Bình Định: Bất an những chuyến đò ra xã đảo

Tình trạng đò dân sinh chở người dân, du khách ra xã đảo Nhơn Châu, Cồn Chim không trang bị đủ các thiết bị an toàn diễn ra phổ biến khiến hành khách bất an, nguy cơ tai nạn rất cao.

"Nói không" với áo phao

Những ngày giữa tháng 5, có mặt tại bến đò Hàm Tử, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, PV ghi nhận mỗi ngày có hàng chục lượt phương tiện chở người dân, du khách về làng chài Hải Minh hoặc ra xã đảo Nhơn Châu, TP Quy Nhơn và ngược lại.

Người dân đi từ bến đò Vinh Quang 2 ra Cồn Chim không hề mặc áo phao.

Trực tiếp có mặt trên một chuyến đò xuất phát từ bến Hàm Tử ra Nhơn Châu, PV ghi nhận, lúc này trên đò đã có hàng chục hành khách. Vừa khởi hành được một đoạn, chiếc đò chòng chành trên mặt nước khi gặp sóng lớn. Đáng nói, nhiều người ngồi trên đò, trong đó có cả trẻ em nhưng không hề mặc áo phao.

Người điều khiển đò là một người đàn ông đã lớn tuổi cũng không có áo phao, cho biết: "Đa số người đi đò là dân địa phương đã quen sông nước nên không ai muốn mặc áo phao vì họ đều biết bơi và cho rằng, mặc áo phao thấy bất tiện, mất thời gian".

Tại bến Hàm Tử, đa số phương tiện chở khách là những chiếc đò dân sinh bằng gỗ. Trên nhiều phương tiện không trang bị áo phao hay đồ bảo hộ nào.

Tai nạn rình rập

Tương tự, tuyến đò thôn Vinh Quang 2 thuộc xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước) là tuyến thủy nội địa duy nhất để người dân ra vào Cồn Chim. Mỗi ngày, có hàng chục lượt đò chở hàng trăm người dân, du khách ra vào trung tâm xã.

Các chuyến đò dân sinh tại bến Hàm Tử, TP Quy Nhơn không trang bị áo phao và đồ bảo hộ.

Tuy nhiên, bến đò Vinh Quang 2 không có cầu tàu, các phương tiện được người điều khiển tấp vào sát bờ đê, sau đó khách bước xuống đò. Do giữa bờ đê với mũi tàu có khoảng cách khá xa, kèm với sóng lớn nên tàu thường xuyên chao đảo, những người không quen rất dễ ngã.

Khoảng cách từ xóm Cồn Chim đến thôn Vinh Quang 2 khoảng 600m, thời gian đi đò mất chừng 5 - 10 phút nếu thời tiết tốt. Còn khi thời tiết xấu, thời gian di chuyển dài hơn. Hành trình di chuyển cắt ngang qua đầm Thị Nại mênh mông nước nên nguy cơ tai nạn luôn rình rập. Nhiều lúc đò lắc lư khiến nhiều người không khỏi thót tim.

Ông Lê Văn Lý (một du khách đến từ TP Đà Nẵng) cùng gia đình có chuyến du lịch tại Khu du lịch sinh thái Cồn Chim cho biết: "Phong cảnh nơi đây rất đẹp. Tuy nhiên, những chuyến đò không được trang bị đầy đủ thiết bị an toàn rất nguy hiểm cho hành khách. Tai nạn chưa xảy ra là điều quá may mắn".

Sẽ tăng cường xử lý

Lãnh đạo UBND xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước thừa nhận thực trạng mất ATGT trên các chuyến đò chở khách đi Cồn Chim đã diễn ra từ nhiều năm nay. Gần đây, lượng khách đổ về nhiều, kéo theo dịch vụ du lịch tự phát do một số người dân địa phương lén lút hoạt động. Trong khi đó bến bãi, phương tiện vận chuyển không có giấy phép, người đi đò không chịu mặc áo phao, lái đò cũng phớt lờ.

"Vừa qua, xã đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền kết hợp với kiểm tra, yêu cầu chủ phương tiện và người điều khiển ký cam kết không vi phạm. Tuy vậy, người dân vẫn hoạt động theo kiểu tự phát, rất khó quản lý", vị này cho hay.

Theo ông Võ Thừa Thắng, Chánh thanh tra Sở GTVT tỉnh Bình Định, vừa qua đơn vị đã tiến hành kiểm tra tình hình hoạt động vận chuyển hành khách bằng đường thủy nội địa tại các khu vực nói trên, nhất là tuyến Quy Nhơn – Nhơn Châu. Trong đó, yêu cầu chủ phương tiện phải trang bị đầy đủ áo phao cho hành khách, dụng cụ cứu sinh, chữa cháy, thoát hiểm, có danh sách hành khách, chạy đúng tuyến trong giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Theo Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định, từ đầu năm đến nay, đơn vị này xử lý 18 trường hợp phương tiện vi phạm, chủ yếu về lỗi chở khách không trang bị áo phao, không trang bị dụng cụ cứu sinh với số tiền 13,5 triệu đồng. Về việc đăng ký, đăng kiểm, thời gian qua đơn vị luôn nhắc nhở, tuyên truyền nên các phương tiện cũng đã chấp hành theo quy định.

Để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách, thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường công tác tuần tra kiểm soát để tiếp tục xử lý nghiêm các vi phạm.

Thanh tra Sở GTVT tỉnh Bình Định cho biết, ngoài việc kiểm tra, nhắc nhở, đơn vị cũng đã đề nghị UBND các xã có đò dân sinh hoạt động thường xuyên tuyên truyền tới các chủ phương tiện, người điều khiển phải tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo điều kiện hoạt động, có đăng kiểm, đăng ký còn hiệu lực, người điều khiển phương tiện có chứng chỉ chuyên môn phù hợp.

Quang Đạt

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/binh-dinh-bat-an-nhung-chuyen-do-ra-xa-dao-192240521001133182.htm