Biển Đông: Mỹ ra chính sách lịch sử, giới chuyên gia báo động nguy cơ xung đột gia tăng

Lần đầu tiên Mỹ công khai phản đối các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông thông qua những tuyên bố đanh thép. Các chuyên gia cho rằng, khi hai siêu cường cùng 'căng', nguy cơ xung đột sẽ gia tăng tại vùng biển quan trọng này.

Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tập trận chung ở Biển Đông ngày 6/7. (Nguồn: Hải quân Mỹ)

Động thái chưa có tiền lệ

Một số báo dẫn lời giới quan sát cảnh báo rằng, nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ đang gia tăng, sau khi Washington thể hiện lập trường cứng rắn về vấn đề Biển Đông, đồng thời bác bỏ những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với các yêu sách tại vùng biển quan trọng này.

Trong một tuyên bố hôm 6/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng, Washington chính thức phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với cái được gọi là “đường 9 đoạn” vốn bao trùm phần lớn Biển Đông. Mặc dù Washington không có tuyên bố chủ quyền ở vùng biển tranh chấp này, song ông Pompeo nói rằng, Mỹ cũng bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với đá Vành Khăn và bãi Cỏ Mây, theo phán quyết của tòa trọng tài thường trực ở La Haye (Hà Lan) năm 2016.

Chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama từng phản đối các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh sau khi phán quyết năm 2016 được đưa ra, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh ngừng hoạt động cải tạo đất đá tại Bãi cạn Scarborough. Tuy nhiên, tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo là lần đầu tiên cho thấy Mỹ công khai phản đối các yêu sách của Trung Quốc ở vùng biển chiến lược này.

Ngày 13/7, trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Pompeo nói: "Chúng tôi tuyên bố rõ rằng: Các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với các tài nguyên ở ngoài khơi trên hầu khắp Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, trong bối cảnh nước này đang thực thi chiến dịch hăm dọa nhằm kiểm soát các nguồn tài nguyên này".

GS Rory Medcalf, Hiệu trưởng Trường An ninh quốc gia, Đại học Quốc gia Australia cho rằng, Tuyên bố ngày 13/7 của Mỹ mang tính lịch sử và là động thái có tác động lớn đến tình hình Biển Đông. Cụ thể hơn, Washington thể hiện rõ quan điểm đứng về phía các bên yêu sách ở Đông Nam Á về Biển Đông.

Trong tuyên bố của mình, Ngoại trưởng Pompeo nói rằng Mỹ “ủng hộ các đồng minh và đối tác Đông Nam Á trong việc bảo vệ các quyền chủ quyền của họ ở đối với nguồn tài nguyên ở ngoài khơi”, một phát biểu mà chuyên gia Chen cho rằng đã chọc giận Bắc Kinh. Chuyên gia này nói: “Mặc dù Trung Quốc đang đề cập về đối thoại và hợp tác, song những tranh chấp về việc khai thác tài nguyên vẫn sâu sắc và tiếp tục căng thẳng. Nếu những tranh chấp này leo thang thành xung đột, thì Mỹ có thể được dịp vào cuộc”.

“Thách thức đặt ra lúc này sẽ là Mỹ làm sao chứng minh quyết tâm bằng hành động và sự hiện diện. Hiện tại, Mỹ đang chứng tỏ sự hiện diện khi điều động 2 nhóm tác chiến tàu sân bay mới đây tập trận ở Biển Đông. Nhưng vấn đề đặt ra là liệu Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện ở mức độ cao tại Biển Đông trong thời gian tới? Nhưng dù gì đi nữa, tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo vẫn mang giá trị của một khoảnh khắc lịch sử”, GS. Rory Medcalf đánh giá.

Nguy cơ xung đột hiện hữu

Phân tích về phản ứng từ phía Bắc Kinh, ông Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu tại trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore, nói rằng, Bắc Kinh có thể tăng cường các biện pháp thách thức các hoạt động quân sự của Mỹ ở vùng biển tranh chấp này. Ông Koh cảnh báo: “Điều này có thể làm gia tăng nguy cơ xảy ra các sự cố ở Biển Đông, có thể làm gia tăng căng thẳng và làm nóng tình hình”.

Trong một phân tích công bố hôm 14/7, cơ quan nghiên cứu Eurasia Group cho rằng, nguy cơ xảy ra một sự cố ở Biển Đông dẫn đến một cuộc đối đầu lớn hơn đã gia tăng, “leo thang căng thẳng sẽ trở nên phức tạp hơn do mối quan hệ xấu đi”.

Phân tích này cũng cho rằng, nhiều khả năng Trung Quốc có thể tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông “nhằm buộc các máy bay quân sự và thương mại quốc tế thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc”.

Zheng Yongnian, Giám đốc Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận định: “Mỹ và Trung Quốc không muốn xảy ra một cuộc xung đột hoặc một cuộc chiến công khai về vấn đề này, nhưng rắc rối ở đây là xung đột đang hiện hữu. Nếu không có sự liên lạc hiệu quả giữa các lãnh đạo về vấn đề này thì tình hình sẽ dễ dàng vượt ra ngoài tầm kiểm soát”.

Ông Greg Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á ở Washington, cho rằng, quan điểm của Mỹ đánh dấu lần đầu tiên nước này công khai công nhận nội dung cốt lõi của phán quyết của tòa trọng tài đồng thời tuyên bố bác bỏ các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo ông Poling, điều này sẽ giúp các nước khác mạnh dạn hơn khi lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc.

Thu Hiền

(theo SCMP, Bloomberg)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bien-dong-my-ra-chinh-sach-lich-su-gioi-chuyen-gia-bao-dong-nguy-co-xung-dot-gia-tang-119438.html