'Binh chủng' dân công hỏa tuyến

Ts. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Tại Kỳ họp thứ Ba, ngày 4.12.1953, Quốc hội Khóa I đã có điện văn gửi anh chị em dân công, trong đó nêu rõ, 'qua 7 năm kháng chiến, anh chị em dân công đã vượt bao đường sá nguy hiểm, chịu đựng bao gian khổ, một lòng hy sinh tận tụy để phục vụ kháng chiến, làm cho bộ đội ta thu được những thắng lợi lớn. Quốc hội ngợi khen lòng yêu nước của anh chị em dân công'(1).

Trước đó, ngày 10.9.1953, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 308-TTg hoàn thiện chính sách huy động và sử dụng dân công (phục vụ kháng chiến)...

Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh họp bàn kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Một ngày sau Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", ngày 8.5.1954, Ban Thường trực Quốc hội đã gửi thư cho Ban chỉ huy, các cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân và anh chị em dân công tại mặt trận Điên Biên Phủ. Bức thư có đoạn: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là một thắng lợi lịch sử của chúng ta, một thất bại đau đớn của bọn hiếu chiến Pháp và can thiệp Mỹ. Chiến thắng đó có một ảnh hưởng vang dội và tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều thắng lợi lớn hơn nữa về nhiều mặt sau này. Chiến thắng đó đã chứng tỏ tinh thần dũng cảm phi thường của bộ đội và sự cố gắng lớn lao của anh chị em dân công phục vụ mặt trận Điện Biên Phủ”(2).

Một lực lượng hùng hậu tham gia Chiến dịch

Các văn kiện trên đây cho thấy, Đảng và Nhà nước nói chung, Quốc hội nói riêng, có tầm nhìn chiến lược thấu suốt, đánh giá chuẩn xác, động viên kịp thời và sử dụng các lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu vô cùng hiệu quả, đồng thời cũng ghi công rõ ràng đối với từng lực lượng, từng khối quân, dân tham gia chiến trường, trong đó có lực lượng dân công. Để phục vụ cho trận chiến quyết liệt Điện Biên Phủ, sức người, sức của đã được huy động tối đa cho mặt trận.

Theo kế hoạch tác chiến “đánh nhanh giải quyết nhanh” ngày 6.12.1953(3), tổng số nhân lực tham gia chiến dịch cần khoảng 42.750 người, khối lượng vật chất phải bảo đảm gồm 7.730 tấn gạo, 140 tấn muối, 165 tấn thực phẩm khô, 434 tấn đạn. Riêng dân công vận chuyển, phục vụ từ trung tuyến (đoạn từ Sơn La trở lên) cần khoảng 14.500 người.

Tuy nhiên, đến ngày 26.1.1954 khi thay đổi phương án tác chiến, từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang phương án “đánh chắc, tiến chắc” thì yêu cầu nhân lực tăng lên rất lớn, trong đó có việc huy động nguồn lực dân công tiếp cận mặt trận gấp nhiều lần so với con số đã dự trù.

Kết quả, theo Báo cáo số 893-BC, ngày 10.7.1954 và Báo cáo số 898-VF/HD, ngày 11.7.1954 của Hội đồng Cung cấp Mặt trận Trung ương về công tác phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ và về tình hình dân công, thì việc huy động, sử dụng lực lượng dân công cho Chiến dịch Điện Biên Phủ lên tới 256.399 người, trong đó Khu Tây Bắc 31.818 người, Liên khu Việt Bắc 30.893 người, Liên khu III 19.550 người, Liên khu IV 174.138 người (chủ yếu là dân công tỉnh Thanh Hóa). Báo cáo khẳng định, “Lực lượng dân công đã lập nên nhiều thành tích đảm bảo công tác hậu cần cho chiến dịch, tạo tiền đề cho thắng lợi vĩ đại của quân đội ta”.

Số xe đạp thồ được huy động lên tới hơn 20.000 chiếc, đã vận chuyển 1/3 trọng tải toàn chiến dịch. Xe đạp thồ có 3 ưu điểm chính, một là, không cần nhiên liệu, là phương tiện vận tải nhỏ, gọn, khi hỏng hóc dễ sửa chữa; hai là, có thể ngụy trang trong bất kỳ tình huống nào, dễ dàng ẩn nấp khi có máy bay địch; ba là, di chuyển linh hoạt trên mọi con đường nhỏ, hẹp trong mọi điều kiện thời tiết. Ban đầu mỗi xe chở được khoảng 100kg, sau nâng dần lên 200kg, rồi có xe chở tới 320kg, năng suất gấp 10 lần gánh bộ.

Ngoài xe đạp thồ, chúng ta còn sử dụng 824 con ngựa tải hàng, 911 chiếc xe trâu, 551 chiếc xích lô... Hàng nghìn nữ dân công các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Thanh Hóa đã đóng trên 11.600 bè nứa và dùng thuyền độc mộc vận chuyển gạo về thị xã Lai Châu; từ đây hàng nghìn xe đạp thồ, ngựa thồ vận chuyển tới Điện Biên Phủ.

Tại các vùng tạm chiếm thuộc các tỉnh Bắc Bộ, đồng bào ta đã cung cấp, vận chuyển ra vùng tự do hơn 20 vạn tấn thóc để xay thành gạo và đóng góp 7,5 triệu ngày công của dân công.

Tính chung toàn chiến dịch, các địa phương đã đóng góp 18.301.570 ngày công dân công; 25.956 tấn gạo; 1.824 tấn thịt và thực phẩm khô, hàng nghìn tấn rau; 20.911 xe đạp thồ, 11.800 thuyền mảng. Riêng số vật phẩm đưa tới mặt trận cung cấp cho bộ đội là hơn 20.000 tấn, trong đó có 14.950 tấn gạo, 266 tấn muối, 62,7 tấn đường, 577 tấn thịt và 656 tấn thức ăn khô.

Song song với các nhiệm vụ trên, lực lượng dân công còn đóng góp rất lớn vào việc bảo đảm giao thông trên tuyến đường dài 450km với 10.270 người tham gia (tương đương 1.310.000 ngày công) làm đường, phá bom, chống địch phá hoại, bảo đảm giao thông trong toàn chiến dịch. Để bảo đảm thông tin liên lạc, lực lượng dân công đã góp phần vào việc rải đặt 258 km dây điện thoại, bảo đảm đường dây liên lạc ổn định và nhanh chóng (trung bình mỗi ngày chuyển 150 bức điện, 130 - 150 cuộc đàm thoại).

Cùng với các lực lượng khác, dân công hỏa tuyến đã bảo đảm vận chuyển đầy đủ một lượng vật chất rất lớn theo yêu cầu của Chiến dịch; bảo đảm yêu cầu bộ đội ăn uống no đủ để chiến đấu thắng lợi.

Bài học về sử dụng nhân lực

Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ để lại cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc, có ý nghĩa thời đại. Nhưng bài học về sự lãnh đạo anh minh, sáng suốt, tài thao lược của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, và ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta là bài học bao quát có ý nghĩa sâu sắc nhất.

Nói riêng về lực lượng dân công hỏa tuyến, thì từ chủ trương của Đảng được cụ thể hóa trong công tác triển khai thành hình thức huy động, tổ chức sử dụng và phương pháp quản lý trên một không gian rộng lớn để đạt được mục tiêu phục vụ Chiến dịch là cả một quá trình lao động sáng tạo miệt mài với ý thức kỷ luật cao không mệt mỏi ở tất cả các cấp. Đó là sự đoàn kết chặt chẽ "muôn người như một" dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhằm mục tiêu chiến thắng.

Những sự kiện và những con số đã nói lên sức mạnh hùng hậu của lực lượng dân công hỏa tuyến nói riêng, con người Việt Nam nói chung. Vận chuyển một khối lượng vật chất khổng lồ (chủ yếu là lương thực, thực phẩm, thuốc men, rất dễ bị hư hỏng) trên những cung đường dài, (trong điều kiện đi đêm là chính) bằng sức người với phương tiện thô sơ là công việc cực kỳ khó khăn, gian khổ. Yêu cầu vừa phải bảo đảm giữ gìn chất lượng sản phẩm, vừa phải đủ số lượng, vừa phải kịp thời gian tới mặt trận. Khối lượng vật chất không chỉ cung cấp cho các lực lượng trực tiếp chiến đấu, mà còn phải bảo đảm ngay cho toàn bộ lực lượng vận chuyển...

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Người trực tiếp chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã đánh giá: “Chưa bao giờ trong suốt mấy năm kháng chiến, dân ta đã góp sức nhiều như trong Đông Xuân 1953 - 1954, chi viện cho quân đội giết giặc... Bọn đế quốc, bọn phản động không bao giờ đánh giá được sức mạnh của cả một dân tộc, sức mạnh của nhân dân”(4).

Tương tự như vậy, trong Báo cáo số 898-VF/HĐ, Hội đồng Cung cấp Mặt trận Trung ương cũng đã nhận xét rất xác đáng, rằng, “Chẳng những địch phải khiếp sợ, mà chúng ta cũng phải ngạc nhiên. Nó nói lên sức vĩ đại của nhân dân ta, nó làm cho chúng ta càng thêm tin tưởng cách mạng có sức mạnh vô địch”.

________

(1) Văn kiện Quốc hội Toàn tập, Tập 1, trang 420;

(2) Như (1), trang 482;

(3) Các số liệu, tên các Báo cáo trong bài: Từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ trích từ Trung tâm lưu trữ quốc gia.

(4) Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), tập VI, Nxb QĐND, HN 2016, trang 111.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/binh-chung-dan-cong-hoa-tuyen-i365622/