Biển Đông “dậy sóng” ở Hội nghị ASEAN

Xế chiều 10.5, chuyên cơ chở Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Cấp cao ASEAN hạ cánh xuống sân bay ở thủ đô Nay Pyi Taw, Myanmar. Chỉ trong hơn 24 giờ, lịch trình hoạt động dày đặc của đoàn Việt Nam đã đem đến kết quả vượt ngoài mong đợi. Tinh thần, khí thế kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam đã gây được dấu ấn sâu đậm tại hội nghị với bài phát biểu mạnh mẽ và ấn tượng của Thủ tướng.

Myanmar tăng cường an ninh phục vụ Hội nghị Cấp cao ASEAN.

Dòng sự kiện Phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào vùng biển Việt Nam

Biển Đông, giàn khoan Trung Quốc chi phối tác nghiệp

Không ngoài dự đoán, chưa bao giờ tình hình Biển Đông lại "nóng" tại Hội nghị ASEAN như thế. Trước khi những diễn biến mới ở Biển Đông chưa xảy ra, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 được cho là có nội dung chính tập trung vào việc xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và tầm nhìn của cộng đồng sau năm 2015.

Tuy nhiên, với việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương - 981 hạ đặt trái phép tại khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chương trình nghị sự của Hội nghị ASEAN đặt trọng tâm ưu tiên vào tình hình căng thẳng trên Biển Đông.

Câu đầu tiên mà đồng nghiệp báo chí ASEAN và quốc tế có mặt tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Myanmar hỏi phóng viên Việt Nam là: Trung Quốc đưa bao nhiêu tàu và máy bay, Việt Nam có những phản ứng gì...

Đoàn báo chí Việt Nam tháp tùng Thủ tướng đến Myanmar tác nghiệp 1 ngày sau khi Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) ra một tuyên bố riêng lịch sử, đề cập trực tiếp đến Biển Đông. Không ngạc nhiên khi nhà báo Jun Kobayashi - Trưởng đại diện Đài NHK của Nhật Bản tại Yangon, Myanmar - nói, đây là một bước tiến "đáng ngạc nhiên", bởi ASEAN đã vượt qua được những bất đồng để thể hiện tiếng nói chung một cách vững chắc, thể hiện sự đồng thuận và thống nhất khi đề cập đến vấn đề nóng nhất trong khu vực hiện nay.

Ông Kobayashi cho rằng, việc Trung Quốc tuyên bố "vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN" là điều bình thường, "bởi người ta đã quá quen với cách phản ứng như vậy".

Khi được hỏi, người dân Nhật Bản có quan tâm đến diễn biến trên Biển Đông hay không, ông đáp: "Ồ có chứ. Không chỉ những diễn biến, mà người dân nước tôi còn quan tâm đến những đối sách của Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung trong việc đối phó Trung Quốc. Dù gì thì chúng tôi cũng đang vướng vào căng thẳng tương tự với Trung Quốc trên biển Hoa Đông".

Phóng viên tác nghiệp tại trung tâm báo chí.

Giống như nhiều hội nghị cấp cao khác, việc tiếp cận các nhà lãnh đạo là rất khó khăn. Cách chính thức là đặt hẹn qua phòng liên lạc của trung tâm báo chí. Không có mẫu sẵn, mà đề nghị phỏng vấn được viết tay, với câu hỏi sẵn có, sau đó chuyển cho nhân viên liên lạc để họ sắp xếp lịch.

Các nhân vật được báo chí săn đón nhất là Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh, ngoại trưởng các nước Philippines, Indonesia và Singapore. Hơn nửa ngày trôi qua, nhưng những thông tin mà báo chí nhận được là không và không. Chỉ còn cách "rình" trước cửa các phòng họp, chờ giải lao, hoặc khi kết thúc mỗi phiên họp, các đoàn di chuyển sang nơi khác.

Ngoài việc phải đối phó với lực lượng an ninh mặt lạnh như tiền, phóng viên ASEAN còn phải cạnh tranh với những phóng viên to con của các hãng phương Tây. Nhưng vấn đề là, khi tiếp cận được một quan chức cấp cao nào đó, câu trả lời phóng viên nhận được lại là một lời xin lỗi vô cùng lịch sự, kèm theo cái lắc đầu: Chúng tôi đang rất vội!

Vậy là, cánh phóng viên quay sang... phỏng vấn lẫn nhau. Dường như ở góc độ của mình, họ dễ dàng bày tỏ quan điểm hơn. Anh Aung Thu Ra - phóng viên chính tờ 7 Day News, Myanmar - ấn tượng với bài phát biểu "khúc chiết, mạch lạc và kiên quyết" của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nói về việc Trung Quốc phản ứng trước Tuyên bố của AMM, anh khẳng định, điều đó cũng không cản trở được sự thành công của hội nghị.

"Rồi bạn xem, với tư cách là nước chủ nhà, Myanmar có thể điều phối và giải quyết được vấn đề này". Trong cuộc trò chuyện, Thu Ra cho biết, Trung Quốc có ảnh hưởng đến Myanmar về kinh tế và quân sự (mặc dù nhiều người dân Myanmar không mong muốn), nhưng anh không ngần ngại "bảo vệ những gì đúng đắn". "Trung Quốc phải rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam. Đó không chỉ là lời kêu gọi của chúng tôi, mà tôi nghĩ rằng đó là lời thúc giục khẩn thiết của cả khu vực và thế giới" - Thu Ra chia sẻ.

Từ ngoại giao nhân dân đến ngoại giao nhà báo

Đoàn nhà báo tháp tùng Thủ tướng được tạo điều kiện tối đa để tác nghiệp. Những cuộc họp, trao đổi chớp nhoáng diễn ra mọi lúc, mọi nơi, kể cả lúc nửa đêm. Trước khi lên đường, anh em cũng vô cùng trăn trở và không kém phần lo lắng. Lo lắng làm thế nào để truyền tin về nhà nhanh nhất, chính xác nhất. Trăn trở là làm thế nào trong khuôn khổ của mình, có thể trình bày và thuyết phục bạn bè đồng nghiệp quốc tế, để họ thật sự hiểu những gì diễn ra trên thực địa Biển Đông.

Do thời gian chuẩn bị và thời gian tại Myanmar không có nhiều, nhóm báo chí quyết định in sẵn những thông tin cơ bản nhất bằng tiếng Anh, trong đó tập trung vào dữ liệu được Bộ Ngoại giao cung cấp trong cuộc họp báo quốc tế phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan hôm 7.5 vừa qua. Một phóng viên Reuters gật gù: "Đúng là những thông tin này chúng tôi có biết, nhưng không đầy đủ như vậy. Cảm ơn các bạn" - ông vừa nói vừa lấy máy ảnh chụp lại tờ in, để "vừa có bản cứng, vừa có bản mềm".

Còn anh nhà báo trẻ Zayyar Nanda - biên tập viên chính đến từ Eleven Media Group của Myanmar - hào hứng cho biết, tài liệu này thực sự hữu ích, bởi vấn đề Biển Đông vô cùng nóng trong thời gian gần đây. "Để biết được bản chất của sự việc, chúng tôi cần nghe nhiều phía, nhất là từ phía Việt Nam. Với tư cách là nước chủ nhà, báo chí Myanmar nói riêng và đất nước Myanmar nói chung muốn góp một tiếng nói tích cực, chung tay giải quyết căng thẳng trên Biển Đông, đặc biệt là việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại Việt Nam. Hòa bình là tối quan trọng mà" - Nanda nói.

Ngay trong ngày diễn ra hội nghị, hàng loạt các hãng thông tấn trên thế giới, báo chí ASEAN đã chạy những hàng tít lớn về tuyên bố của Việt Nam. Hãng tin Reuters có bài "Thủ tướng Việt Nam: Trung Quốc hành động nguy hiểm", tờ Wall Street Journal viết: "Thủ tướng Việt Nam chỉ trích Trung Quốc về giàn khoan dầu", tờ Manila Standard Today có bài "ASEAN cảnh báo hành động khiêu khích trên biển"...

Cảm nhận Nay Pyi Taw

Dù chỉ hơn 24 giờ có mặt ở thủ đô của Myanmar, Nay Pyi Taw vẫn để lại những ấn tượng ban đầu khó quên. Nay Pyi Taw đón và tiễn đoàn bằng những cơn mưa đầu hạ, làm dịu cái nóng oi nồng và mức nhiệt xấp xỉ 400C thường thấy ở đất nước này. Sân bay Nay Pyi Taw không rộng nhưng khá thoáng mát, nằm trên khoảng không gian xanh mướt của cây cỏ. Nay Pyi Taw giống như một khu nghỉ dưỡng hơn là thủ đô.

Quãng đường chừng 10km từ sân bay về trung tâm hầu như không có người ở. Hai bên đường, bên cạnh những khu đất bỏ không là màu đỏ rực của hoa phượng, gợi nhớ đến mùa hè quê hương. Chỉ khác rằng, phượng ở đây thấp, nhỏ, ít lá, mà đã ra hoa rực rỡ.

Năm 2014, Myanmar đảm nhiệm Chủ tịch luân phiên ASEAN, với hàng trăm hội nghị quốc tế lớn nhỏ diễn ra ở Nay Pyi Taw. Để đảm bảo nơi ăn nghỉ cho nguyên thủ và lãnh đạo các quốc gia tham dự Hội nghị ASEAN, Myanmar xây mới 9 khách sạn cao cấp dành riêng cho mỗi nước.

Đường phố Nay Pyi Taw trang hoàng chào đón Hội nghị Cấp cao ASEAN.

Các khách sạn này đã được đưa vào sử dụng từ đầu năm nay. Cả thành phố có tới 73 khách sạn lớn nhỏ, hơn một nửa là từ 3 sao trở lên. Nay Pyi Taw theo tiếng Myanmar có nghĩa là "ngai vàng của các vị vua". Cách đây 7 năm, chính xác là vào ngày 6.11.2006, lúc 6h37, giờ hoàng đạo theo tính toán của các nhà chiêm tinh, chính quyền quân sự cũ đã di dời thủ đô từ Yangoon về Nay Pyi Taw. Theo ước tính của một chuyên gia kinh tế, chi phí để xây dựng thành phố mới tốn khoảng 3 - 4 tỉ USD.

Năm 2011, Nay Pyi Taw được xem là một trong mười thành phố phát triển nhanh nhất trên thế giới. Hệ thống đường sá rộng thênh thang, chủ yếu bằng bêtông, do được xây dựng trong thời gian bị cấm vận nên không có nhựa đường. Đường sá ở đây là niềm mơ ước của nhiều quốc gia Đông Nam Á, những nơi đang vật lộn với vấn nạn kẹt xe, tắc đường. Với tốc độ phát triển như ngày nay, cộng với sự mở cửa cải cách, đón đầu tư của Myanmar, ai đảm bảo rằng, sau 5-7 năm nữa, Nay Pyi Taw vẫn "miễn dịch" với nạn tắc đường?

Cơ sở hạ tầng của Myanmar cũng đang tốt dần lên. Cả hai nơi gắn bó với đoàn nhà báo Việt Nam là Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Nay Pyi Taw - vừa được khánh thành vào ngày Quốc khánh Myanmar 4.1, và khách sạn The Lake Garden, Internet đều chạy với tốc độ đáng ngạc nhiên.

Trước khi lên đường đi Myanmar, không ít người trong đoàn không khỏi lo lắng với tốc độ Internet "rùa bò" phổ biến ở Myanmar, bởi hầu hết anh em báo chí đưa tin về SEA Games năm ngoái đều kêu trời. Có lẽ, để phục vụ Hội nghị Cấp cao ASEAN mà Internet tại những nơi này được đầu tư hơn chăng? Âu cũng là một dấu hiệu tốt để Myanmar tiếp tục tiến nhanh hơn nữa trong con đường tương lai phía trước.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phong-su/bien-dong-day-song-o-hoi-nghi-asean-200353.bld