Biển Đỏ: Không đồng hành với Mỹ, Đức và các đối tác trong EU chọn lối riêng? Tây Ban Nha tỏ lập trường

Ngày 28/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho biết, nước này và các đối tác thuộc EU đang cân nhắc triển khai một sứ mệnh hàng hải mới để bảo vệ các tàu thương mại trước mối đe dọa an ninh ở Biển Đỏ.

EU muốn triển khai sứ mệnh hàng hải mới để bảo vệ tàu thuyền qua Biển Đỏ. (Ảnh minh họa. Nguồn: CPS Fuel)

EU muốn triển khai sứ mệnh hàng hải mới để bảo vệ tàu thuyền qua Biển Đỏ. (Ảnh minh họa. Nguồn: CPS Fuel)

Người phát ngôn trên nêu rõ, chính phủ Đức sẵn sàng tham gia sứ mệnh này và điều quan trọng là EU cần hành động nhanh chóng trước những cuộc tấn công đang diễn ra. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại chưa có quyết định nào được đưa ra.

Theo quan chức ngoại giao Đức, tại Brussels (Bỉ), EU đã tiến hành cuộc thảo luận về việc mở rộng sứ mệnh chống cướp biển Atalanta sang Biển Đỏ, nhưng chưa có quyết định chính thức.

Lực lượng hải quân chống cướp biển của EU mang tên Atalanta, thành lập năm 2008, hiện đang hoạt động tại Ấn Độ Dương với sự tham gia của 1 tàu hải quân Tây Ban Nha.

Tây Ban Nha tiếp quản quyền chỉ huy sứ mệnh trên biển của EU từ Anh năm 2019, khi London chuẩn bị rời khỏi EU. Trụ sở hoạt động của Atalanta cũng được chuyển đến căn cứ hải quân Rota ở miền Nam Tây Ban Nha.

Ngày 27/12, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết, nước này phản đối triển khai Atalanta tham gia liên minh an ninh do Mỹ dẫn đầu để bảo vệ hoạt động vận tải biển trước các vụ tấn công của lực lượng Houthi ở Biển Đỏ.

Ông Sanchez cho biết, lực lượng Atalanta không có "những đặc tính" cần thiết để tiến hành tuần tra ngăn chặn các cuộc tấn công của lực lượng Houthi trên Biển Đỏ. Tuy nhiên, ông Sanchez khẳng định chính phủ của ông sẵn sàng ủng hộ EU thành lập một lực lượng khác nhằm giải quyết vấn đề trên.

Biển Đỏ nối với Địa Trung Hải qua kênh đào Suez, hình thành tuyến vận tải biển ngắn nhất kết nối châu Âu và châu Á.

Kể từ khi xung đột giữa phong trào Hồi giáo Hamas và Israel bùng phát ngày 7/10, lực lượng Houthi ở Yemen đã tiến hành một số vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào Israel cũng như các tàu thương mại hướng đến nước này đi qua Biển Đỏ.

Lực lượng này tuyên bố sẽ tiếp tục hoạt động tấn công cho đến khi Israel ngừng chiến dịch quân sự tại Dải Gaza và cho phép phân phối hàng cứu trợ tới dân thường Palestine tại vùng lãnh thổ này.

Mỹ đã thành lập một liên minh an ninh và phát động chiến dịch "Người bảo vệ thịnh vượng" nhằm bảo đảm an toàn cho hoạt động vận tải hàng hóa trên Biển Đỏ. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, có khoảng 20 nước tham gia liên minh, gồm Bahrain, Canada, Pháp, Italy, Hà Lan, Na Uy, Seychelles, Tây Ban Nha, Anh, Hy Lạp, Australia và một số quốc gia khác.

Tuy nhiên, Tây Ban Nha, Italy và Pháp đã phủ nhận việc tham gia liên minh, đồng thời khẳng định cam kết hoạt động dưới sự chỉ huy của các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay EU.

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bien-do-khong-dong-hanh-voi-my-duc-va-cac-doi-tac-trong-eu-chon-loi-rieng-tay-ban-nha-to-lap-truong-255540.html