Biên kịch Đặng Thanh Bình: Tôi rất tâm huyết với dòng phim lịch sử

Cuộc trò chuyện giữa phóng viên với biên kịch Đặng Thanh Bình (ảnh) diễn ra tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), khi chị cùng hơn 30 văn nghệ sĩ của TPHCM có chuyến đi thực tế sáng tác tại đây do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM tổ chức. Biên kịch Đặng Thanh Bình là tác giả kịch bản của 'Vầng trăng thơ ấu' - bộ phim về thời niên thiếu của Bác Hồ, bắt đầu ra rạp từ ngày 17-5.

* PHÓNG VIÊN: Vì sao chị lại chọn quãng đời thơ ấu của Bác Hồ để làm phim, mà không phải những giai đoạn sau này?

* Biên kịch ĐẶNG THANH BÌNH: 6 năm trước, anh Nguyễn Tiến Hưng, lúc đó là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần phim Giải Phóng có chia sẻ, anh mong muốn tôi viết một kịch bản về đề tài này. Ngay lúc đó tôi đã đồng ý, cũng bởi suy nghĩ rằng từ trước tới nay, điện ảnh Việt Nam chưa có phim về Bác Hồ giai đoạn này. Ngoài ra, đây là khoảng thời gian đặc biệt có ý nghĩa đối với nhận thức khởi đầu và hình thành nhân cách con người vĩ đại Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sau này.

Càng đi sâu tìm hiểu về những năm tháng ấu thơ của Bác Hồ, tôi càng nhận thấy trọng trách của mình rất lớn. Tôi đã đọc rất kỹ lịch sử giai đoạn đó, để có cái nhìn khách quan nhất về xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX, đặc biệt là tại kinh đô Huế. Tôi cũng tìm đến những nơi gia đình Bác đã từng sinh sống, gặp gỡ một vài chuyên gia để tìm hiểu thêm các trò chơi của những đứa trẻ giai đoạn đó và nhiều câu chuyện xung quanh cuộc sống của gia đình Bác, với mong muốn thể hiện chân thật nhất tuổi ấu thơ của Bác.

* Chị suy nghĩ gì khi dấn thân vào dòng phim lịch sử, một dòng phim vốn dĩ có nhiều yêu cầu, đòi hỏi khó khăn trong việc thực hiện?

* Tôi chỉ nghĩ đến một mơ ước là phim lịch sử được khán giả đón nhận, yêu mến. Lịch sử Việt Nam mình, đặc biệt, lịch sử chống giặc ngoại xâm luôn được xem là điểm son của dân tộc. Cho dù ở thời đại nào, ngày xưa hay bây giờ, khi có giặc ngoại xâm thì nhân dân luôn yêu nước, luôn đoàn kết, đồng lòng đứng lên bảo vệ đất nước. Trước đây đa phần dòng phim lịch sử đều do nhà nước làm hoặc đặt hàng. Mãi đến gần đây, một số hãng phim tư nhân mới bắt đầu tham gia làm phim lịch sử. Đây là tín hiệu đáng mừng.

Bởi vì ngân sách nhà nước dành cho việc làm phim không nhiều, trong khi TPHCM là thị trường phim chiếu rạp lớn nhất cả nước mà lại thiếu vắng những bộ phim lịch sử. Tôi cho rằng, nếu không được xem phim lịch sử sẽ là một thiệt thòi lớn cho thế hệ trẻ. Dĩ nhiên, có nhiều dòng phim khác nhau, phim lịch sử là một trong số đó. Tôi luôn mong dòng phim lịch sử không chỉ nhận được sự quan tâm của người viết, người làm nghề mà cả nhà đầu tư, để giúp thị trường phim ngày càng phong phú hơn.

* Làm phim lịch sử vốn đã khó, ở đây lại là phim về thời niên thiếu của Bác Hồ, để chọn một diễn viên nhí phù hợp càng khó gấp bội. Có phải vô hình trung chị đặt áp lực lên vai đạo diễn?

* Thực tình là khi viết, tôi chưa nghĩ nhiều đến những vấn đề này, mà chỉ tập trung vào nhân vật và câu chuyện của mình. Nhưng khi làm phim mới thấy đây quả thật là một thách thức lớn cho đạo diễn. Trước khi quay, tôi và đạo diễn Hồ Ngọc Xum có ngồi bàn luận cùng nhau. Đạo diễn muốn diễn viên phải nói giọng Nghệ An và giọng Huế. Ngoài ra, bên cạnh tài năng, ngoại hình thì đạo diễn còn xét đến cả lý lịch, nhân thân của diễn viên. Bởi vì đây là phim về Bác Hồ, nên đạo diễn muốn diễn viên phải đảm bảo có nhân thân tốt. Thế mới thấy, đạo diễn còn tự gây khó cho mình nhiều hơn!

* Rất nhiều biên kịch lẫn đạo diễn mong muốn được làm phim lịch sử. Nhưng có một thực tế là nhiều phim lịch sử vẫn chưa đến được với khán giả, chị nghĩ sao về thực trạng này?

* Phim làm ra không có chỗ chiếu đang là một vấn đề. Một bộ phim đầu tư hàng chục tỷ đồng, phải làm sao để khán giả biết mà đến rạp? Thế nhưng, khi khán giả biết và đến rạp như trường hợp của phim Đào, phở và piano lại nảy sinh một vấn đề khác. Hệ thống rạp của nhà nước, ngoài Trung tâm chiếu phim quốc gia (Ba Đình, Hà Nội) thì không còn rạp nào nữa, kể cả ở TPHCM.

Rạp phim bây giờ phần lớn nằm trong tay tư nhân, ở đây, tôi không nói đến chuyện chèn suất chiếu hay cạnh tranh, mà phim muốn ra rạp thì phải có chi phí quảng bá, giới thiệu phim với khán giả. Mà hiện nay, hầu như những bộ phim nhà nước sản xuất hoặc đặt hàng đều không dự trù nguồn kinh phí cho việc này. Nếu có chính sách quảng bá cụ thể, như thuê rạp chiếu phục vụ cho học sinh, sinh viên, tổ chức chiếu cho cán bộ, công chức... sẽ rất thuận lợi để phổ biến phim, truyền cảm hứng yêu lịch sử đến người dân, nhất là người trẻ.

"Các nhà làm phim, các nhà đầu tư trong nước cần tạo điều kiện nhiều hơn để dòng phim lịch sử được ra rạp, khán giả đều được xem. Với dòng phim lịch sử thì nên có sự đầu tư nhiều hơn, mở nhiều trại viết, đầu tư chuyên sâu cho các tác giả chứ không đợi đến kỷ niệm các dịp lễ lớn mới vận động"

Biên kịch ĐẶNG THANH BÌNH

* Trở về từ chuyến đi thực tế sáng tác tại Đắk Lắk này, chị đã manh nha ý tưởng cho một bộ phim lịch sử nào đó?

* Tôi rất tâm huyết với dòng phim lịch sử. Trước tác phẩm Vầng trăng thơ ấu, tôi có một kịch bản phim hợp tác với Hungary, có tên là Hoa táo nở. Bộ phim đã được phát hành ở Hungary và một số nước châu Âu. Hiện tại, tôi cũng vừa hoàn thành xong kịch bản phim Chuồng cọp, viết về phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn thời chống Mỹ.

Kịch bản này tôi đã hoàn thành trong đợt đi trại sáng tác “Thành phố tôi yêu - Thành đoàn thời chống Mỹ” do Thành đoàn TPHCM tổ chức. Tôi cũng đang ấp ủ và chuẩn bị viết kịch bản có tên Đừng quên chúng tôi. Tôi muốn kể một câu chuyện lịch sử khác, liên quan đến vấn đề hòa hợp dân tộc chứ không đơn thuần là kể về những chiến công.

HỒ SƠN thực hiện

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bien-kich-dang-thanh-binh-toi-rat-tam-huyet-voi-dong-phim-lich-su-post740547.html