Bình Định: Nghịch lý tại chợ Mỹ Hòa

Được đầu tư xây dựng khang trang nhưng chợ Mỹ Hòa, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ chưa được khai thác, sử dụng hợp lý. Trong khi 2 khu nhà lồng bỏ trống thì tiểu thương lại chen chúc ra khu ngoài trời, thậm chí lấn ra đường để buôn bán, gây cảnh lộn xộn.

1 khu nhà lồng tại chợ Mỹ Hòa trong tình trạng bỏ trống hoàn toàn

Năm 2002, UBND xã Mỹ Hòa đầu tư hơn 500 triệu đồng xây dựng chợ Mỹ Hòa để phục vụ nhu cầu buôn bán của người dân địa phương. Chợ tọa lạc tại thôn Hội Phú, trên khu đất rộng khoảng 1 ha gồm khu chợ ngoài trời và 2 khu nhà lồng.

Sau đó, xã Mỹ Hòa tiếp tục đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng thêm khu nhà quản lý chợ, nhà để xe, nhà vệ sinh và hệ thống cổng ngõ, tường rào xung quanh. Dù đầu tư xây dựng khang trang, bài bản, nhưng hiện chợ Mỹ Hòa chưa được khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Bởi từ khi đi vào hoạt động đến nay, trong 2 khu nhà lồng - mỗi khu rộng chừng 300m2 thì 1 khu bỏ trống hoàn toàn; khu còn lại cũng chỉ vài tiểu thương bày hàng buôn bán. Các tiểu thương còn lại nhất quyết không vào khu nhà lồng mà chọn buôn bán ở khu ngoài trời và gần đường giao thông với lý do ngồi bên ngoài tiện mua bán hơn. Một tiểu thương cho biết: “Ngồi bên ngoài cho dễ buôn bán, chứ vào bên trong chẳng ai mua. Ai cũng không chịu vào nên khu nhà lồng bỏ trống đã mười mấy năm rồi”.

Thực trạng này khiến khu chợ ngoài trời quá tải. Tất cả các mặt hàng cả khô lẫn ướt tập trung một nơi, vừa gây cảnh chen lấn, lộn xộn, vừa không đảm bảo vệ sinh. Hiện một số hạng mục ở 2 khu nhà lồng như hệ thống cột, trụ và nền xi măng bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, có nguy cơ biến thành nơi thải rác gây cảnh nhếch nhác, mất mỹ quan.

Ông Trương Quang Hùng, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa, thừa nhận: “Bỏ trống khu nhà lồng quả là lãng phí nhưng do đặc thù của chợ ở vùng nông thôn nên tiểu thương thích ngồi bên ngoài để tiện buôn bán. Trước kia xã đã tính đến phương án bố trí tiểu thương vào khu nhà lồng buôn bán để thu tiền mặt bằng, nhưng họ cương quyết không vào nên không thực hiện được. Hiện nay các tiểu thương ngồi buôn bán ở khu ngoài trời chỉ đóng phí vệ sinh, mỗi năm chỉ thu được chỉ khoảng 7 triệu đồng. Hiện địa phương đang xây dựng phương án sử dụng chợ sao cho hiệu quả, hợp lý để tránh lãng phí tiền đầu tư”.

Rõ ràng, việc xây dựng 2 khu nhà lồng kiên cố, nhưng chưa khai thác, sử dụng là một sự lãng phí rất lớn. Do vậy, UBND xã Mỹ Hòa cần có biện pháp sắp xếp, khai thác hợp lý, hiệu quả 2 khu nhà lồng, tránh tình trạng đầu tư khoản kinh phí lớn để xây dựng rồi lại không sử dụng. Mặt khác, cần động viên và có chế tài yêu cầu tiểu thương kinh doanh đúng vị trí, địa điểm để không làm ảnh hưởng đến trật tự chung.

C.Luận

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/binh-dinh-nghich-ly-tai-cho-my-hoa-303709.html