Biến nơi đổ rác thành công viên

Khu vực bờ vở sông Hồng, dưới chân cầu Long Biên trước đây là bãi đất hoang phế với rác thải ngập ngụa, nay đã thay một diện mạo mới, trở thành công viên để trẻ em vui chơi, người già tập thể dục...

Nhiều năm qua, bãi đất dọc bờ vở sông Hồng, ngay sát chân cầu Long Biên, khu vực phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm là nơi người dân đổ rác thải, phế liệu gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Các lực lượng chức năng như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc… phường đã nhiều lần ra quân dọn rác, tuyên truyền, nhắc nhở người dân không xả rác tại khu vực này nhưng chỉ được vài ngày, rác lại đầy.

Cộng đồng chung tay xây dựng không gian công cộng đa năng gồm vườn rừng, sân chơi khu vực phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm.

Cô Đỗ Thị Lan, cư dân Tổ 1 - phường Phúc Tân tâm sự: “Chúng tôi sống ở đây nhiều năm, cứ đến tháng 6, mùa nước lên ngập rất khổ. Rác thải thì đổ bừa bãi, nhếch nhác, cứ chiều đến lại đốt rác, khói độc bay vào nhà, trẻ con người già khó thở”. Còn bà Lê Thị The, cư dân Tổ 1 - phường Phúc Tân nói về ước mơ ở tuổi 71: “Rác là phải để đúng chỗ, bà mong nơi đây có thật nhiều máy tập thể dục cho các cụ già, có vườn hoa cho các cháu nhỏ chơi đùa, bà không có ước mong gì hơn thế”.

Từ thực trạng rác thải khó kiểm soát tại khu vực bờ ven sông Hồng, tháng 11/2023, quận Hoàn Kiếm cùng các chuyên gia tư vấn đầu ngành đã có giải pháp quản lý môi trường dựa vào cộng đồng, thông qua việc tạo ra không gian công cộng đa năng thân thiện tại khu vực bờ vở mà không làm ảnh hưởng đến vành đai xả lũ. Với sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng địa phương, hơn 100 đại diện từ khu dân cư số 1, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên phường Phúc Tân đã tham gia khảo sát, thiết kế, xây dựng nên mô hình thí điểm “Sân chơi trên bãi rác Phúc Tân” với quy mô 1.000 m2.

Mô hình đưa ra giải pháp tiết kiệm và phù hợp trong việc xử lý rác thải và nước thải trong khu vực, sử dụng các vật liệu thấm nước, vật liệu tự nhiên và vật liệu tái chế tuần hoàn rác, có tính tạm thời dễ thay thế nhưng lại đáp ứng đúng các nhu cầu sử dụng thiết thực của cộng đồng như sân chơi, sân đa năng, vườn cộng đồng, đường dạo, đèn năng lượng mặt trời, bảng biển thông tin môi trường.

Là đơn vị tư vấn thiết kế tổng thể, anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt - Giám đốc sáng tạo của Think playgrounds cho biết: “Trẻ em thành phố nói chung và quận Hoàn Kiếm nói riêng rất thiếu không gian chơi và cần có các không gian được thiết kế thân thiện và hài hòa với thiên nhiên để đảm bảo cho sự phát triển toàn diện nhất. Think playgrounds cũng từng bước thúc đẩy đa dạng sinh học trong đô thị thông qua việc thiết kế các không gian đa năng bền vững. Sau hơn 240 sân chơi công cộng trên toàn quốc, đây là một trong những mô hình đặc biệt nhất mà chúng tôi từng thực hiện”.

Theo anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, mô hình này không chỉ dành cho trẻ em mà còn quan tâm đến nhu cầu sử dụng và kết nối cộng đồng của các nhóm ít có tiếng nói trong đô thị như người nghèo, người khuyết tật, người già yếu… Về mặt môi trường, mô hình thúc đẩy sử dụng các vật liệu tái chế, vật liệu tự nhiên thân thiện như gỗ, cát, nền thấm nước. Ngoài ra, bên cạnh sân chơi là khu vườn rừng, trồng các loại rau, các loại thuốc nam, cây hoa... giúp tăng thêm không gian xanh, tạo sinh cảnh phù hợp cho các loài sinh vật bản địa khác đặc biệt là chim di cư dọc theo sông Hồng.

Mô hình thí điểm được hưởng ứng tích cực từ cộng đồng địa phương cũng như đại diện chính quyền tham gia vào cả quá trình từ khảo sát, thiết kế đến chung tay xây dựng. Ông Nguyễn Cổ Luân - Tổ trưởng tổ 1 nói: “Cuộc sống người dân ở đây phần lớn là dân lao động, cần có chỗ tập luyện và nơi vui chơi cho các cháu mà trước đây không có, có điều kiện tạo sân chơi như thế này, nhân dân rất phấn khởi”.

Theo chuyên gia sinh thái Nguyễn Hoàng Hào - Viện Điều tra, Quy hoạch rừng, hiện trạng sinh thái khu vực bờ ven, quận Hoàn Kiếm có nhiều tiềm năng để làm giàu, xúc tiến tái sinh tự nhiên với hơn 200 loài thực vật và hơn 140 loài chim hoang dã đã được ghi nhận. Trong đó có các loài thuộc danh mục IIB nghị định 84CP, danh lục 2 CITES như: Mèo rừng, rắn ráo trâu, ưng Ấn Độ, diều mào... Các giá trị sinh thái này mang lại lợi ích rất lớn không chỉ cho chính cộng đồng địa phương mà còn cho môi trường của toàn Thành phố cũng như đi kèm các lợi ích khác về giáo dục, du lịch, từ đó tạo ra sản phẩm dịch vụ sinh thái độc đáo ngay trong nội đô cho thành phố Hà Nội.

Sau một thời gian thực hiện, đến nay, tình hình vệ sinh môi trường trên địa bàn đã có sự chuyển biến tích cực, ý thức tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường của người dân được cải thiện rõ rệt, tình trạng xả rác bừa bãi đã không còn. Cô Nguyễn Thị Tám, Tổ trưởng tổ 4, phường Phúc Tân phấn khởi cho biết: “Mô hình đã xóa sổ bãi rác, cải tạo cảnh quan, vệ sinh môi trường cho khu phố thêm xanh, sạch, đẹp. Từ khi có vườn rừng, khu vui chơi, người dân không còn đổ rác bừa bãi vào đây nữa. Nhiều người còn tự nguyện tưới nước, chăm sóc cây hoa, cùng cán bộ khu phố và nhắc nhở nhau bảo vệ cảnh quan nơi đây.

Mô hình với sự chung tay của cộng đồng, các đoàn thể và chính quyền địa phương đã góp phần nâng cao nhận thức môi trường và hệ sinh thái, giúp cho việc quản lý môi trường bền vững, tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần, tạo không gian lành mạnh gắn kết cộng đồng và giúp tăng cường an ninh khu vực.

Đây được xem là một sáng kiến do nhân dân và vì nhân dân, với hy vọng sẽ mang lại những kết quả tích cực về bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, an ninh trật tự và là một cách thức hữu hiệu chống lấn chiếm bờ vở sông Hồng. Sau mô hình thí điểm, về lâu dài, quận Hoàn Kiếm dự kiến sẽ nhân rộng mô hình dọc bờ vở, với định hướng vừa tạo ra không gian văn hóa đa năng phục vụ cộng đồng, vừa gìn giữ hệ sinh thái bản địa cũng như tạo ra các không gian giáo dục trải nghiệm sinh thái độc đáo cho cả Thành phố.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bien-noi-do-rac-thanh-cong-vien-167709.html