Biểu dương những tấm gương điển hình học tập và làm theo Bác: Tạo sức mạnh tổng hợp, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh hơn

Sáng 24-1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (gọi tắt là CVĐ) đã tổ chức cuộc giao lưu, tọa đàm các điển hình tiên tiến toàn quốc. Có 68 tập thể và 144 cá nhân, là những tấm gương tiêu biểu, đại diện cho hàng triệu tập thể, cá nhân cả nước đã có nhiều thành tích trong học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong 3 năm qua. Tham dự còn có một số đại biểu Việt kiều từ nước ngoài.

Tham dự cuộc giao lưu, tọa đàm có Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ. Phát biểu khai mạc cuộc giao lưu, tọa đàm, đồng chí Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ, cho rằng, việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác đã trở thành hành động tự giác tích cực của nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng trên mọi miền đất nước. Tinh thần trách nhiệm, lòng nhân ái, đoàn kết, ý thức cần, kiệm và chống tham ô lãng phí được nâng lên rõ rệt. Đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Đây là dịp chúng ta rút ra bài học bổ ích từ công tác chỉ đạo của ban chỉ đạo các cấp CVĐ, sự tham gia của cả hệ thống chính trị; sự hưởng ứng và tích cực thực hiện của toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân. Qua đó, nhân rộng các gương điển hình tập thể và cá nhân, làm cho các tấm gương này có sức lan tỏa rộng, để CVĐ ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu, tạo nên sức mạnh tổng hợp, tận dụng thời cơ, vượt lên thách thức, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đưa đất nước tiếp tục tiến bước vững chắc trên con đường đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa...”. Sáng 24-1, Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ và các đại biểu đã nghe hơn 15 tập thể, cá nhân báo cáo thành tích, cũng như trao đổi kinh nghiệm về những việc làm thiết thực trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chiều 24-1, đã diễn ra 10 cuộc giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các điển hình tiên tiến với 10 cơ quan, đơn vị: Thành ủy Hà Nội, Văn phòng Trung ương Đảng, Báo Nhân Dân, Bộ NN-PTNT, Đảng ủy Công an Trung ương, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương CVĐ, chủ trì buổi giao lưu giữa đoàn đại biểu Hà Nội, Bắc Giang, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Bạc Liêu, Gia Lai về kinh nghiệm thực hiện CVĐ. Mọi người làm quen với bác Trương Thị Nhân (phường Phạm Đình Hồ, Hà Nội), người đã biết dựa vào dân, huy động sức dân trong việc thành lập quỹ khuyến học, quỹ vì người nghèo tại địa phương. Đó là bác Bùi Ngọc Đủ, không ngừng phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Làm Chủ tịch CLB khuyến học tại Măng Yang, Gia Lai, bác Đủ đã nỗ lực thành lập hội khuyến học tại nhiều xã, thị trấn và huy động được quỹ khuyến học làm phần thưởng cho các em học sinh hiếu học với số vốn hơn 60 triệu đồng... Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng bày tỏ mong muốn, các đại biểu khi trở về địa phương cùng với những thành tích đáng tự hào đã đạt được, cần nhân rộng hơn nữa để phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu, tạo chuyển biến tích cực trong toàn xã hội để mỗi người chúng ta đã là một bông hoa đẹp và cả dân tộc ta là một vườn hoa đẹp. Tại Văn phòng Trung ương Đảng, dưới sự chủ trì của đồng chí Trương Tấn Sang, đại biểu của các đoàn Yên Bái, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Quảng Trị, Sóc Trăng, Hà Nam đã cùng chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện CVĐ thời gian qua ở cơ sở, địa phương mình. Nữ sinh viên Đào Thị Hiền (Khoa Ngữ văn, ĐHSP II, Xuân Hòa, Phúc Yên, Vĩnh Phúc) đã kể lại câu chuyện đầy xúc động khi tham gia đội sinh viên tình nguyện và trực tiếp 9 lần tham gia hiến máu nhân đạo để cứu người. Trong khi đó, Thượng tọa Thích Trí Huệ (trụ trì chùa Hội Phước, xã Lịch Hội, huyện Long Phú, Sóc Trăng) đã kể về những việc làm từ thiện, vận động phật tử, bà con trong và ngoài huyện tham gia việc cứu giúp người nghèo, người bị bệnh tật hiểm nghèo, không nơi nương tựa... Tại trụ sở Báo Nhân Dân, dưới sự chủ trì của đồng chí Tô Huy Rứa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ, đại biểu của các đoàn TPHCM, Điện Biên, Quảng Ninh, Đắc Nông, Đồng Nai, An Giang và Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương đã giao lưu, tọa đàm, trao đổi những kinh nghiệm thực hiện CVĐ. Tại đây, đại biểu Lưu Kim Ngân (Tổ trưởng Kỹ thuật máy của Xưởng chế biến thực phẩm, Công ty Vissan, TPHCM) đã trình bày những kinh nghiệm trong việc tiết kiệm sản xuất, cải tiến kỹ thuật đem lại lợi ích thiết thực cho phân xưởng, nhà máy... Trần Lưu – Thu Hà Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh: Năm 2010, học tập và làm theo Bác để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh (SGGP). – Tối 24-1, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) đã diễn ra Hội nghị biểu dương các điển hình tiên tiến toàn quốc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đến dự buổi lễ trang trọng này có Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; đồng chí Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư... Tại hội nghị, 68 tập thể và 144 cá nhân là những tấm gương tiêu biểu, đại diện cho hàng triệu tập thể, cá nhân cả nước đã có nhiều thành tích trong học tập, nhất là làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong 3 năm qua, kể từ khi cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai đã được Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động tuyên dương và trao tặng quà lưu niệm. Trong đó có cả một số bà con Việt kiều đang sinh sống ở nước ngoài. Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã nhiệt liệt chúc mừng 68 tập thể, 144 cá nhân điển hình tiên tiến đã được biểu dương lần này. Tổng Bí thư cho rằng, 3 năm qua, cuộc vận động đã được các cấp ủy, tổ chức đảng trong cả nước chỉ đạo triển khai thực hiện tích cực, được sự tham gia hưởng ứng rộng rãi của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, ngày càng đi vào chiều sâu, ngày càng xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến làm theo tấm gương đạo đức của Bác, mà các điển hình tập thể và cá nhân được biểu dương hôm nay là những đại diện tiêu biểu. “Tại buổi lễ long trọng và cảm động này, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động, tôi nhiệt liệt chúc mừng và trân trọng ghi nhận tình cảm, tâm huyết, nỗ lực và đóng góp to lớn của toàn thể đảng viên, quần chúng trong cả nước đối với cuộc vận động quan trọng này” – Tổng Bí thư phát biểu. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh, thông qua cuộc vận động, các giá trị đạo đức, lối sống, đạo lý dân tộc được giữ gìn, bồi đắp. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là phải trau dồi các phẩm chất “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và tệ nạn xã hội; gắn kết việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cả nước, các cấp, các ngành, của từng địa phương, cơ quan và đơn vị. Đề cập đến nhiệm vụ trong năm 2010, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh yêu cầu, cần thực hiện cuộc vận động với quyết tâm cao hơn, hướng vào chủ đề trọng tâm của năm nay là học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”; gắn với việc chuẩn bị và tổ chức tốt đại hội đảng các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Qua Hội nghị tổng kết việc thực hiện cuộc vận động năm 2009, triển khai nhiệm vụ năm 2010; sơ kết và biểu dương các điển hình tiên tiến 3 năm qua, đề nghị Ban chỉ đạo cuộc vận động của các tỉnh, thành, các ban ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi một cán bộ, đảng viên và người dân hãy phát huy ưu điểm, thành tích đã đạt được, nhận rõ và khắc phục cho được những yếu kém, khuyết điểm; đúc rút bài học thiết thực cho công tác chỉ đạo và thực hiện; nhân rộng các mô hình, điển hình; tiếp tục đưa cuộc vận động thu được nhiều kết quả cao hơn, vững chắc hơn trong thời gian tới. T.Lưu Ông Giàng A Lự, xã Lóng Luông, Mộc Châu, Sơn La: Nghỉ hưu nhưng không nghỉ công tác xã hội Là cán bộ của xã trong nhiều năm cho đến lúc nghỉ hưu về làm Bí thư Chi bộ bản Lóng Luông (2000 - 2005), ông đã mạnh dạn đề nghị chính quyền huyện quan tâm đầu tư mở mang trường lớp để giúp bà con đón chữ về bản. Ông đã đến từng nhà vận động bố mẹ cho con đến lớp. Số trẻ đến trường ngày một nhiều hơn lại nảy sinh chuyện thiếu phòng, thiếu lớp học cho các cháu. Sau gần 1 tuần cùng với lãnh đạo xã đi lên huyện, lên tỉnh, ông đã xin được nguồn vốn xây trường mầm non, nhưng khi có tiền thì lại không có đất để xây dựng trường lớp. Thế là khó khăn mỗi lúc một lớn hơn. Cuối cùng, ông đã họp con cháu mình và quyết định lấy mảnh đất rộng 3.000m² do tổ tiên để lại vừa làm sổ đỏ để làm trường học cho các cháu trong xã. Có tiền, có đất, ông đã vận động mỗi gia đình trong bản đóng góp 1 khối đá, 1 khối cát rồi thuê thợ làm sân và tường rào xung quanh trường... Từ năm học 2006 – 2007, Trường Mầm non xã Lóng Luông đã tiếp nhận và tổ chức cho trẻ ăn trưa tại trường. Ngoài giờ học trên lớp, các cháu được tham gia nhiều hoạt động ngoài trời nên các cháu khỏe mạnh, ngoan ngoãn, bố mẹ các cháu rất phấn khởi. Chị Dương Thị Kia, Chủ tịch UBND xã Ca Thành, Nguyên Bình, Cao Bằng: Phải tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân Ở xã Ca Thành phần đông theo đạo Tin Lành. Vì vậy để làm tốt công tác tôn giáo, bản thân chị Kia phải thường xuyên đi giám sát và kiểm tra, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho nhân dân hiểu và tin tưởng vào đường lối của Đảng ta. Sau chương trình sinh hoạt đạo, chị thường lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế, giúp bà con ngày càng có cuộc sống no đủ hơn. Kỹ sư Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại CH Séc: Bác chính là sức mạnh để đoàn kết mọi người “Tại CH Séc chúng tôi thực hiện CVĐ hết sức thiết thực và gắn với việc phục vụ cho đời sống cộng đồng người Việt. Thông qua nhiều hoạt động, chúng tôi vận động để các thành viên cộng đồng ý thức được rằng muốn cộng đồng người Việt tại CH Séc vững mạnh, được tôn trọng thì cần tạo dựng được những hình ảnh tốt đẹp đối với chính quyền và người dân nước sở tại. Mà hình ảnh đó gắn liền với với tính cách tốt đẹp của con người Việt Nam, những thuần phong mỹ tục, nền nếp gia giáo, gia phong được người Việt gìn giữ qua nhiều thế hệ. Để làm được điều đó cần có sự nỗ lực của cả cộng đồng chứ không riêng cá nhân nào có thể làm được. Tấm gương tốt nhất mà mọi người có thể học tập, tu dưỡng, từ đó cùng đoàn kết, tập hợp lại với nhau, tạo ra những hình ảnh đẹp cho cộng đồng chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tấm gương của Bác chính là “cái nhân, cái lõi” đầy sức mạnh để thu hút, tập hợp cộng đồng Việt kiều lại. Học theo Bác không phải theo điều gì cao xa cả, chính là những điều đã được Bác thể hiện qua cuộc đời của mình cũng như những điều đã được Bác đúc kết ngắn gọn như “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” và lối sống giản dị, tiết kiệm, hết mực yêu thương, đùm bọc nhau...”. Thầy giáo Trần Tuấn Anh, Trường THCS Bạch Đằng, quận 3, TPHCM: Dạy các em ý thức, làm nhiều việc tốt dù nhỏ “Bản thân tôi là một giáo viên dạy môn Giáo dục công dân cũng như các đồng nghiệp của mình, tôi luôn mong muốn các em học sinh của mình không chỉ giỏi về kiến thức mà còn phải tốt về mặt đạo đức. Đặc biệt là phải xây dựng cho các em những phẩm chất đạo đức sáng ngời về Bác vì điều đó giúp các em hình thành nhân cách, giúp các em trở thành người công dân tốt của đất nước sau này. Bên cạnh đó, tôi còn sưu tầm những câu chuyện, hình ảnh về Bác, những tấm gương vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Những câu chuyện, hình ảnh này được kết hợp của âm thanh, giai điệu làm khơi gợi hơn cảm xúc trong những tiết học... Tôi dạy các em học sinh của mình ý thức và làm được nhiều việc tốt, dù đó là việc làm nhỏ. Thật cảm động và hạnh phúc khi các việc làm của mình đã nhận được sự ủng hộ của nhà trường, hội cha mẹ và các em học sinh”.

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/chinhtri/2010/1/216760/