Biến những di sản cũ thành 'gà đẻ trứng vàng'

Nhiều chuyên gia cho rằng, khi xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Hà Nội cần có những cơ chế, chính sách vượt trội, phù hợp, ưu đãi để thúc đẩy thương mại, du lịch và văn hóa Thủ đô, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Thực hiện Kế hoạch số 307/KH-UBND ngày 18/12/2023 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc tổ chức các hội thảo, cuộc họp về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), chiều 22/1, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển tổ chức hội thảo với chủ đề: “Cơ chế phát triển thương mại, văn hóa”.

Hội thảo là cơ sở lý luận nghiên cứu hình thành khu thương mại văn hóa (BID); thực tiễn các hoạt động đang triển khai hiện nay trên địa bàn quận Hoàn Kiếm để từ đó xác định điều kiện hình thành, thiết lập cơ chế hoạt động, mô hình quản lý và khuyến nghị các giải pháp nhằm phát triển khu BID trong thời gian tới. Là cơ sở để cung cấp thêm thông tin, phục vụ cho việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5, 6/2024).

Hội thảo đi sâu vào trao đổi, thảo luận với các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật... các đối tượng chịu tác động của hoạt động này để làm rõ các vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện triển khai.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại Hội thảo.

Hội thảo tổ chức được chia thành 3 phiên: Về bối cảnh, cơ hội và kinh nghiệm quốc tế đối với việc hình thành khu BID; về thực trạng và giải pháp nhằm thúc đẩy việc hình thành khu BID; thảo luận và góp ý đối với các quy định tại khoản 4 Điều 3, Điều 23 và các điều khoản khác liên quan đến lĩnh vực văn hóa, thể thao của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Tại Hội thảo, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo trong việc đưa các quy định về văn hóa trong Luật Thủ đô (sửa đổi). Đây là bước tiến lớn so với Luật Thủ đô trước đây, khi có những quy định về ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa, ưu đãi đối với các dự án đầu tư mới vào lĩnh vực thể thao và một số ngành công nghiệp văn hóa gồm: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, du lịch văn hóa theo danh mục cụ thể do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quyết định, cho áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), hay áp dụng chế độ cao hơn đối với nghệ sĩ, nghệ nhân, bảo vệ các di tích, di sản văn hóa Thủ đô...

Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Phó Chủ tịch Hội Luật Quốc tế Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, để phát triển văn hóa Thủ đô, chúng ta cần chú ý đến 2 nhiệm vụ: Một là bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, bản sắc Thủ đô, giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội 1000 năm văn hiến, thanh lịch, văn minh; hai là tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, làm giàu có hơn bản sắc văn hóa Thủ đô.

Về chi tiết cần sửa đổi, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, điều 45 của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định "ưu đãi đối với các dự án đầu tư mới vào lĩnh vực thể thao và một số ngành công nghiệp văn hóa gồm: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, du lịch văn hóa theo danh mục cụ thể do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quyết định".

Tuy nhiên, các ngành công nghiệp văn hóa có 12 ngành, trong đó còn có rất nhiều ngành có ưu thế ở Hà Nội như thời trang, phần mềm và các trò chơi giải trí, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, kiến trúc... cũng nên được đưa vào danh mục này.

PGS.TS. Đinh Hồng Hải, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ngoài ra, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng muốn Ban soạn thảo làm rõ hơn quy định ở Điều 42. Quản lý tài sản công, theo đó, các "bảo tàng, thư viện, di tích lịch sử, văn hóa" không được nhượng quyền kinh doanh, quản lý thì có được phép liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân bên ngoài để khai thác dịch vụ ở các thiết chế, địa điểm này không? Đây là một điểm nghẽn khiến cho các thiết chế văn hóa, khu di tích lịch sử, văn hóa của Hà Nội gặp khó khăn, không huy động được nguồn lực xã hội cho việc phát huy giá trị của mình.

Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Phó Chủ tịch Hội Luật Quốc tế Việt Nam chia sẻ, kinh nghiệm thế giới cho thấy để vận hành một khu BID chủ yếu là các tổ chức, doanh nghiệp (hoạt động phi lợi nhuận hoặc có lợi nhuận) dưới sự giám sát của một thiết chế kiểm soát của chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư và các đơn vị kinh doanh (dưới hình thức Hội đồng). Mô hình này tương tự như mô hình quản lý chung cư hiện nay theo quy định của pháp luật Việt Nam (Hội đồng chủ sở hữu nhà chung cư, Ban/Công ty vận hành) hoạt động dưới sự giám sát của chính quyền.

Toàn cảnh Hội thảo.

Theo luật sư Nguyễn Hưng Quang, dựa trên kinh nghiệm của Singapore, thành phố Hà Nội có thể xây dựng và áp dụng khu BID trên một số địa bàn có tiềm năng phát triển và đã có sẵn các thiết chế vận hành, như các khu phố đi bộ hiện có (như khu vực hồ Hoàn Kiếm và các chuyên doanh lân cận, khu phố Trịnh Công sơn, khu Công viên Thống nhất, khu Đảo Ngọc Ngũ Xã - hồ Trúc Bạch, khu thành cổ Sơn Tây), hoặc hình thành hay xây dựng một số khu BID mới (như khu vực bãi giữa sông Hồng...) sau đó tiếp tục mở rộng các khu vực khác. Hoạt động ban đầu của các khu BID này có thể là bắt đầu với những hoạt động cơ bản, dễ thực hiện, gần với những hoạt động hiện nay đang thực hiện ở các tuyến phố đi bộ.

Còn PGS.TS. Đinh Hồng Hải, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, Hà Nội là một thành phố đã và đang sở hữu vô số tài sản văn hóa có giá trị cao. Đôi khi chúng bị xem như những món "đồ cũ" nhưng trên thực tế nếu chúng ta biết cách khai thác vốn biểu tượng từ các thành tố văn hóa này chúng có thể trở thành những báu vật vô giá và là những "con gà đẻ trứng vàng" để khai thác du lịch.

Lấy ví dụ cầu Long Biên là một trong ba công trình biểu tượng đại diện cho 3 châu lục được xây dựng trong thời kỳ bùng nổ phát triển công nghiệp trên thế giới cùng với tháp Eiffel ở châu Âu và tượng Nữ thần tự do ở châu Mỹ. Trong khi tháp Eiffel và tượng Nữ thần tự do là những điểm tham quan du lịch hàng đầu thế giới thì cầu Long Biên vẫn chỉ là một chiếc cầu sắt cũ kỹ. Nếu như chúng ta có thể phát triển Nhà máy xe lửa Gia Lâm thành một không gian sáng tạo nghệ thuật thì chắc chắn rằng cầu Long Biên sẽ trở thành một loại tài sản văn hóa có giá trị của quốc gia mà Hà Nội đang sở hữu.

Đây sẽ là một khu BID có tiềm năng khai thác lớn với tính kết nối cao với cầu Long Biên, đường sắt Bắc Nam cùng các nhà ga và hệ thống đường sắt nội đô. Tổng thể của toàn bộ hệ phức hợp các công trình dân dụng này nếu được khai thác hợp lý sẽ không chỉ tiết kiệm cho thành phố Hà Nội hàng tỷ đô la tiền ngân sách mà còn mang lại cho Hà Nội một nguồn thu không hề nhỏ từ chính những tài sản văn hóa của mình. Thành công của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 có thể được coi bước đi đầu tiên của thành phố đối với tiến trình phát triển Thủ đô Hà Nội.

Kết luận, ông Đặng Huy Đông, Viện trưởng Viện Quy hoạch và Phát triển tiếp thu các ý kiến đóng góp đối dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện báo cáo tổng thuật, trình Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trong thời gian tới nhằm đáp ứng tiến độ thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) vào tháng 6/2024.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bien-nhung-di-san-cu-thanh-ga-de-trung-vang-165349.html