Biến đầu lọc thuốc lá thành nhiên liệu sinh học

Trang Interesting Engineering cho biết một nhóm nhà nghiên cứu của Đại học Công nghệ Kaunas (KTU) cùng Viện Năng lượng Lithuania (LEI) đã tìm ra cách tái chế đầu lọc thuốc lá để tạo ra diesel sinh học.

Trong bối cảnh con người nỗ lực ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu bằng cách tìm kiếm các giải pháp thay thế nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm, diesel sinh học nổi lên như nhiên liệu đầy hứa hẹn. Nhiên liệu này có nguồn gốc từ dầu thực vật hoặc mỡ động vật nên sở hữu đặc tính phân hủy sinh học, đặc biệt phân hủy nhanh hơn diesel thông thường đến 4 lần và không độc hại.

Nhưng chi phí sản xuất còn khá cao cộng thêm nguồn sinh khối cần cho sản xuất có thể gây ô nhiễm khiến diesel sinh học chưa được sử dụng rộng rãi. Nhằm giải quyết loạt thách thức hiện tại, nhóm nhà nghiên cứu của KUT cùng LEI tìm cách tái chế đầu lọc thuốc lá. Trưởng nhóm Samy Yousef giải thích: “Triacetin - hợp chất quan trọng cho sản xuất diesel sinh học - có rất nhiều trong đầu lọc”.

Đầu lọc thuốc lá là nguồn rác thải số lượng lớn nhưng có tiềm năng được sử dụng cho sản xuất diesel sinh học - Ảnh: Interesting Engineering

Nhóm chiết xuất thành công các thành phần giá trị thông qua loạt thí nghiệm nhiệt phân ở nhiệt độ khác nhau. Từ đầu lọc họ thu về than, khí cùng dầu rất giàu triacetin.

Than nếu được làm giàu với canxi sẽ có tiềm năng dùng cho phân bón, xử lý nước thải hay lưu trữ năng lượng. Khí có thể là nguồn năng lượng phát điện bền vững. Còn triacetin chắc chắn được dùng trong quy trình sản xuất diesel sinh học.

Với hơn 6,5 nghìn tỉ điếu thuốc lá được hút trên toàn thế giới mỗi năm, lượng đầu lọc khổng lồ là vấn đề lớn nhưng cũng đem lại cơ hội. Phương pháp tái chế của nhóm KTU - LEI cung cấp giải pháp tái chế số chất thải này đồng thời khiến diesel sinh học giảm chi phí và bền vững hơn.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/bien-dau-loc-thuoc-la-thanh-nhien-lieu-sinh-hoc-212490.html