Biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng: Múa ở TPHCM cần được quan tâm nhiều hơn

Biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng (ảnh), phụ trách Đoàn múa Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM (HBSO) đã dàn dựng và biểu diễn thành công nhiều vở múa đương đại, ballet, dân gian đương đại đặc sắc. Gắn bó với nghề 33 năm, bên cạnh nỗ lực sáng tạo nghệ thuật, anh còn truyền lửa và tạo điều kiện hỗ trợ để các tài năng trẻ phát huy thực lực. Nhân dịp cuối năm, biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng đã chia sẻ với phóng viên Báo SGGP những tâm tư và khát vọng với nghề.

* PHÓNG VIÊN: Kịch múa Hoàng hôn vừa được trao giải A của Hội Nghệ sĩ múa TPHCM, anh kỳ vọng gì ở vở diễn trong hành trình chinh phục khán giả?

* Biên đạo múa NGUYỄN PHÚC HÙNG: Tôi rất vui và hạnh phúc! Trong năm nay, vở múa cũng đã vinh dự nhận giải A giải thưởng của TPHCM về sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí với chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021-2025”.

Tác phẩm ra đời tại trại sáng tác Hội Nghệ sĩ múa TPHCM năm 2022, nguyên bản dàn dựng dưới 10 phút; sau 3 tháng tập luyện, chúng tôi đã hoàn thiện thành vở diễn 60 phút. Thành công mà vở diễn có được chính là nhờ sự chú trọng đầu tư ý tưởng, cách dàn dựng mới mẻ, thể hiện câu chuyện bằng ngôn ngữ hành động, khai thác chiều sâu tâm lý, tình cảm con người trong tác phẩm, giúp vở diễn chạm đến cảm xúc người xem.

Tôi rất mong vở kịch múa sẽ có nhiều cơ hội biểu diễn vào dịp lễ kỷ niệm, đến các trường học, tiếp cận và phục vụ sinh viên, qua đó đưa câu chuyện về tình yêu quê hương đất nước, câu chuyện của lịch sử đến với giới trẻ. Một câu chuyện lịch sử kể bằng ngôn ngữ hình thể, giàu cảm xúc nghệ thuật giúp các bạn trẻ dễ cảm thụ.

Diễn viên múa Việt Nam rất giỏi, nhưng vẫn bị câu chuyện cơ chế và sân chơi bó buộc, thiếu sân chơi sẽ thiếu sự tôi luyện, cọ xát để nghệ sĩ rèn luyện, phát huy mạnh mẽ hơn sức sáng tạo, trình độ, kỹ thuật và tài năng nghệ thuật

Biên đạo múa NGUYỄN PHÚC HÙNG

* Với 33 năm kinh nghiệm trong nghề, anh có nhận định gì về đội ngũ diễn viên múa ở TPHCM hiện nay?

* Khoảng chục năm trở lại đây, khi nói về độ tinh tế, biểu diễn múa để người xem say đắm, thì lực lượng nghệ sĩ múa cùng các tác phẩm đã thể hiện được sức mạnh nội tại. Các vở diễn được đầu tư chỉn chu. Bên cạnh đó, nhiều công ty tư nhân hoạt động rất tích cực, phát huy sáng tạo, cho ra đời nhiều tác phẩm hay, giúp tăng thêm độ cọ xát giữa các biên đạo, diễn viên múa để cùng giúp nhau trưởng thành, phát triển.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 kéo dài 2 năm cũng ảnh hưởng rất lớn đến tư duy của nhiều bạn trẻ, không ít bạn định hướng lại suy nghĩ làm nghề. Sau dịch bệnh đã xuất hiện sự thanh lọc, bạn nào có thực lực, đủ đam mê thì tiếp tục bám trụ, còn không là nghỉ hết.

Một tín hiệu vui là hiện nay, các em thiếu nhi tham gia học múa ngày càng nhiều, điều đó cho thấy sức hút của múa. Từ đây, có thể xuất hiện nhiều tài năng nhỏ tuổi, cần được bồi dưỡng; nếu chúng ta tạo thêm nhiều sân chơi để các em thể hiện, tôi nghĩ sẽ sớm tìm thấy những hạt mầm, tài năng để đào tạo.

Kịch múa Ballet Kiều

* Theo anh, cần những cơ chế hỗ trợ nào để bộ môn nghệ thuật múa phát triển hơn nữa?

* Khi có cơ chế hỗ trợ tốt cho ngành múa hoạt động, tôi nghĩ nghệ thuật múa phát triển mạnh mẽ hơn nhiều. Trong khi hiện tại, thành phố chưa có một định hướng, một sân chơi cụ thể nào dành cho múa. Tại TPHCM, số biên đạo dựng một tác phẩm múa ngắn 5-6 phút, ráp được nhạc thì nhiều, nhưng biên đạo tốt, có tác phẩm múa chất lượng, ấn tượng thì đếm trên đầu ngón tay. Vậy nên, tôi nghĩ cần lắm những cơ hội dành cho các biên đạo tự do, bởi người trẻ năng động và nhiều sức sáng tạo.

Các liên hoan múa luôn là mảnh đất màu mỡ cho sự sáng tạo, góp phần đẩy mạnh phong trào múa tại TPHCM, nhưng thực tế cho thấy, bấy nhiêu đó chưa đủ. Chúng ta đầu tư quá dàn trải, định hướng chưa rõ ràng, căn cơ, có tiền thì đầu tư, không có tiền lại thôi, khiến người làm nghề đôi khi có cảm giác mòn mỏi.

* Tỏa sáng với nghề diễn viên và biên đạo múa, anh có thấy mình đã đạt được ước mơ, đam mê mình theo đuổi?

* Tôi theo nghề từ năm 1990, vào trường múa năm 13 tuổi, từng đầu quân về Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội 3 năm, rồi chọn HBSO làm ngôi nhà nghệ thuật của đời mình. Nghề là nghiệp, tôi sẽ gắn bó với nơi này đến khi về hưu. Mấy mươi năm qua, dẫu cuộc sống vẫn còn khó khăn, nhưng tôi thấy mình sống được với nghề, thoải mái, làm việc thật lòng thật tâm, vậy là đủ hạnh phúc. Từng ấy năm theo nghề, tôi giờ có được mười mấy vở múa lớn, quy mô và hàng loạt tác phẩm, tiểu phẩm múa ngắn, tôi thấy mình rất may mắn và tự hào khi làm được điều đó.

Năm 1994, Nguyễn Phúc Hùng tốt nghiệp loại giỏi Trường Cao đẳng Múa Việt Nam. Trong vai trò diễn viên múa, anh xuất sắc thể hiện các vai chính trong vũ kịch Ngọc trai đỏ, Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, Carmen... từng đoạt giải nhất cuộc thi tài năng biểu diễn Múa Việt Nam lần thứ I năm 1997, Huy chương vàng và giải diễn viên xuất sắc trong Liên hoan các tác phẩm kịch múa toàn quốc lần I năm 2001...

THÚY BÌNH thực hiện

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bien-dao-mua-nguyen-phuc-hung-mua-o-tphcm-can-duoc-quan-tam-nhieu-hon-post718713.html