Biến da thừa, gỗ vụn thành trang sức xa xỉ

Các nhà thiết kế trong lĩnh vực trang sức đang tìm đến những chất liệu độc đáo hơn ngoài kim loại đá quý. Nhiều sản phẩm đặc biệt từ da, gỗ, gốm tráng men thu hút giới mộ điệu.

Maria Sole Ferragamo, cháu gái của Salvatore Ferragamo, người sáng lập hãng thời trang xa xỉ nổi tiếng của Italy, đã thành lập nhãn hiệu trang sức cao cấp của riêng mình vào năm 2017, lấy tên là So-Le Studio.

Lấy cảm hứng từ nghệ thuật quang học và chuyển động, kiến trúc và thời trang, Ferragamo là một trong số ít các nhà thiết kế đã áp dụng nhiều vật liệu độc đáo hơn trong việc thiết kế đồ trang sức. Cô ưu tiên thủy tinh, nhựa, sừng và thậm chí cả gỗ thay vì kim loại và đá quý truyền thống.

Bên cạnh đó, nhà thiết kế này đã phát triển niềm đam mê với chất liệu da khi cô còn thực tập tại nhà máy của gia đình. Ferragamo sử dụng những mảnh da thừa và đồng thau còn sót lại từ các phân xưởng để tạo ra những món đồ trang sức sắc sảo, trang nhã.

“Tôi thấy hào hứng với những mảnh da còn sót lại và thấy khả năng biến chúng thành những hình thái sống. Tôi thích loại da mềm, nhẹ. Đó là chất liệu sống động có thể đồng hành cùng người mặc, bất chấp tuổi tác theo thời gian”, cô nói với SCMP.

So-Le Studio sử dụng các chất liệu bằng da và đồng thau còn sót lại từ các nhà máy ở Italy để tạo ra những món đồ trang sức sắc sảo, trang nhã. Ảnh: So-Le Studio.

“Tôi thích làm cho da trở nên quý giá với lớp hoàn thiện bằng pha lê và đá quý. Mặc dù các món đồ trang sức có vẻ cứng cáp, nặng nề và được làm bằng kim loại, nhưng trên thực tế, chúng rất nhẹ nhàng và thoải mái nhưng vẫn trông sang trọng", Ferragamo nói thêm.

Một ví dụ điển hình là vòng cổ Luminous, một ma trận xếp tầng bằng da tái chế nhuốm màu bạch kim. Ngoài ra, những chiếc nhẫn, vòng tay và thậm chí là phụ kiện tóc đều có màu sắc và họa tiết tương phản trên các loại da.

Một ví dụ khác là Sarah Müllertz, kiến trúc sư và nhà thiết kế người Đan Mạch. Từ năm 2014, Müllertz đã tạo ra một lĩnh vực riêng trong việc chế tác trang sức bền vững với thương hiệu Kinraden.

Cô sử dụng loại gỗ mpingo hoặc gỗ đen châu Phi vào các thiết kế. Đây là loại gỗ rất đặc và đắt tiền, được sử dụng để chế tạo kèn clarinet và các loại nhạc cụ giao hưởng khác.

Khi sáng tạo các mẫu trang sức cho thương hiệu, Müllertz sử dụng những đặc tính cơ học của gỗ thông qua các kỹ thuật truyền thống Nhật Bản. Phương pháp này giúp nhà thiết kế tạo ra các liên kết mà không sử dụng đinh, ốc vít hoặc keo dính…

Bông tai Elsa bằng gỗ mpingo và vàng tái chế từ bộ sưu tập Two World của thương hiệu Kinraden. Ảnh: Kinraden

“Khi nghiên cứu vật liệu, tôi biết đến mpingo, một trong những vật liệu sống cứng nhất trên trái đất. Tôi bị mê hoặc bởi thành phần của gỗ và màu đen đậm của nó”, Müllertz nói thêm.

Tất cả gỗ của Kinraden đều đến từ một khu rừng được bảo vệ tại Tanzania. Với nhà thiết kế này, đó là “một ‘mỏ khai thác trên mặt đất' bền vững".

Ngoài ra, gỗ mịn cũng được sử dụng trong các mẫu trang sức của thương hiệu. Müllertz cũng kết hợp chất liệu này với nhiều kim loại quý để tạo ra một sự tương phản quyến rũ.

Tại Emily P. Wheeler, nhãn hiệu cùng tên của nhà thiết kế đồ trang sức cao cấp có trụ sở tại Los Angeles (Mỹ), gỗ mun tái chế sẫm màu đã được sử dụng trong các món đồ sưu tập chạm khắc bằng tay, với số lượng rất hạn chế.

“Tôi thích kết cấu và tông màu nâu đậm của gỗ mun cũng như cách nó tương phản với vàng”, Wheeler cho biết.

Nhà thiết kế này muốn kết hợp gỗ mun trong các bộ sưu tập của mình. Cô may mắn tìm được nguồn gỗ dư từ một nhà điêu khắc.

Thương hiệu Hemmerle sử dụng rất nhiều vật liệu mới lạ như đồ sứ Ai Cập, sắt, đá mặt trăng, gỗ... khi chế tác đồ trang sức. Ảnh: Hemmerle

“Làm việc với gỗ, một chất liệu thường có kích thước lớn hơn cũng cho phép tôi sáng tạo nhiều hơn. Bạn không thể làm điều đó với hầu hết vật liệu khác trong đồ trang sức, ngoài kim loại. Tôi tạo ra những chiếc vòng, khuyên tai, nhẫn lớn. Gần đây nhất , tôi tạo ra một chiếc vòng cổ có viền bạch kim và kim cương, có thể tháo rời và đeo như khuyên tai”, cô nói.

Ngoài ra, rất nhiều thương hiệu khác cũng thường xem xét các chất liệu họ sử dụng cho nhẫn, dây chuyền và vòng tay hiện đại.

Trong suốt lịch sử 130 năm, Hemmerle, thương hiệu đến từ Đức, đã sử dụng rất nhiều vật liệu mới lạ như đồ sứ Ai Cập (một loại gốm tự tráng men có màu sắc rực rỡ), sắt, đá mặt trăng, gỗ bocote (gỗ có nguồn gốc từ Mexico, Trung Mỹ, Tây Ấn)...

Trong khi đó, tại Hermès, ông lớn xa xỉ người Pháp đã thử nghiệm việc sử dụng sừng tự nhiên như một chất liệu trang sức.

Thiên An

Nguồn Znews: https://znews.vn/bien-da-thua-go-vun-thanh-trang-suc-xa-xi-post1463068.html