Biên Hòa (Đồng Nai): Đầu tư phát triển giao thông đồng bộ theo hướng văn minh, hiện đại

Thành phố Biên Hòa là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đồng Nai. Hiện thành phố đang hướng đến xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại, trong đó chú trọng đầu tư phát triển hệ thống giao thông đồng bộ.

Đầu tư phát triển giao thông đồng bộ theo hướng văn minh, hiện đại.

Thành phố Biên Hòa có diện tích 26.407,84ha, dân số hơn 1,2 triệu người, nằm ở cửa ngõ vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ; là 1 trong 3 trục tam giác tăng trưởng: Thành phố Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Vũng Tàu.

Đến nay, trên địa bàn thành phố có 30 đơn vị hành chính, bao gồm 29 phường và 01 xã, trong đó có nhiều dự án đô thị, dự án khu dân cư dành cho người có thu nhập thấp đã được đưa vào sử dụng. Là địa phương nằm kế bên Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ Dầu Một, thị xã Dĩ An (Bình Dương)… với nhiều tuyến quốc lộ đi qua, nên hàng ngày, phương tiện tham gia giao thông qua thành phố Biên Hòa có mật độ dày đặc.

Để giảm áp lực phương tiện giao thông đi qua khu vực trung tâm thành phố, nhiều tuyến đường đã được nâng cấp, mở mới, giúp cho việc đi lại của người dân được thuận tiện. Các tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 51, đường Nguyễn Ái Quốc, đường Võ Thị Sáu… và tuyến tránh thành phố Biên Hòa đã làm giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến đường, kết nối phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị trên địa bàn thành phố; từ đó, góp phần quan trọng để thành phố phát triển nhiều khu dân cư đô thị tập trung.

Theo UBND thành phố Biên Hòa, trong dự thảo Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung của địa phương này đến năm 2045, phạm vi điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị hiện đại và đồng bộ, đáp ứng nhu cầu giao thông gia tăng, đảm bảo phát triển giao thông đô thị bền vững. Phát triển giao thông trên cơ sở mạng lưới giao thông hiện trạng và kế thừa các quy hoạch liên quan, kết hợp với việc dự báo, nâng cấp, mở rộng các trục đường huyết mạch và quy hoạch các tuyến đường mới đảm bảo sự kết nối liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải tạo thành mạng giao thông thông suốt. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển mạng lưới giao thông công cộng, đa dạng hóa phương tiện vận chuyển, hạn chế phương tiện cá nhân, từng bước giải quyết vấn đề ùn tắc, tai nạn và ô nhiễm môi trường...

Quy hoạch mạng lưới giao thông thành phố Biên Hòa.

Theo đó, định hướng phát triển hệ thống giao thông đường bộ đối ngoại bao gồm các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh. Về cao tốc: Quy hoạch tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (CT.28). Đoạn tuyến trên địa bàn thành phố Biên Hòa với quy mô 6 làn xe, lộ trình đầu tư trong giai đoạn trước năm 2030. Quy hoạch hệ thống đường gom chạy dọc 2 bên tuyến cao tốc. Quốc lộ 1A, đoạn tuyến từ Hầm chui đi Trảng Bom: Nâng cấp, đồng bộ đoạn tuyến với quy mô đường đô thị, Quốc lộ 51: Nâng cấp, xây dựng đường gom song hành trên toàn tuyến Quốc lộ 51. Đường tỉnh: Đường tỉnh 760 (đường Bùi Hữu Nghĩa): Tuyến đường đóng chức năng là đường Chính đô thị. Quy hoạch mở rộng tuyến đường tạo động lực phát triển khu vực phía Tây thành phố. Đường tỉnh 767B (Đường vào nhà máy nước Thiện Tân): Tuyến đường trên địa bàn thành phố đóng chức năng là tuyến đường Liên khu vực, kết nối từ Quốc lộ 1A đi huyện Vĩnh Cửu, đường tỉnh 767C (đường Đồng Khởi): Tuyến đường đóng chức năng là đường Trục chính đô thị theo hướng Bắc - Nam kết nối từ Khu công nghiệp (KCN) Amata đến huyện Vĩnh Cửu. Đường tỉnh 771B (HL.2): Tuyến đường đóng chức năng là tuyến chính đô thị kết nối từ Quốc lộ 51 đi huyện Nhơn Trạch. Đường tỉnh 771: Tuyến đường đóng chức năng là tuyến chính đô thị kết nối từ Quốc lộ 51 đi huyện Long Thành.

Về đường sắt: Đường sắt quốc gia sẽ duy trì khai thác tuyến đường sắt Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh (đường sắt Bắc – Nam), đường đơn, khổ 1.000mm. Từng bước đưa vào cấp kỹ thuật đường sắt quốc gia. Quy hoạch mới tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu, tuyến Hòa Hưng – Tràng Bom, đường đôi, khổ 1.435mm. Lộ trình xây dựng trong giai đoạn trước năm 2030 nhằm tạo điều kiện thúc đẩy kết nối thành phố Biên Hòa ra cảng biển Cái Mép – Thị Vải. Tuyến đường sắt tạo ra kết nối cảng biển với hệ thống các KCN chạy trên hành lang tuyến đường nhằm thúc đẩy vận tải hàng hóa bằng đường sắt, giảm tải cho vận tải đường bộ.

Đường sắt đô thị: Quy hoạch 3 tuyến đường sắt đô thị qua thành phố Biên Hòa nhằm tạo nên phương thức vận tải công cộng tiên tiến giúp thời gian di chuyển nhanh, vận chuyển khối lượng hành khách lớn và ít ảnh hưởng đến môi trường, tạo nên trục vận tải mới kết nối các đô thị lớn trong tỉnh Đồng Nai và vùng Đông Nam bộ. Ngoài ra đề xuất 1 tuyến đường sắt nhẹ Monorail để phát triển du lịch dọc sông Đồng Nai.

Hàng không quy hoạch sân bay Biên Hòa thành cảng hàng không quốc nội để khai thác lưỡng dụng, quy mô sân bay cấp 4E.

Tiếp đó, hàng không quy hoạch sân bay Biên Hòa thành cảng hàng không quốc nội để khai thác lưỡng dụng, quy mô sân bay cấp 4E. Công suất thiết kế đến năm 2030 dự kiến 5 triệu hành khách/năm. Tận dụng hạ tầng sẵn có của sân bay Biên Hòa, đầu tư nhà ga phục vụ cho hành khách để phát triển các đường bay dân dụng phụ vụ nhu cầu đi lại của người dân thành phố Biên Hòa và các địa phương khu vực lân cận.

Kết nối khu vực hàng không dân dụng với đường Nguyễn Du tại 2 vị trí đường vào và đường ra. Vị trí kết nối cảng hàng không tiếp cận trực tiếp tuyến đường sắt đô thị số 1 và Ga đường sắt đô thị, tạo điều kiện thuận lợi kết nối các khu chức năng đô thị thông qua đường bộ (đường Nguyễn Du, đường Nguyễn Ái Quốc…) và đường sắt đô thị (tuyến ĐSĐT số 1). Kết nối khu sân bay quân sự với tuyến đường Nguyễn Ái Quốc, đảm bảo tách biệt khu vực phục vụ quân sự và khu vực hàng không dân dụng.

Đường thủy nội địa, tuyến vận tải hàng hóa trên sông Đồng Nai có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa giữa thành phố Biên Hòa và các tỉnh trong khu vực. Đây là một tuyến vận tải hàng hóa chính kết nối với các tuyến đường biển phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu trong khu vực. Tuyến vận tải hành khách: Phát triển các tuyến đường thủy nội địa trên sông Đồng Nai và tuyến sông nhánh phục vụ vận tải hành khách du lịch kết hợp phát triển không gian cảnh quan khu vực ven sông góp phần đưa thành phố Biên Hòa và tỉnh Đồng Nai trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, tạo ra cơ hội phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương.

Việc phát triển tuyến đường thủy nội địa trên sông Đồng Nai và sông nhánh sẽ tạo ra những tuyến du lịch mới, mang lại trải nghiệm độc đáo cho du khách. Việc có tuyến đường thủy nội địa phục vụ vận tải hành khách du lịch sẽ thuận tiện cho du khách khi di chuyển và khám phá thành phố Biên Hòa và các vùng lân cận. Ngoài ra, việc phát triển tuyến đường thủy còn tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch liên vùng, đồng thời tạo ra nhiều công việc mới trong ngành du lịch và vận tải thủy như: Dịch vụ vận tải hành khách, dịch vụ thuê du thuyền, dịch vụ ăn uống ven sông…

Giai đoạn đến năm 2030: Duy trì khai thác hạ tầng hàng hải tại Khu bến Long Bình Tân (gồm cảng Đồng Nai, cảng SCTGas-VN và cảng VT.Gas) trên sông Đồng Nai với chức năng là khu bến cảng biển vệ tinh, đầu mối gom hàng cho các cảng biển trong khu vực và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, có bến tổng hợp, container, hàng lỏng/khí. Tiếp nhận tải trọng cỡ tàu đến 5.000 tấn. Giai đoạn sau năm 2030: Di dời Khu bến Long Bình Tân.

Có thể thấy, hệ thống giao thông của thành phố Biên Hòa trong những năm gần đây đã được đầu tư xây dựng đồng bộ, có khả năng kết nối vùng trong phát triển kinh tế, thuận lợi trong giao thương giữa các địa phương với nhau. Nhiều công trình giao thông không những góp phần vào phát triển kinh tế cho Biên Hòa mà còn tạo cho thành phố này có những điểm nhấn mới về cảnh quan của một thành phố công nghiệp, năng động trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Nguyễn Dương

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/bien-hoa-dong-nai-dau-tu-phat-trien-giao-thong-dong-bo-theo-huong-van-minh-hien-dai-372584.html