Toàn nói: “Hồi đó tôi viết đơn xin đi học thì ghi là trường Đại học Đại Nam phối hợp với trường Đại học Bulacan State tổ chức, nhưng sau đó theo thông báo thì trường Đại học Đại Nam chỉ hỗ trợ thông tin thôi. Tôi có ra trường Đại học Đại Nam một lần để tìm hiểu thông tin, mức học phí… còn toàn bộ các đợt học đều học ở nước ngoài, không học trong nước. Việc đơn xin đi học ghi thời gian học trong nước là vì thông tin ban đầu như vậy…”.

Thông báo số 167-TB/TU ngày 07/9/2011 nêu rõ: Xét đơn xin đi học, Thường trực Tỉnh ủy Bình Định thống nhất chủ trương cử ông Lê Kim Toàn tham dự lớp nghiên cứu sinh về khoa học Quản lý giáo dục do trường Đại học Đại Nam (Việt Nam) và trường Đại học Bulacan State (Philippines) tổ chức với hình thức đào tạo: Bán du học (quá trình học và hướng dẫn làm đề tài nghiên cứu được thực hiện tại Hà Nội, mỗi tháng 4 ngày; bảo vệ đề tài được thực hiện tại Philippines trong 10 ngày). Thế nhưng, sau khi có được thông tin chính thức từ trường Đại học Đại Nam là hình thức đào tạo thay đổi, thay vì 96 ngày học trong nước và 10 ngày tại Philippines thì toàn bộ các đợt học đều học ở nước ngoài. Ông Lê Kim Toàn không báo cáo lại với Thường trực Tỉnh ủy Bình Định để xin điều chỉnh những thay đổi về hình thức đào tạo mà đã lạm dụng chủ trương trước đó để đi học “Tiến sĩ ngắn ngày” tại Philippines.

Và… “lợi dụng”.

Theo quy định, khi được trường Đại học Bulacan State (Philippines) cấp bằng Tiến sĩ về Quản lý giáo dục vào ngày 7/12/2013, việc đầu tiên ông Lê Kim Toàn phải làm là nộp 02 bộ hồ sơ đến Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục-Bộ Giáo dục và Đào tạo để được kiểm tra, xem xét công nhận văn bằng Tiến sĩ (theo Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam và Thông tư số 26/2013/TT-BGDĐT ngày 15/7/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp).

Tở trình ngày 14/4/2014 của Tỉnh ủy Bình Định công nhận ông Lê Kim Toàn có trình độ chuyên môn là Tiến sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục (do Bí thư Nguyễn Văn Thiện ký)

Thế nhưng, khi được cấp bằng Tiến sĩ ông Lê Kim Toàn đã không thực hiện theo trình tự này mà mặc nhiên tự công nhận văn bằng Tiến sĩ, báo cáo tổ chức, photo văn bằng và bản dịch nộp vào hồ sơ, kê khai bổ sung lý lịch… nghĩa là ông không tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam mặc dù ông mang quốc tịch của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Hơn thế nữa, ông là Đảng viên, một cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mới đây, trong một lần tiếp xúc cử tri, ông Toàn khẳng định: “Văn bằng tôi được cấp có giá trị pháp lý của nước bạn” “Việc kê khai văn bằng chứng chỉ thực hiện theo các quy định và thủ tục của nước Việt Nam”.

Văn bằng Tiến sĩ do trường Đại học Bulacan State (Philippines) cấp cho ông Lê Kim Toàn vào ngày 7/12/2013 hiện tại chưa có thông tin xác định giá trị pháp lý tại nước bạn (Philippines). Nhưng theo trả lời với báo chí của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục và Cục Đào tạo với nước ngoài-Bộ Giáo dục và Đào tạo thì có thể khẳng định một điều chắc chắn là Việt Nam không thể nào công nhận trình độ Tiến sĩ được đào tạo “cấp tốc, ngắn ngày” như thế này ! Tuy nhiên, ông Lê Kim Toàn đã lợi dụng tấm bằng Tiến sĩ này để khai bổ sung hồ sơ lý lịch, “đánh bóng tên tuổi” chứ không phải “hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu muốn nâng cao trình độ hiểu biết, không có bất kỳ một động cơ nào khác” như lời ông Toàn trần tình trước cử tri.

Trang lý lịch do ông Lê Kim Toàn tự khai với trình độ Tiến sỹ "chính quy"

Vĩ thanh…

Theo Thông tư số 10/TT-BGDĐT ngày 07/5/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế đào tạo trình độ Tiến sĩ tại Điều 3 ghi rất rõ về thời gian đào tạo trình độ Tiến sĩ đối với người có bằng Thạc sĩ là 3 năm tập trung liên tục... Trường hợp nghiên cứu sinh không theo học tập trung liên tục được và được cơ sở đào tạo chấp nhận thì chương trình đào tạo và nghiên cứu của nghiên cứu sinh phải có tổng thời gian học và nghiên cứu như quy định, trong đó có ít nhất 12 tháng tập trung liên tục tại cơ sở đào tạo để thực hiện đề tài nghiên cứu.

Mặc dù so với các nước trên thế giới, nền giáo dục của Philippines chưa được công nhận là cao nhưng chỉ với thời gian học tập 3,5 tháng được công nhận trình độ Tiến sĩ thì quả là điều không tưởng ! Vẫn biết mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng theo đúng Quy chế đào tạo trình độ Tiến sĩ tại Việt Nam thì cùng thời gian ấy nếu học tại Philippines ta sẽ có được…10 tấm bằng Tiến sĩ !?

Việc bằng Tiến sĩ về Quản lý giáo dục do trường Đại học Bulacan State (Philippines) cấp cho ông Lê Kim Toàn không được công nhận ở Việt Nam thì ông Toàn phải có trách nhiệm hoàn trả kinh phí cho ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, hiện nay điều mà dư luận đang đặc biệt quan tâm đến là “sự trung thực và mức độ trung thực” của những lời trần tình mà đại biểu Quốc hội Lê Kim Toàn đã trình bày trước cử tri huyện Tuy Phước, Bình Định vào ngày 02/8/2016: “Việc đi học vào năm 2011-2013 là hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu muốn nâng cao trình độ hiểu biết, không có bất kỳ một động cơ nào khác. Việc đi học đã có báo cáo, xin phép và được cơ quan quản lý cán bộ có thẩm quyền đồng ý, cử đi học và hỗ trợ bằng những quyết định cụ thể. Việc tôi đi học là có thật và văn bằng tôi được cấp có giá trị pháp lý của nước bạn. Sau khi đi học về tôi có báo cáo kết quả học tập và nộp văn bằng chứng chỉ cho cơ quan quản lý. Việc kê khai văn bằng chứng chỉ thực hiện theo các quy định và thủ tục của nước Việt Nam. Tôi khẳng định trong việc này tôi không hề gian dối bất kỳ một điều gì cả…” !?

Tầm Nhìn sẽ tiếp tục gửi đến bạn đọc diễn biến tiếp theo của vụ việc... Đặc biệt là những “tín hiệu lạ” rất “đúng quy trình” trong việc bổ nhiệm người thân của ông Lê Kim Toàn vào các chức vụ lãnh đạo tại Bình Định.

Minh Nguyễn

Nguồn Tầm Nhìn: http://tamnhin.net/binh-dinh-vu-bang-tien-si-chinh-quy-cua-pho-bi-thu-tinh-uy-van-dung-lam-dung-va-loi-dung-134754.html