Bình Định: Vì sao tạm dừng thi công kè sông Gò Chàm?

Do việc xây dựng công trình lấn chiếm không gian thoát lũ là vi phạm quy định pháp luật hiện hành, ảnh hưởng đến thoát lũ trên sông Gò Chàm, vì vậy công trình xây dựng bờ kè sông Gò Chàm do UBND huyện Tuy Phước làm chủ đầu tư phải tạm dừng thi công để điều chỉnh hồ sơ thiết kế.

Thi công kè sông Gò Chàm đổ đất lấn lòng sông.

Thi công kè sông Gò Chàm đổ đất lấn lòng sông.

Sông Gò Chàm là một trong ba nhánh sông chính của sông Kôn (nhánh Bình Thạnh, nhánh Gò Chàm và nhánh Tân An). Những năm gần đây, nhiều đoạn tuyến sông này bị lấn chiếm bởi nhà ở của dân, bởi cầu giao thông cắt ngang qua sông, bởi kè bảo vệ sông. Đặc biệt đoạn sông từ cầu Phú Đa về hạ lưu bị vi phạm nghiêm trọng, làm hẹp không gian thoát lũ; phía bờ trái sông thuộc xã Nhơn An của thị xã An Nhơn, phía bờ hữu sông thuộc xã Phước Hưng của huyện Tuy Phước.

Để bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân trong mùa mưa lũ của các hộ dân đang sinh sống bên bờ hữu sông Gò Chàm, UBND huyện Tuy Phước đầu tư xây dựng tuyến kè sông Gò Chàm tại thôn An Cửu, xã Phước Hưng. Thế nhưng, trong quá trình thi công bờ kè, đơn vị thi công đổ đất lấn lòng sông Gò Chàm tại vị trí nhiều nhất là 2,0m so với hiện trạng bờ sông ban đầu.

UBND huyện Tuy Phước đầu tư xây dựng tuyến kè sông Gò Chàm tại thôn An Cửu, xã Phước Hưng.

UBND huyện Tuy Phước đầu tư xây dựng tuyến kè sông Gò Chàm tại thôn An Cửu, xã Phước Hưng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định về việc xem xét, giải quyết kiến nghị việc thi công kè sông Gò Chàm thuộc địa phận xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước của UBND thị xã An Nhơn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND huyện Tuy Phước, UBND thị xã An Nhơn, UBND xã Phước Hưng, UBND xã Nhơn An kiểm tra việc thi công kè sông Gò Chàm thuộc xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước.

Kết quả kiểm tra cho thấy, kè sông Gò Chàm trên địa bàn xã Phước Hưng do UBND huyện Tuy Phước làm chủ đầu tư (theo phân cấp thì UBND huyện tổ chức thẩm định và phê duyệt), đang tổ chức thi công với nhiệm vụ bảo vệ dân cư ven sông xã Phước Hưng, với quy mô về chiều dài 183m, cao trình đỉnh kè +10.0 ÷ +9.70, cao trình đỉnh chân kè +7.60 ÷ +7.30.

Về tuyến, đã lấn ra phía sông tại vị trí nhiều nhất là 2,0m so với hiện trạng bờ sông ban đầu. Các đơn vị đề nghị UBND huyện Tuy Phước dừng thi công và dọn khối lượng đất đã đổ lấn ra sông làm đường thi công công trình và điều chỉnh tuyến kè vào phía trong. Tuy nhiên, UBND huyện Tuy Phước không thực hiện.

Sông Gò Chàm là một trong ba nhánh sông chính của sông Kôn (nhánh Bình Thạnh, nhánh Gò Chàm và nhánh Tân An).

Sông Gò Chàm là một trong ba nhánh sông chính của sông Kôn (nhánh Bình Thạnh, nhánh Gò Chàm và nhánh Tân An).

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định Hồ Đắc Chương cho biết: Việc xây dựng công trình lấn chiếm không gian thoát lũ là vi phạm quy định pháp luật hiện hành, ảnh hưởng đến thoát lũ trên sông Gò Chàm và các sông khác trong lưu vực sông Kôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn có liên quan đến tiêu úng, thoát lũ cần tuân thủ theo Kế hoạch quản lý lũ tổng hợp sông Kôn - Hà Thanh được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt tại Quyết định số 2620, ngày 16/8/2022. Đối với các dự án do UBND cấp huyện, UBND cấp xã làm chủ đầu tư cần lấy ý kiến thống nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tuyến công trình và không gian thoát lũ trước khi tổ chức thẩm định, phê duyệt.

Cùng đó, UBND cấp huyện, UBND cấp xã cần quản lý chặt chẽ bờ sông, quản lý hành lang thoát lũ; kiên quyết cưỡng chế xây dựng công trình trái phép, không phép làm giảm khả năng thoát lũ. Về lâu dài cần đề xuất chủ trương lập các dự án tái định cư vùng thiên tai đối với các cụm dân cư nằm trong hành lang thoát lũ, trình UBND tỉnh xem xét.

Đổ đất đá xuống lòng sông Gò Chàm, lấn chiếm không gian thoát lũ là vi phạm quy định pháp luật hiện hành.

Đổ đất đá xuống lòng sông Gò Chàm, lấn chiếm không gian thoát lũ là vi phạm quy định pháp luật hiện hành.

Ông Hồ Đắc Chương chia sẻ: Riêng đối với UBND huyện Tuy Phước, đề nghị chỉ đạo đơn vị thi công dừng thi công và gửi hồ sơ thiết kế sau khi điều chỉnh đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có ý kiến thống nhất trước khi chủ đầu tư tổ chức thẩm định, phê duyệt hồ sơ dự án điều chỉnh. Trong thời gian mưa lũ, có phương án bảo vệ nhà dân trong vùng dự án do nước lũ dâng cao gây xói lở. Bên cạnh đó, UBND thị xã An Nhơn chỉ đạo UBND xã Nhơn An tổ chức phát dọn các bụi tre bị ngã, đổ vào lòng sông tạo thông thoáng dòng chảy lũ.

Bờ sông Gò Chàm bên phía xã Nhơn An của thị xã An Nhơn bị sạt lở.

Bờ sông Gò Chàm bên phía xã Nhơn An của thị xã An Nhơn bị sạt lở.

Từ Báo cáo kết quả kiểm tra và đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thi công kè sông Gò Chàm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh vừa ký văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Tuy Phước, UBND thị xã An Nhơn với nội dung thống nhất đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giao UBND huyện Tuy Phước, UBND thị xã An Nhơn tổ chức triển khai thực hiện theo quy định.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch quản lý lũ tổng hợp sông Kôn - Hà Thanh của các địa phương đảm bảo tuân thủ theo quy định; kịp thời tham mưu, báo cáo đề xuất UBND tỉnh.

Mỹ Bình

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/binh-dinh-vi-sao-tam-dung-thi-cong-ke-song-go-cham-367302.html