Biểu tượng sao cho xứng tầm

Mới đây, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất 4 phương án xây dựng biểu tượng thành phố nhằm tạo điểm nhấn, vừa là điểm kết nối, vừa là điểm check-in.

Công trình dự kiến sẽ được đặt tại vị trí đắc địa nhất thành phố biển, đó là ngã 3 giữa đường ven biển Trần Quốc Nghiễn và đường Trần Hưng Đạo. Đây là công trình mang thông điệp gửi đến người dân Hạ Long cũng như du khách trong và ngoài nước về sự bình yên, hiện đại, năng động và phát triển tương xứng với kỳ quan thiên nhiên thế giới đã được UNESCO công nhận.

Ý tưởng xây dựng một biểu tượng mới cho thành phố di sản là cần thiết, khẳng định sự vươn lên và sức sáng tạo, năng động của Hạ Long. Tuy vậy, việc Hạ Long hướng tới mục đích tạo ra biểu tượng của thành phố ít nhiều không tránh khỏi những băn khoăn của dư luận. Lý do là khi phải gánh vác thêm trách nhiệm “biểu tượng”, công trình luôn đòi hỏi yêu cầu rất cao về tính thẩm mỹ, nghệ thuật, phải là điểm nhấn văn hóa của địa phương và phù hợp với cảnh quan môi trường xung quanh, đồng thời phải gắn với văn hóa, lịch sử, quá khứ, tương lai và cả cảm xúc của con người.

Phương án thứ tư với hình ảnh 5 con rồng. Ảnh: UBND TP Hạ Long

Thực tế cho thấy, những công trình mang tính biểu tượng là niềm tự hào của cả một dân tộc, là hình ảnh gắn liền với mỗi quốc gia và là điểm không thể bỏ qua khi du khách đến vùng đất đó. Điều này cũng giống như khi đến Pháp thì phải nhìn thấy tháp Eiffel, đến Ấn Độ không thể bỏ lỡ Taj Mahal hay thăm tháp đồng hồ Big Ben khi đến Anh... Giống như ở Việt Nam, nếu nói đến Hà Nội người ta không thể không nghĩ về Khuê Văn Các (Văn Miếu-Quốc Tử Giám). Chùa Cầu ở Hội An (Quảng Nam), chợ Bến Thành ở TP Hồ Chí Minh... cũng vậy. Nếu kể công trình mới xây dựng trong thời gian gần đây, có thể nhắc đến cầu Vàng, một thành công của thành phố Đà Nẵng.

Tuy nhiên, không phải công trình kiến trúc nào cũng đạt đến tầm biểu tượng. Cách đây hơn chục năm, một số ý kiến đề xuất đúc rùa vàng hồ Hoàn Kiếm làm biểu tượng cho Hà Nội đã bị dư luận phản đối gay gắt. Ý tưởng này nhanh chóng chết yểu. Bởi các ý kiến đưa ra là biểu tượng của một thành phố phải chứa đựng trong đó chiều sâu và giá trị đích thực của văn hóa. Nếu cố xây thêm những công trình mang tính biểu tượng khác thì sẽ làm hỏng những biểu tượng đã có từ lâu.

Việc xây các công trình biểu tượng để đánh dấu sự phát triển mới của vùng đất, thu hút khách du lịch là mong muốn hoàn toàn chính đáng. Nhưng xây dựng một biểu tượng văn hóa, mẫu số chung vẫn phải là cái mới hài hòa trên cơ sở cái cũ, cả tính nghệ thuật lẫn ứng dụng. Có như vậy, công trình đó mới tạo ra những giá trị mới cho địa danh và xứng đáng với danh xưng “biểu tượng”.

Vịnh Hạ Long là địa danh duy nhất của Việt Nam 2 lần được UNESCO vinh danh về giá trị ngoại hạng toàn cầu về mặt thẩm mỹ và địa chất, địa mạo, cũng như được Tổ chức New7Wonders tuyên bố là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới. Vì vậy, thành phố Hạ Long cần lắng nghe dư luận, bổ sung, hoàn thiện phương án xây dựng biểu tượng của thành phố xứng tầm với một điểm đến hàng đầu của du khách trong nước và là sự lựa chọn không thể bỏ qua của du khách quốc tế khi đến tham quan, du lịch tại Việt Nam.

HIỀN VINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/bieu-tuong-sao-cho-xung-tam-768750