'Biên giới là quê hương'...

Tình yêu, hạnh phúc đã giúp các anh chắc tay súng, vững tâm công tác, bảo vệ vững chắc từng tấc đất của Tổ quốc.

“…Chiều biên giới em ơi/Đôi ta cùng chiến hào/Gần nhau thêm bền chí/Giữ đất trời quê hương...”.

Những câu từ da diết trong bài thơ “Chiều biên giới” của nhà thơ Lò Ngân Sủn đã phần nào khắc họa tình yêu của người chiến sĩ biên phòng nơi “đầu nguồn con nước” Lào Cai. Hầu hết trong số đó là những người không sinh ra, lớn lên trên miền đất này nhưng đã ở lại, gắn bó lâu dài. Đồng hành với các anh, những người vợ - “hậu phương vững chắc” cũng chọn vùng đất biên giới là quê hương thứ hai của mình.

Đám cưới đặc biệt và lời hứa thiêng liêng

Buổi chiều cuối tuần mùa đông 21 năm trước, một rạp cưới nhỏ được dựng lên tại sân Đồn Biên phòng Si Ma Cai. Tấm phông phía trên sân khấu, dòng chữ cắt bằng tay nhưng rất khéo léo: “Chúc mừng hạnh phúc Đức Tám - Nguyễn Liễu”. Trong ngày trọng đại của cuộc đời, cô dâu không thể chọn cho mình chiếc váy cưới lộng lẫy mà chọn áo dài giản dị, chú rể không mặc vest lịch lãm mà là bộ quân phục nghiêm trang. Hoa cưới cũng chỉ là đám hoa dại bìa rừng.

Xen giữa tiếng nhạc vui phát ra từ chiếc đài cát-sét nhỏ là những tràng pháo tay không ngớt và những lời chúc phúc của cán bộ, chiến sĩ, người thân, người dân trong vùng. Chú rể là cán bộ Đồn Biên phòng Si Ma Cai - Nguyễn Đức Tám và cô dâu là giáo viên Trường Mầm non xã Si Ma Cai - Nguyễn Thị Liễu (nay là Trường Mầm non thị trấn Si Ma Cai) hạnh phúc ngập tràn trước tình cảm, sự quan tâm của mọi người. Tại lễ cưới, chỉ huy đơn vị đọc bài thơ “Chiều biên giới” thay lời chúc phúc cũng như nhắn gửi tới đôi vợ chồng trẻ…

Chọn biên giới là quê hương thứ 2, người lính quân y Nguyễn Đức Tám đã đồng hành, gắn bó và chăm lo sức khỏe cho bà con các dân tộc thiểu số.

Đôi vợ chồng trẻ ngày ấy nay đã ngoài 50 tuổi, tóc đã bạc, khuôn mặt nhiều nếp nhăn nhưng ký ức về lễ cưới ấm cúng, giản dị vẫn vẹn nguyên. Đó cũng là đám cưới duy nhất được tổ chức tại một đồn biên phòng trên miền biên viễn Lào Cai tính đến thời điểm hiện tại.

Gần 30 năm công tác tại Lào Cai, trong đó hơn nửa thời gian anh Nguyễn Đức Tám làm nhiệm vụ tại địa bàn biên giới huyện Si Ma Cai xa xôi. Rất nhiều kỷ niệm khắc sâu trong ký ức và một trong những câu chuyện anh nhắc đến là những ngày tháng vợ chồng anh chưa mua được xe máy, chủ yếu phải đi bộ khi làm nhiệm vụ. Đi bộ quen chân, anh đi nhanh, đi dẻo chẳng kém gì trai bản. Những buổi tuần tra, công tác địa bàn, anh cùng đồng đội men theo đường mòn, vách núi, vượt nhiều ngọn đồi đến những bản làng để vận động trẻ tới trường, vận động đồng bào khi bị bệnh thì phải ra đồn biên phòng, trạm y tế để được khám bệnh, uống thuốc. Anh cũng quá quen những bữa ăn với người dân chỉ là bát mèn mén, canh rau cải, quen với những trường hợp người dân ốm đau được cán bộ y tế của bộ đội cấp cứu kịp thời… Đáng nhớ nhất là trường hợp một người dân ở thôn Gia Khâu, xã Si Ma Cai bị thương ở chân trong quá trình lao động. Không được vệ sinh, sát trùng đúng cách nên bị nhiễm trùng khiến bệnh nhân sốt cao 3 ngày liền, vết thương đang có dấu hiệu hoại tử trong khi người nhà không đưa đi khám, chỉ mời thầy mo về nhà làm lễ cúng. Nhận tin báo lúc nửa đêm, anh Tám xách túi thuốc y tế vội vã lên đường. Sau khi sơ cứu, anh vận động người nhà cùng khiêng cáng đưa bệnh nhân lên Bệnh viện huyện Si Ma Cai điều trị.

Kinh tế không dư dả nhưng nhiều lần, vợ chồng anh Tám - chị Liễu vẫn trích một phần thu nhập để giúp các em nhỏ, cụ già trên địa bàn có thêm chiếc áo khoác, chăn ấm hoặc bao gạo. Năm 2007, anh Tám được cấp trên, chính quyền địa phương quan tâm, bố trí đất ở. Vợ chồng anh dựng một căn nhà nhỏ ngay trên miền núi đá Si Ma Cai. Anh kể: Trước khi xây nhà, vợ chồng đã tính chuyện chuyển chị Liễu về công tác ở quê nhà để thuận tiện chăm lo con nhỏ và cha mẹ già, nhưng rồi cả hai cùng quyết định gắn bó nơi biên cương…

Tình yêu biến “đất lạ hóa quê hương”

Một sáng sớm chớm đông năm 2013, chuyến tàu hỏa từ Hà Nội dừng bánh tại ga Lào Cai, từng đoàn khách lục tục bước ra sân ga. Trong đám đông ấy có anh chiến sĩ biên phòng quân phục chỉnh tề, vai đeo ba lô và dắt tay người vợ mới cưới trước khi đến điểm tiếp theo là Đồn Biên phòng Trịnh Tường (huyện Bát Xát)… Đó là Đại úy Nguyễn Văn Công (hiện là Đội trưởng Đội kiểm soát hành chính, Đồn Biên phòng Trịnh Tường) và vợ là chị Nguyễn Hồng Nhung.

Vợ chồng Đại úy Nguyễn Văn Công, Nguyễn Thị Nhung luôn lạc quan, vượt khó khăn dựng xây cuộc sống mới nơi biên giới.

Năm 2011, bước chân hăm hở, người lính biên phòng Nguyễn Văn Công quê ở tỉnh Phú Thọ lên nhận nhiệm vụ công tác tại biên giới huyện Bát Xát. Những lần về thăm nhà, anh đã gặp gỡ cô hướng dẫn viên du lịch làng bên, lời tỏ tình ngắn gọn, thẳng thắn, đậm chất bộ đội: “Em có đồng ý yêu bộ đội không, yêu lính là vất vả lắm đó” đã làm chị Nhung cảm động. Sau lễ cưới, thương chồng công tác xa xôi, chị quyết định nghỉ việc tại quê nhà để cùng anh đi xây dựng hạnh phúc tại miền biên giới. Buổi đầu ở miền đất lạ heo hút, khác với những gì tưởng tượng khiến chị thoáng buồn, nhưng cái nắm tay, ánh mắt động viên của chồng đã giúp chị thêm quyết tâm. Đôi vợ chồng trẻ thuê một căn phòng nhỏ gần đơn vị anh công tác, do yêu cầu nhiệm vụ, có khi cả tuần, cả tháng anh mới tranh thủ ghé qua nhà, chị vẫn luôn giúp chồng an tâm công tác, chăm sóc 2 con nhỏ ngoan ngoãn, khỏe mạnh.

Mới đây, anh Công được giao phụ trách địa bàn thôn Bản Lầu, xã Cốc Mỳ - địa bàn thuộc huyện Bát Xát, đại đa số là người Mông, một số hộ tham gia sinh hoạt tôn giáo. Nhận nhiệm vụ mới, anh thường xuyên thăm, nắm địa bàn, gia đình nào có công việc hoặc xích mích, mâu thuẫn, anh đều có mặt để động viên, giải tỏa. Anh còn tìm sách, báo tìm hiểu kiến thức để hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt hoặc đề nghị đơn vị hỗ trợ cây giống, con giống cho hộ nghèo… Là Đội trưởng Đội kiểm soát hành chính, anh đã tham mưu cho lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và tổ chức phối hợp tham gia cùng các tổ, đội làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát người, phương tiện ra, vào khu vực biên giới, đặc biệt là tăng cường phòng, chống xuất - nhập cảnh trái phép. Không kể giá rét, đêm hay ngày, anh cùng đồng đội vẫn kiên trì bám địa bàn, kịp thời ngăn chặn, xử lý nhiều vụ việc phát sinh. Có những lần trở về nhà thì trời gần sáng, thấy con nhỏ ngủ ngoan, người vợ tảo tần dậy sớm chuẩn bị hàng cho phiên chợ sớm, anh thêm động lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

9 năm sau ngày cưới, vợ chồng anh Công vẫn phải thuê nhà ở nhưng niềm hạnh phúc bên người vợ hiền, 2 con ngoan khiến người chiến sĩ ấm lòng mỗi khi lên đường công tác. Vừa qua, chị Nhung được nhận làm nhân viên tại Khu Di tích đền Mẫu, xã Trịnh Tường, có thêm thu nhập phần nào giúp vợ chồng trẻ vợi bớt khó khăn.

“Chiều biên giới em ơi/có nơi nào vui hơn”, tình yêu của người lính biên phòng vẫn luôn bình dị, lạc quan như thế. Tình yêu, hạnh phúc đã giúp các anh chắc tay súng, vững tâm công tác, bảo vệ vững chắc từng tấc đất của Tổ quốc.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/364138-bien-gioi-la-que-huong