Biến quyết tâm thành hành động

Với các hồ sơ, văn bản, công việc liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, các sở, ngành, quận, huyện phải xử lý, giải quyết khẩn trương, kịp thời trong thời gian từ 24 - 48 giờ sau khi được gửi đến.

Yêu cầu này vừa được TP Hà Nội nhấn mạnh và là một trong những giải pháp mạnh mẽ, biến quyết tâm thành những hành động cụ thể để bảo đảm và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các khâu của dự án giao thông quan trọng này.

Tuyến đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội.

Tuyến đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là dự án trọng điểm quốc gia, có chiều dài 112,8km đi qua TP Hà Nội và 2 tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh với tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng. Tại địa phận Hà Nội, tuyến đường dài 58,2km, đi qua 7 quận, huyện.

Có thể nói rằng, chưa có dự án nào mà công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ, khẩn trương và quyết liệt như dự án này. Đồng thời, cũng là dự án phải thực hiện khối lượng lớn về công tác thu hồi đất, lập quy hoạch, cắm mốc, khảo sát thiết kế, lập dự án đầu tư…, đòi hỏi sự tiến hành khẩn trương, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời của các cấp, ngành, đơn vị.

Để đạt được tiến độ, tới tháng 6/2023, bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng; tháng 12/2023 bàn giao toàn bộ mặt bằng; hoàn thành các thủ tục khởi công công trình trong tháng 6/2023, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, nghị quyết, kế hoạch triển khai đồng bộ từ TP xuống cơ sở. Tại các quận, huyện dự án đi qua, tinh thần “bắt tay ngay vào việc” cũng thể rất rõ trong các bước chuẩn bị cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư…

Để đốc thúc trách nhiệm, lãnh đạo TP đã nhiều lần nhấn mạnh đến vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị. TP cũng nhấn mạnh việc gắn xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu không hoàn thành đúng tiến độ GPMB, để ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn dự án. Cùng với đó là trách nhiệm phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công, bảo đảm cơ bản hoàn thành dự án trong tháng 12/2026 và đưa vào sử dụng năm 2027.

Bên cạnh tăng tuyên truyền, tạo sự đồng thuận từ người dân trong GPMB, việc tháo gỡ những vướng mắc về mặt thủ tục, hành chính cũng có ý nghĩa rất quyết định. Bởi chỉ cần chậm ở một mắt xích, sẽ kéo theo những công việc khác chậm theo. Do đó, để tránh đi những ách tắc không đáng có, TP một lần nữa đã yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện chỉ đạo xử lý, giải quyết khẩn trương, kịp thời các hồ sơ, văn bản, công việc gửi đến liên quan đến dự án này trong thời gian 24 - 48 giờ; khi phát hành các văn bản gửi các cơ quan, đơn vị liên quan có đóng dấu hỏa tốc để bảo đảm tiến độ.

Phương án xây dựng một phân hệ riêng trên hệ thống văn phòng điện tử đối với việc xử lý các hồ sơ, công việc liên quan đến Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô cũng được đặt ra để hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành của TP được kịp thời, hiệu quả. Một tổ công tác chuyên trách của Văn phòng UBND TP cũng sẽ được thành lập để theo dõi, tổng hợp, đôn đốc, tham mưu xử lý các văn bản, hồ sơ liên quan.

Đây là hành động mạnh mẽ và rất cụ thể để tạo thuận lợi nhất, nhanh chóng nhất cho những nhiệm vụ trước mắt và cũng như nhiệm vụ cấp thiết, cấp bách nhất liên quan đến dự án. Qua đó, chắc chắn sẽ thúc đẩy thêm tinh thần trách nhiệm của từng đơn vị, giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật về các vấn đề được đặt ra; bảo đảm không phát sinh điểm nóng, giải quyết hài hòa lợi ích của Nhà nước, DN, người dân và mục tiêu của dự án.

Trần Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bien-quyet-tam-thanh-hanh-dong.html