Biến động lớn khi liên minh AUKUS sắp chào đón thêm Nhật Bản?

Thỏa thuận quan hệ đối tác 3 bên Mỹ-Anh-Úc, viết tắt là AUKUS dự định chào đón Nhật Bản vào trụ cột thứ 2 của liên minh đối tác.

Mỹ thúc đẩy đưa Nhật Bản vào nhóm liên minh AUKUS.

Tờ Financial Times đưa tin, Mỹ đang thúc đẩy việc đưa Nhật Bản vào Trụ cột II của thỏa thuận AUKUS.

Trụ cột II liên quan đến việc chia sẻ một loạt công nghệ, bao gồm robot dưới nước, điện tử lượng tử, an ninh mạng và khả năng tác chiến điện tử, vũ khí siêu thanh và các biện pháp phòng thủ chống lại chúng.

Các bộ trưởng quốc phòng của Mỹ, Anh và Úc dự kiến sẽ đưa ra tuyên bố vào ngày 8/4 liên quan đến các vòng đàm phán về các thành viên mới tham gia hiệp ước an ninh.

Các nguồn quen thuộc với cuộc họp cho biết các cuộc đàm phán sẽ tập trung vào Trụ cột II phi hạt nhân của thỏa thuận an ninh ba bên. Họ nói thêm rằng việc mở rộng Trụ cột I chưa được bàn đến.

Tuyên bố này được đưa ra trước cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Nhà Trắng vào ngày 10/4.

Hai bên dự kiến sẽ công bố hợp tác quân sự chặt chẽ hơn khi thủ tướng Nhật Bản thúc đẩy việc xây dựng quốc phòng quy mô lớn.

Đại sứ Mỹ tại Tokyo Rahm Emanuel đã viết trên tờ Wall Street Journal cuối tuần trước rằng, Nhật Bản "sắp trở thành đối tác Trụ cột II bổ sung đầu tiên" trong AUKUS.

Một báo cáo của Politico vào tháng 3 dẫn lời các nhà ngoại giao nói rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang "rất nỗ lực để hoàn thành một số việc liên quan đến Trụ cột II của AUKUS gấp rút, trước cuộc bầu cử Mỹ diễn ra vào tháng 11".

Sự vội vàng được thúc đẩy bởi lo ngại rằng nếu cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng, ông có thể quyết định hủy bỏ Trụ cột II hoặc hủy bỏ thỏa thuận AUKUS.

Dẫu vậy, việc đưa Nhật Bản vào bước đệm cho trở thành thành viên chính thức vẫn cần sự chấp thuận của 2 đồng minh.

Cả Úc và Anh đều được cho là đã thuận trước ý tưởng mời Nhật Bản gia nhập AUKUS. Báo cáo cho biết, trong tình hình hiện tại, hiệp ước hợp tác an ninh ba bên đang phải đối mặt với những vấn đề phức tạp cần được giải quyết.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Kurt Campbell thừa nhận rằng phía Hoa Kỳ đang nhận thấy “thách thức trong việc tam phương hóa" một số hoạt động phát triển và hợp tác sản xuất với Anh và Úc.

Canberra và London trước đây cũng nêu quan ngại về việc Tokyo thiếu hệ thống an ninh để bảo vệ thông tin có độ nhạy cảm cao.

“Nhật Bản đã thực hiện một số bước đi đó, nhưng không phải tất cả,” ông Campbell nói.

Đối với Australia, nước này coi chương trình tàu ngầm hạt nhân là ưu tiên hàng đầu trước khi mở rộng Trụ cột II, một người trong cuộc cho biết.

Được công bố vào ngày 15 tháng 9 năm 2021, mối quan hệ đối tác ba bên AUKUS giữa Mỹ, Vương quốc Anh và Australia hứa hẹn sẽ tăng cường sức mạnh cho hạm đội Australia bằng các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và tăng cường hợp tác quốc phòng giữa các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo Sputnik Globe

Đông Phong

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bien-dong-lon-khi-lien-minh-aukus-sap-chao-don-them-nhat-ban-post678489.html