Biên cương nơi quê hương cách mạng

Trên hành trình đến với những cột mốc biên cương, để nghe trong mờ tỏ đất trời, trong rì rào suối hát và lá rừng ngân rung, tôi hiểu rằng, cả ngàn năm qua, để đưa được những tảng đá minh định giang san lên trên những đỉnh cao ngút ngàn, rừng già sương giăng mây phủ, là biết bao công khó nhọc của nhiều thế hệ, nhiều đời người. Ngay cả đầu thế kỉ 21, thì việc đưa những cột mốc đá hoa cương lên những điểm cao hay vùng lõm giáp biên không có đường cho xe cơ giới cũng là những thách thức lớn đối với lực lượng đảm nhận công tác này.

Quân dân xã Đàm Thủy đoàn kết, chung sức bảo vệ đường biên, cột mốc trên địa bàn. Ảnh: Phạm Vân

Quân dân xã Đàm Thủy đoàn kết, chung sức bảo vệ đường biên, cột mốc trên địa bàn. Ảnh: Phạm Vân

Với Cao Bằng, nơi khởi nguồn của cách mạng Việt Nam, việc quản lý, bảo vệ đường biên giới dài, địa hình hiểm trở với 634 cột mốc được cắm dọc tuyến biên giới Cao Bằng trên tổng số 1.971 cột mốc trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc là hết sức khó khăn, vất vả. Nhưng chính nơi đây, cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã biết phát huy “thế mạnh cột mốc” của tỉnh nhà, chuyển hóa tình yêu nước, truyền thống cách mạng và tinh thần xung kích, tình nguyện của mỗi người dân thành “thế mạnh cột mốc lòng dân”. Để từ đây, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới đã lan tỏa khắp cả nước, trở thành phong trào hành động trên khắp mọi miền của Tổ quốc bằng việc ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Sở hữu nhiều cột mốc đặc biệt, đã trở thành "địa chỉ đỏ" trong giáo dục truyền thống cách mạng, danh thắng vùng biên và đôi khi chỉ là những cột mốc bình dị được người dân trân quý như gia tài của dòng họ, gia đình mình. Tiêu biểu nhất, có lẽ là cặp cột mốc trên đỉnh núi thuộc địa bàn xã Trường Hà, huyện Hà Quảng. Cột mốc 108 mang ý nghĩa lịch sử đánh dấu nơi Bác Hồ trở về Tổ quốc sau bao năm bôn ba tìm đường cứu nước là một phiến đá hình chữ nhật cao khoảng 1m, bề ngang chừng 8 tấc. Cách đó khoảng 5m là cột mốc 674 làm bằng đá hoa cương được cắm vào năm 2001 mang ý nghĩa pháp lý phân định biên giới hai nước.

Dưới chân mốc, Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó ngày nào cũng có những đoàn khách từ cả nước về tham quan và thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ, tưởng nhớ những chiến sĩ cộng sản đã xả thân vì độc lập, tự do của dân tộc. Điều đặc biệt là nếu bạn đã đến mốc 108, phóng tầm mắt về con đường dẫn lên cột mốc phía nước bạn sẽ có thể thấy được một ngôi đình khá to có tên "Đình Hồ Chí Minh". Sân đình có bức phù điêu đá được những người thợ lành nghề tạo tác thành bức tranh mô tả hình ảnh ngày Bác Hồ cùng các đồng chí về nước. Dòng chữ bằng tiếng Việt được đục ngay ngắn: “Năm 1911, Hồ Chí Minh rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Ngày 28 tháng 1 năm 1941, Hồ Chí Minh và những chiến hữu của Người từ cột mốc biên giới số 108 về nước”.

Từ chòi canh của Đồn Biên phòng Đàm Thủy, BĐBP Cao Bằng, chúng tôi phóng tầm mắt nhìn ra xa để cảm nhận trọn vẹn một vùng non sông cẩm tú. Dòng Quây Sơn “vượt biên” chảy vào lãnh thổ Việt Nam rồi uốn lượn qua núi Lũng An, Lũng Khuốt, Pò Dao, Tôm Đeng... gom nước đổ dạt dào nơi thác tiên Bản Giốc, tạo nên những xóm núi lẩn khuất trong mây và những cánh đồng thơm hương nếp mới. Bên dòng nước lành, cộng đồng các dân tộc Kinh, Tày, Nùng đã bao đời sống gắn bó bên nhau, trở thành “phên dậu” nơi địa đầu hiểm yếu thuộc hai xã Đàm Thủy, Chí Viễn. Chúng tôi tự hỏi, có phải là nhờ linh khí núi sông hội tụ đã khiến cho lá cờ Tổ quốc luôn thắm đỏ giữa đồn, bất chấp nắng gió vùng quan ải. Còn con người nơi đây cũng vì thế mà khoáng đạt, chí khí mạnh mẽ như loài cây sau sau lá đỏ.

Trên địa bàn quản lý của đơn vị, có cột mốc đôi 836 được cắm để phân định biên giới cho một danh thắng trên biên cương Cao Bằng là thác Bản Giốc, được phía Trung Quốc gọi là thác Thiên Đức. Đây là cột mốc cuối cùng được cắm trên tuyến biên giới này vào ngày 14/1/2009 bởi những sự khác biệt về nhận thức thực địa giữa hai bên trong quá trình phân định khu vực thác. Theo ông Vũ Gia Quang, nguyên cán bộ Cục Đo đạc và Bản đồ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên bản đồ Pháp - Thanh đã khẳng định sông Quây Sơn là sông biên giới và thác Bản Giốc là thác chung của Việt Nam và Trung Quốc. Theo luật pháp quốc tế và Hiệp ước 1999, tại khu vực này, đường biên giới đi theo trung tuyến dòng chảy chính. Qua nhiều vòng đàm phán và trên cơ sở kết hợp giải pháp chính trị và giải pháp kỹ thuật, hai bên đã đạt được thỏa thuận chung. Theo đó, toàn bộ thác phụ và ½ thác chính quy thuộc Việt Nam.

Nếu muốn nghe những câu chuyện giữ đất biên thùy của nhân dân Đàm Thủy, hẳn phải kể từ hoàng hôn, thâu đêm tới sớm mai bên những bếp lửa của người già, trong lớp học của trẻ thơ, ngoài cánh đồng đang nhân rộng mô hình canh tác mới... Bởi thác đổ ầm ầm tung bọt trắng trôi về xuôi, mây trắng lang thang chiều biên giới rồi lại chuyển xám đen trong chiều tà, chỉ có cặp mốc đã xám lạnh theo thời gian nhưng màu số hiệu vẫn tươi đỏ vì được tô sơn hàng năm sẽ là chứng nhân cho những tháng ngày quật cường giữ đất của quân dân Đàm Thủy. Đón chúng tôi tại chân thác bản Giốc là một lão niên người Nùng đã chạm vách tuổi 80, có nét đẹp thuần hậu. Trung tá Lý Văn Chạn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Đàm Thủy giới thiệu cho chúng tôi biết, ông là Nông Tài Nghĩa, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy giai đoạn 2000 - 2010.

Kể cho chúng tôi nghe những ngày sát cánh cùng BĐBP đoàn kết giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, giọng nói của ông đầy tự hào: “Ngày đó, cấp ủy, chính quyền xã đã cùng với cán bộ, chiến sĩ Đàm Thủy huy động, tổ chức lực lượng thường trực quan sát, bảo vệ biên giới, tuần tra 24/24 giờ và có những lúc đã huy động hàng nghìn lượt nhân dân tham gia đấu tranh, ngăn chặn và lập lán trại tại các khu vực tranh chấp. Tôi đã lấy một chiếc vành ô tô về làm kẻng để thống nhất hiệu lệnh, huy động bà con tham gia đấu tranh giữ đất. Các già làng, trưởng bản cương liệt, không nhận quà cáp của người lạ để chỉ sai các dấu mốc trên thực địa, còn người dân cứ nghe tiếng kẻng là bỏ hết mọi việc tập trung ra cồn Thoong ngăn cản dân nước bạn trồng cấy, lấn đất. Chiếc kẻng ấy tôi vẫn treo trên cây mít trước sân nhà để làm kỷ niệm”.

Và trong bài viết nhỏ này của mình, ngoài hai cột mốc hết sức đặc biệt kể trên, tôi muốn chia sẻ với độc giả những tình cảm thân thương của tôi về cột mốc 947 trên mảnh ruộng của người dân xóm Nà Chào, xã Mỹ Hưng, huyện Quảng Hòa. Bởi những thước phim đầu tiên tôi thực hiện về đề tài biên giới và BĐBP năm 2009 là câu chuyện về người trưởng xóm Luân Văn Thành - một trong những người đầu tiên tham gia mô hình “Già làng, trưởng bản bảo vệ đường biên, cột mốc” do Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng phát động. Và 10 năm sau, trong Chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tôi mới có dịp gặp lại người trưởng xóm đáng kính ấy khi ông đang cùng nhân dân hai xóm Nà Thắm - Nà Chào và thị trấn Phố Cũ, trấn Thủy Khẩu, huyện Long Châu, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc hân hoan thả cá giống trên dòng sông Bắc Vọng.

Ông Thành nhớ lại: “Sau chiến tranh, xóm làng biên giới hoang vu, đất đai tiềm ẩn nhiều đạn dược, mìn nổ còn sót lại nên bà con di cư đi nơi khác rất đông. Đến mức, cả xóm Nà Chào chỉ còn lại hơn hai chục hộ dân, bởi nặng tình quê hương mà không nỡ rời bỏ. Khi ấy, tôi tham gia Đội dân quân xã, thường xuyên phối hợp với đồn Biên phòng tham gia tuần tra bảo vệ biên giới. Khi đó, đồng chí Phó Đồn trưởng Chính trị thường tâm sự với tôi về mong muốn bà con dân bản có nhà cửa, ruộng nương sát khu vực cột mốc ủng hộ, hỗ trợ BĐBP bảo vệ đường biên, mốc giới và an ninh trật tự thôn bản, khi phát hiện có vấn đề gì trên biên giới sẽ thông tin kịp thời cho đồn Biên phòng. Tôi thấy ý tưởng đó rất hợp lý và ý nghĩa nên đã vận động nhân dân trong xóm cùng tham gia".

Người cán bộ trong câu chuyện của ông Luân Văn Thành chính là Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy BĐBP. Nhắc đến kỷ niệm khó quên này, Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn nhớ như chuyện chỉ mới hôm qua: “Tôi thực sự xúc động trước tinh thần trách nhiệm của nhân dân xóm Nà Chào và trưởng xóm Luân Văn Thành. Thời điểm đó, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Tà Lùng đã đưa vào nghị quyết lãnh đạo đơn vị và tham mưu cho Huyện ủy xây dựng phong trào. Thật bất ngờ là chỉ sau 3 tháng phát động, 100% xóm, bản biên giới toàn huyện tổ chức ký kết với Đồn Biên phòng Tà Lùng thực hiện phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc biên giới; xây dựng Ban chống lấn chiếm, Tổ phụ nữ trung kiên... Bà con phối hợp với đồn Biên phòng mềm dẻo trên cơ sở lý lẽ, pháp lý nên đạt hiệu quả” - Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn chia sẻ.

Nhờ sức mạnh lòng dân, đường biên giới trên địa bàn Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Tùng quản lý đã được giữ gìn toàn vẹn, hầu như không bị xâm canh, xâm cư. Từ năm 1995, tuyến biên giới Tà Lùng giảm dần vụ việc nhạy cảm, dần ổn định và bình yên, bà con phấn khởi, yên tâm sinh sống, sản xuất trên tuyến biên giới, là cơ sở để tỉnh triển khai phân giới cắm mốc, phát triển kinh tế cửa khẩu. Phong trào đã trở thành niềm tự hào của người dân Cao Bằng, là tình cảm quân dân thương mến, là nghĩa nước tình nhà sâu nặng của nhân dân các dân tộc Cao Bằng. Đến nay, toàn bộ hệ thống 333,125km đường biên, với 634 mốc quốc giới ở Cao Bằng được 5.658 hộ dân ký cam kết tự quản.

Phạm Vân Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bien-cuong-noi-que-huong-cach-mang-post466557.html