Biệt thự cổ biến mất quá nhanh tại TP.HCM

Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM cho biết, thành phố từng có đến 1.300 căn biệt thự cổ được xây dựng trước năm 1975, tập trung nhiều nhất ở Q.1 và Q.3 nhưng nay gần nửa số biệt thự đã bị biến mất.

Khảo sát gần đây của Trung tâm nghiên cứu kiến trúc - Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM cho biết, gần nửa trong số 1.300 căn biệt thự cổ được xây dựng trước năm 1975, tập trung nhiều nhất ở Q.1 và Q.3, trên các đường Lê Quý Đôn, Hai Bà Trưng, Mạc Đĩnh Chi, Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu, Tú Xương... đã "biến mất".

Trong đó, đường Nguyễn Đình Chiểu từng có 53 căn nay chỉ còn 24, đường Hai Bà Trưng từng có 40 căn giờ chỉ còn khoảng 20, tương tự đường Mạc Đĩnh Chi cũng từng có 20 căn nay chỉ còn 6 căn, đường Lê Quý Đôn hiện còn khoảng 6 căn...

Theo Sở Xây Dựng TP.HCM, những ngôi nhà cổ được xây dựng từ thời Pháp thuộc di sản văn hóa nên nếu muốn sửa chữa hay đập bỏ xây lại phải có giấy phép của UBND TP.HCM.

Trước đó, cuối tháng 6/2016, biệt thự hơn 100 tuổi trên đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh đã bị chủ sở hữu phá dỡ. Một biệt thự cổ khác nằm trên đường Lý Tự Trọng, Q.1 sau khi chuyển nhượng qua nhiều đời chủ cũng đã bị đập bỏ hoàn toàn.

Trước tình trạng trên, UBND TP.HCM đã ra văn bản yêu cầu xử lý nghiêm cá nhân và đơn vị tự ý tháo dỡ hai biệt thự cổ giá trị này. Thành phố cũng yêu cầu Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM hoàn chỉnh tiêu chí phân loại biệt thự cổ để xem xét cấp phép sửa chữa cho người dân có nhu cầu.

Mới đây, trả lời trước báo chí, ông Hoàng Minh Trí, Phó Viện trưởng Nghiên cứu phát triển TP.HCM (Đơn vị được giao thành lập Hội đồng phân loại biệt thự TP.HCM) cho biết: “Từ năm 1996, thành phố đã có công văn quy định các trường hợp phá bỏ biệt thự cổ để xây dựng các công trình khác phải có ý kiến của Kiến trúc sư trưởng thành phố xem xét, trình Chủ tịch UBND TP.HCM quyết định”.

Cũng theo ông Trí, Hội đồng phân loại biệt thự chịu trách nhiệm đánh giá và phân loại biệt thự cũ thành ba nhóm 1, 2, 3 trước khi trình UBND TP.HCM phê duyệt. Do đó, cần phải có tiêu chí cụ thể phân loại và quản lý các ngôi biệt thự cổ để giải quyết quyền lợi của người dân và phục vụ công tác bảo tồn. Nếu các chủ sở hữu biệt thự có nhu cầu tháo dỡ hay xây dựng mới, UBND các quận huyện sẽ gửi công văn về Sở Quy hoạch - kiến trúc và chờ UBND TP.HCM giải quyết từng trường hợp một.

Đối với các biệt thự cổ thuộc nhóm 3 ít có giá trị về mặt kiến trúc, văn hóa, lịch sử khi có nhu cầu xây dựng mới mới được tháo dỡ. Theo quy định, các công trình mới này vẫn là công trình biệt thự với 3 tầng lầu phù hợp với quy hoạch khu biệt thự cổ đã có sẵn.

“Thời gian qua việc tháo dỡ biệt thự cổ vẫn diễn ra ở một số căn trước đây do nhà nước cấp cho nhiều hộ ở cùng. Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đã trình dự thảo tiêu chí quản lý và phân loại biệt thự nhưng chưa được thành phố thông qua. Vì vậy, việc chưa có tiêu chí để đánh giá phân loại biệt thự cổ là quá trễ so với nhu cầu phát triển của thành phố” - ông Trí cho biết thêm.

Tấn Lợi

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/biet-thu-co-bien-mat-qua-nhanh-tai-tphcm-d46613.html