Biến đồ phế thải thành tác phẩm nghệ thuật

Ba tháng nay, một nhóm những bạn trẻ tài năng và nhiệt huyết đến từ các trường THPT của Hà Nội hào hứng thực dự án “Ngước”, trình biến đồ phế thải thành tác phẩm nghệ thuật. Thành quả của dự án đã được giới thiệu với công chúng tại triển lãm "1980s" diễn ra tại rạp Công nhân (42 Tràng Tiền, Hà Nội) vào ngày 1 và 2-10, đem lại cách tiếp cận mới mẻ về vạn vật và lan tỏa phong cách sống đẹp tới mọi người

.

Dự án sáng tạo

Ý tưởng khởi đầu từ 5 bạn học sinh lớp 11, vốn đã cùng nhau tham gia nhiều hoạt động cộng đồng và muốn thực hiện một dự án vừa phát huy sáng tạo, kết hợp với truyền thông về môi trường của riêng mình. Cái tên “Ngước” ra đời, như các bạn trẻ cho rằng, muốn tạo cách nhìn mới về vạn vật - những đồ phế thải, tưởng như bỏ đi cũng có thể mang lại vẻ đẹp lạ lùng.

Trưởng nhóm Nguyễn Phan Thùy Linh sáng tạo những tác phẩm làm từ phế liệu.

Tham gia dự án có hàng trăm bạn trẻ đã hào hứng đồng hành. Không chỉ là những học sinh từ các trường THPT ở Hà Nội, nhiều sinh viên và người đã đi làm cũng muốn góp phần cho dự án ý nghĩa này. Nguyễn Phan Thùy Linh, Trưởng nhóm dự án đề cập: “Rác thải có mối nguy cơ cao chỉ khi con người không quan tâm đến công tác quản lý, thu gom và xử lý. Bản thân em thấy ở nước ta việc phân loại rác để tái sử dụng chưa trở thành thói quen trong cộng đồng. Chúng em không chỉ đi thu gom phế phẩm trong chốc lát và muốn đưa chúng thành vật có ích, có tính thẩm mỹ cao bằng cách tái chế thành tác phẩm nghệ thuật”.

Hơn 100 bạn trẻ đã có những ngày đi khắp các ngõ phố Thủ đô, về các làng quê để thu gom phế liệu. Những gương mặt tươi sáng, đầy nhiệt huyết trình bày về ý tưởng của mình, trò chuyện với từng gia đình, khiến không ít người rộng mở cửa để mang những thứ đồ ít dùng hoặc định bỏ đi cho các bạn. Đồ thu được nhiều nhất là bìa, giấy vụn, báo, chai, lọ, lon bia, hộp nhựa, hộp sữa, len, chỉ, quần áo, đồ chơi trẻ em...

Theo các bạn trẻ, vui nhất là lúc sáng tạo những đồ phế thải đó thành tác phẩm. Họ được ở bên nhau, truyền ý tưởng, bàn bạc, thiết kế và hướng dẫn nhau làm việc. Đào Hương Ly, học sinh lớp 11, Trường THPT Thăng Long cho biết: “Đó là một khoảng thời gian có ý nghĩa của em khi học được những kỹ năng mới, được kết bạn với những người nhiệt huyết. Mỗi khi thấy những vật dụng bỏ đi em lại muốn lấy lại, biến nó thành một thứ gì đó thật đẹp”.

Thêm cách hiểu về lịch sử

Trưởng nhóm Thùy Linh cho biết thêm, chính những tháng ngày đi thu gom phế liệu, họ gặp những bức thư tay, những đồ chơi trẻ em khá lạ nên rất tò mò. “Hơn nữa, em hay nghe bố mẹ so sánh “ngày xưa” thế này, “thời bao cấp” thế kia, để chỉ bảo chúng em. Tuổi trẻ thì cái gì không biết đều muốn tìm hiểu” - Trưởng nhóm chia sẻ.

Đó cũng là lý do vì sao hầu hết các thành viên trong nhóm đều ở độ tuổi 15-30, không trải qua thời bao cấp, lại mạnh dạn bước vào chính chủ đề này. Vì thế, sản phẩm của họ không phải y nguyên một chiếc ca, một cái phích, một chiếc tivi hay xe đạp… thời đó, mà là những tác phẩm nghệ thuật liên tưởng. Đó là chiếc đèn ông sao có khung bằng ống hút độn giấy, sử dụng giấy báo sơn phủ màu bên ngoài; là câu đối xinh xắn tự cắt, tự viết; là chiếc mặt nạ giấy bồi ngộ nghĩnh; quyển sổ tay từ giấy trắng còn sót lại trong những tập vở được khéo léo đóng khung, vẽ bìa… Các bạn trẻ chỉ phải mua sơn màu và keo, còn tất cả đều tận dụng từ những thứ có sẵn. Vì muốn giới thiệu những tác phẩm này đến nhiều người nên nhóm “Ngước” tổ chức triển lãm “1980s”.

Không gian triển lãm có 3 khu vực trưng bày. Đầu tiên là khu “Tuổi thơ đâu đây” gồm có 5 tác phẩm lớn gồm xe đạp cũ, xích lô được trang trí nhiều chi tiết xung quanh, rồi máy bay giấy... Khu thứ 2 được bố trí như quầy bán hàng mậu dịch, có những sản phẩm nghệ thuật nhỏ hơn như câu đối đỏ, tranh, chậu cây cảnh, đèn ông sao, chong chóng, quạt con cóc bằng vỏ lon, lọ hoa… Khu thứ ba dành cho người tham gia trải nghiệm trò chơi thời bao cấp như ô ăn quan, chuyền được vẽ trên giấy bìa, làm bằng ống hút, nắp chai…

“Có người chia sẻ thời bao cấp thật vui, ý nghĩa, có người lại nói thời đó khổ, thiếu thốn. Nhưng tất cả đều cho đó là kỷ niệm và ký ức không thể nào quên. Vì thế, chúng em mong sẽ mang đến thế kỷ XXI này một không gian xưa, đưa người lớn tuổi trở về tuổi thơ, còn người trẻ thì tìm hiểu về một thời kỳ. Tại triển lãm, có khoảng 300 sản phẩm khác nhau được bán trực tiếp để sau đó, “Ngước” sẽ đến với Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 (Hà Nội) giao lưu với các em nhỏ, tặng quần áo, tiền bán sản phẩm và các đồ vật tái chế” - Trưởng nhóm Thùy Linh giới thiệu.

Dự án "Ngước" là một điểm sáng hoạt động xã hội trong cộng đồng người trẻ Thủ đô. Từ đây, bất cứ ai khi nhìn vào những vật dụng tưởng như bỏ đi cũng muốn biến chúng thành vật phẩm có ý nghĩa. Mục đích sâu xa của các các bạn trẻ trong nhóm là truyền cảm hứng sáng tạo và lan tỏa lối sống đẹp, có ý thức tận dụng đồ phế thải, bảo vệ môi trường.

Yên Nga

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Gioi-tre/850294/bien-do-phe-thai-thanh-tac-pham-nghe-thuat