Biểu tượng cao đẹp của tình hữu nghị

Nghe tin có người muốn tìm hiểu, viết bài tuyên truyền về công trình Đài tưởng niệm liệt sĩ bản Keun, huyện Thoulakhom, tỉnh Vientiane (Lào), ông Trần Văn Thiệu, 91 tuổi, ở số nhà 201B2, Nguyễn Quý Đức, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội chộn rộn niềm vui. Hàng chục năm nay, ông dồn biết bao tâm huyết cho công trình đầy ý nghĩa này, nên gặp ai ông cũng muốn giãi bày, chia sẻ...

Sau cái bắt tay thân mật, người lính già gần 70 năm tuổi Đảng lập cập mở cánh tủ, tìm kiếm một hồi lâu, rồi vui vẻ khoe với chúng tôi hàng chục kỷ vật từng gắn bó với ông trong suốt thời gian sống, chiến đấu bên nước bạn Lào. Đó là những bức ảnh ghi lại tình cảm của nhân dân các bộ tộc Lào dành cho Quân tình nguyện (QTN) và chuyên gia Việt Nam (CGVN); là những hình ảnh ông chụp chung với đồng đội khi thăm lại chiến trường xưa; những tấm huân chương, huy chương cao quý ông được Đảng, Nhà nước Việt Nam và Lào trao tặng.

 Cựu chiến binh Trần Văn Thiệu và lãnh đạo huyện Thoulakhom trong buổi lễ khánh thành Đài tưởng niệm liệt sĩ bản Keun (Thoulakhom, Vientiane, Lào). Ảnh do nhân vật cung cấp

Cựu chiến binh Trần Văn Thiệu và lãnh đạo huyện Thoulakhom trong buổi lễ khánh thành Đài tưởng niệm liệt sĩ bản Keun (Thoulakhom, Vientiane, Lào). Ảnh do nhân vật cung cấp

Ngắm thật kỹ tấm ảnh vợ chồng ông chụp chung bên Đài tưởng niệm liệt sĩ bản Keun (Thoulakhom, Vientiane, Lào), ông Thiệu lặng đi vì xúc động. Ông kể rằng, đây là nơi ghi dấu sự hy sinh anh dũng của 28 cán bộ, chiến sĩ Liên quân Việt-Lào trong trận đánh bảo vệ Thủ đô Vientiane tháng 1-1946. Đài tưởng niệm nằm trong khuôn viên rộng 3.000m2, có chiều cao 11m, rộng 9m, trên bia đá khắc tên 15 liệt sĩ đã xác định được danh tính, bằng hai thứ tiếng Lào-Việt Nam (gồm hai liệt sĩ Lào, 12 liệt sĩ Việt Nam và một chiến sĩ tình nguyện người Nhật Bản).

Trầm ngâm trong giây lát, những kỷ niệm về một thời cùng quân và dân Lào chiến đấu chống kẻ thù chung như thước phim quay chậm ùa về trong tâm trí cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Thiệu. Ông vốn là Việt kiều, sinh sống ở nước bạn Lào từ nhỏ. Cuối năm 1945, chưa tròn 17 tuổi, ông cùng người em trai là Trần Văn Phú gia nhập bộ đội Pathet Lào, trong đội hình của Đoàn 83, cùng đồng đội kiên cường chiến đấu với quân viễn chinh Pháp, bảo vệ thủ đô Vientiane. Thời điểm này, khu vực bản Keun có đồn Phonhe, một trong những cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương. Ngày 22-1-1946, liên quân Lào-Việt tấn công và tiêu diệt tập đoàn cứ điểm bản Keun. Đây là một chiến thắng có ý nghĩa lịch sử to lớn của liên quân Việt-Lào trong những năm kháng chiến chống Pháp. Trong trận chiến đó, 28 chiến sĩ của chúng ta mãi mãi nằm lại trên mảnh đất này, trong đó có em trai ông Thiệu là liệt sĩ Trần Văn Phú.

 Vợ chồng ông Trần Văn Thiệu bên Đài tưởng niệm liệt sĩ bản Keun (Thoulakhom, Vientiane, Lào). Ảnh do nhân vật cung cấp

Vợ chồng ông Trần Văn Thiệu bên Đài tưởng niệm liệt sĩ bản Keun (Thoulakhom, Vientiane, Lào). Ảnh do nhân vật cung cấp

Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, trong những lần về thăm lại chiến trường xưa, ông Thiệu không khỏi trăn trở khi biết tại mảnh đất từng là chiến trường ác liệt này, nhiều hài cốt của đồng đội vẫn nằm rải rác đâu đó ngoài cánh đồng, trong rừng sâu, khe núi, chưa được cất bốc, quy tập vào nghĩa trang, hoặc hồi hương về Việt Nam. Ông quyết định bàn bạc cùng các đồng đội phối hợp với Hội Liên hiệp CCB Lào và Hội Người Việt Nam tại Lào đề nghị chính quyền sở tại cho phép xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ tại bản Keun để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong trận đánh bảo vệ Vientiane hơn 70 năm trước. Cùng với đó, ông phát động quyên góp ủng hộ trong Hội Người Việt tại Lào, Hội Liên hiệp CCB Lào, các chủ doanh nghiệp, mạnh thường quân trong nước để có kinh phí xây dựng một đài tưởng niệm. Sau rất nhiều lần đi lại từ Việt Nam sang Lào, từ Lào sang Việt Nam, công trình Đài tưởng niệm liệt sĩ bản Keun hoàn tất, khánh thành ngày 30-4-2011.

CCB Trần Văn Thiệu chia sẻ, buổi lễ khánh thành công trình hết sức xúc động khi có đại diện Chính phủ Lào, lãnh đạo tỉnh Vientiane, thân nhân gia đình liệt sĩ cùng đông đảo các cựu chiến sĩ QTN và CGVN tại Lào. Phát biểu tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh Vientiane khẳng định: Trong suốt 30 năm kháng chiến giải phóng nhân dân các bộ tộc Lào, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ QTN và CGVN làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào luôn kề vai, sát cánh cùng quân và dân Lào, vừa chiến đấu chống địch càn quét, vừa tiến hành xây dựng và củng cố các đoàn thể, chính quyền kháng chiến, xây dựng và bảo vệ vùng giải phóng, tăng cường LLVT, phát triển chiến tranh du kích trên các khu vực Thượng, Trung và Hạ Lào. Sự lớn mạnh của lực lượng kháng chiến Lào là nhân tố cơ bản tạo điều kiện đưa cách mạng Lào phát triển nhanh chóng, phối hợp hiệu quả với cách mạng Việt Nam giành nhiều thắng lợi to lớn.

Theo Đại tá Khampheng, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Vientiane, Đài tưởng niệm liệt sĩ bản Keun thể hiện tấm lòng tri ân của nhân dân các bộ tộc Lào nói chung, tỉnh Vientiane nói riêng đối với sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ Liên quân Lào-Việt. Đây cũng là biểu tượng nhắc nhở các thế hệ tiếp nối truyền thống cha ông, xây dựng và giữ vững tình hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam keo sơn gắn bó.

Theo Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, nguyên Trưởng đoàn chuyên gia kiêm Chính ủy QTN và CGVN tại Lào, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975) thể hiện ý chí và quyết tâm của quân dân Việt-Lào trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, là kết tinh sức mạnh đoàn kết của quan hệ đặc biệt, liên minh chiến đấu của quân đội và nhân dân hai nước. Trong đó, công trình Đài tưởng niệm liệt sĩ bản Keun là một trong những minh chứng đậm nét cho tình đoàn kết gắn bó keo sơn của quân và dân hai nước Việt Nam-Lào, tạo nền móng vững chắc cho việc tăng cường đoàn kết hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

NGUYỄN HỒNG SÁNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/bieu-tuong-cao-dep-cua-tinh-huu-nghi-599371