Bình Định: Nỗ lực đưa huyện An Lão thoát nghèo

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định cùng các đơn vị liên quan đã triển khai nhiều dự án với mục tiêu đưa huyện An Lão thoát nghèo vào năm 2025.

Tỉnh Bình Định có một huyện nghèo (huyện An Lão), 22 xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đến cuối năm 2022, trên địa bàn huyện nghèo An Lão có 9.493 hộ dân nhưng có đến 4.127 hộ nghèo đa chiều (chiếm 43,47%), trong đó hộ nghèo là 2.829 hộ (chiếm 29,8%).

Đầu tư sửa chữa, cải tạo tuyến đường ĐH.03, huyện An Lão. Ảnh: TL

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định tham quan mô hình bưởi da xanh tại xã Ân Hảo Tây, huyện Hoài Ân. Ảnh: TL

Xây dựng đề án, tập trung nguồn lực

Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, cho biết thực hiện Quyết định 880/QĐ-TTg ngày 22-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số nội dung hỗ trợ 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025, trong đó có huyện An Lão; UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai với một số chỉ tiêu cụ thể:

Phấn đấu tỉ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện An Lão giảm trên 9%/năm, trong đó tỉ lệ hộ nghèo đa chiều hằng năm giảm trên 7%.

Quy mô hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều đến năm 2025 giảm ít nhất 60% so với năm 2022. Có năm xã, thị trấn (gồm các xã An Trung, An Quang, An Hưng, An Dũng và thị trấn An Lão) thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

“Tỉnh quyết tâm thực hiện thắng lợi đề án này nhằm đưa huyện An Lão thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.”

Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh

Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện An Lão đạt 40 triệu đồng/người/năm, trong đó thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo phấn đấu tăng 1,8 lần so với năm 2020.

Tỉnh đặc biệt quan tâm đối với huyện An Lão khi xây dựng và tập trung nguồn lực triển khai đề án hỗ trợ huyện nghèo An Lão thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025. UBND huyện An Lão cũng xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện từng dự án của chương trình trong đề án.

“Tỉnh quyết tâm thực hiện thắng lợi đề án này nhằm đưa huyện An Lão thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn” - bà Hạnh nhấn mạnh.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, kết quả giảm tỉ lệ nghèo đa chiều hằng năm trên địa bàn huyện nghèo trong giai đoạn 2021-2023 là 9,19%/năm. Riêng giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm là 5,75%/năm.

Dự kiến đến cuối năm 2023, tỉ lệ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện An Lão là 33,57% với 3.187 hộ, giảm 9,9% so với năm 2022, tương ứng có 940 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo.

Đa dạng các giải pháp giảm nghèo

Triển khai đề án hỗ trợ huyện nghèo An Lão thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025, tỉnh đã thực hiện ba công trình trọng tâm, trọng điểm tạo kết nối, liên kết vùng (cầu Bến Nhơn, cầu Sông Đinh, đường bao quanh thị trấn An Lão) với kinh phí gần 67 tỉ đồng.

Cạnh đó, thời gian qua Bình Định đã thực hiện 29/39 công trình (giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế, hạ tầng kỹ thuật), duy tu các tuyến đường xã An Vinh. Tỉnh hướng đến mục tiêu là 100% các xã trên địa bàn huyện được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu…

An Lão cùng với các huyện Vân Canh, Hoài Ân đã phê duyệt kế hoạch thực hiện 18 dự án phát triển sản xuất (nuôi heo đen, bò cái nền sinh sản, trâu cái, bò giống đực, gà thả đồi, hỗ trợ công cụ cắt cỏ) cho 420 hộ nghèo và 23 hộ cận nghèo.

Đáng chú ý, qua gần ba năm thực hiện dự án chuyển giao kỹ thuật trồng chè dây xây dựng liên kết chuỗi sản xuất và cải thiện sinh kế cho đồng bào Ba Na tại xã An Toàn, dự án đã chọn được chín điểm trên địa bàn ba thôn có trữ lượng chè dây tự nhiên cao. Có 90 nông dân ở ba thôn này được đào tạo nghề trồng, bảo tồn cây chè dây theo tiêu chuẩn GACP-WHO, qua đó nông dân làm chủ được quy trình trồng, chăm sóc chè dây theo hướng hữu cơ.

Theo đánh giá của ban điều hành dự án, việc duy trì và phát triển nhân rộng dự án này nhằm giúp cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số xã An Toàn có thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, giảm áp lực khai thác tài nguyên rừng tại địa phương.

Cạnh đó, một trong những nguyên nhân làm tỉ lệ hộ nghèo tại huyện An Lão còn cao là do người dân còn khó khăn về nhà ở (trên địa bàn còn 1.031 hộ có nhà ở đơn sơ). Do đó, địa phương đang tích cực triển khai đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện An Lão với tổng kinh phí hơn 4,1 tỉ đồng.

Mới đây, ngày 16-10, UBND huyện An Lão đã ban hành Quyết định 3435/QĐ-UBND phê duyệt 211 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện được hỗ trợ nhà ở trong năm 2023. Mức hỗ trợ xây dựng mới nhà ở là 50 triệu đồng/hộ, sửa chữa nhà ở là 25 triệu đồng/hộ.•

Tạo sự chuyển biến trong giảm nghèo

Theo giám đốc Sở LĐ-TB&XH, thời gian tới, sở cùng với các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi, đôn đốc UBND các huyện, thị xã, TP triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn, kịp thời tháo gỡ hoặc đề xuất UBND tỉnh, bộ, ngành Trung ương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của địa phương, trong đó có huyện An Lão.

Sở và các đơn vị cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững. Kết quả cuối cùng là khơi dậy ý chí tự lực tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.

HẢI DƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/binh-dinh-no-luc-dua-huyen-an-lao-thoat-ngheo-post759112.html