Bình Định: Nhiều kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo

Đến nay, cơ bản Bình Định đã thực đạt các mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021-2023 đã đề ra.

Bình Định xác định Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt nên cả hệ thống chính trị tỉnh Bình Định nỗ lực tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững, dự án của chương trình nhằm chăm lo cho đời sống của nhân dân.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, đến cuối năm 2022, tỉ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh còn 9,04% (39.827 hộ), trong đó có 19.805 hộ nghèo, tỉ lệ 4,5%. Phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống tại các vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Bình Định có một huyện nghèo (An Lão), 22 xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Phấn đấu đến năm 2025 giảm 1/2 số hộ nghèo, cận nghèo

Theo bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, giai đoạn 2021-2025, Bình Định phấn đấu tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm bình quân chung của tỉnh 1,5%-2%/năm, trong đó tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3%-4%/năm; tỉ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo An Lão giảm bình quân trên 5%/năm.

Đến năm 2025, tỉnh giảm 1/2 số hộ nghèo, hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia; 100% huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu…

Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, đón Trung thu năm 2023 với các trẻ em con hộ nghèo, cận nghèo tại xã Cát Thành, huyện Phù Cát. Ảnh: TL

Với mục tiêu này, khi bắt tay vào thực hiện, UBND tỉnh đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2025 được thành lập thống nhất từ ba chương trình mục tiêu quốc gia do đồng chí phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh làm trưởng Ban chỉ đạo.

“Qua tuyên truyền, người dân tại huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn đều nắm bắt được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững, bản thân người dân luôn có ý thức nỗ lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại.” Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định

Sở LĐ-TB&XH là cơ quan thường trực giúp việc Ban chỉ đạo đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành của tỉnh hướng dẫn cho UBND cấp huyện chủ động, đề xuất triển khai cụ thể từng dự án, chính sách của chương trình đến được với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo.

“Địa phương có sự lồng ghép các nguồn vốn của từng chương trình đối với những nội dung thực hiện trên địa bàn, góp phần nâng cao hiệu quả việc sử dụng nguồn kinh phí của các chương trình mục tiêu quốc gia, không dàn trải, manh mún, cũng như chồng lấn, trùng các nội dung của chương trình” - bà Đỗ Thị Diệu Hạnh cho biết thêm.

Tỉ lệ giảm nghèo đa chiều 1,7/năm

Trên cơ sở từng dự án, chính sách thực hiện của các chương trình mục tiêu quốc gia, HĐND tỉnh, UBND tỉnh Bình Định đã cho chủ trương và ban hành một số quy định của địa phương hỗ trợ về nhà ở, BHYT cho hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh thụ hưởng để nâng cao chất lượng sống của nhóm đối tượng yếu thế. Đồng thời, hằng năm HĐND, UBND tỉnh thực hiện giám sát, đánh giá quá trình thực hiện để kịp thời hỗ trợ thực hiện chương trình đảm bảo, đúng quy định và mang lại hiệu quả của chương trình.

Cán bộ kiểm tra các phiếu rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 tại xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ. Ảnh: TL

Kết quả đến nay cơ bản Bình Định đã thực đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, tỉ lệ giảm nghèo đa chiều (theo quy định mới) chung toàn tỉnh giảm 1,7%/năm, riêng huyện nghèo An Lão giảm 9,19%/năm.

Bình Định đã tạo việc làm cho 28.500 người lao động (trong đó xuất khẩu lao động 700 người). Tỉ lệ tham gia BHXH so với lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH vào cuối năm 2023 đạt 18,21%.

Các chính sách, dự án giảm nghèo đã thực hiện kịp thời đầy đủ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo về tín dụng ưu đãi, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin, việc làm, xuất khẩu lao động, tiền điện... cơ sở hạ tầng tại huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện nghèo tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng.

Kết quả thực hiện một số mục tiêu, chỉ tiêu giai đoạn 2021-2023

Bình Định đã giải quyết việc làm cho 82.158 người lao động, đạt 106,2% so với kế hoạch năm (trong đó, xuất khẩu lao động 1.926 người). Tổng số đối tượng tham gia BHXH trong ba năm tăng thêm 22.214 người, nâng tổng số người tham gia BHXH (dự kiến) cuối năm 2023 là 153.302 người (BHXH bắt buộc là 135.267 người).

Tuyển sinh đào tạo nghề 52.623 người (cao đẳng 3.501 người, trung cấp 4.323 người), nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề cuối năm 2023 đạt 62%, vượt 0,06% chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh.

HẢI DƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/binh-dinh-nhieu-ket-qua-tich-cuc-trong-cong-tac-giam-ngheo-post758893.html