Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Lê Quang Tùng điều hành phiên thảo luận tổ về Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân

Chiều nay 9/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Tổ 19 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Trị, Bình Dương, Phú Thọ do Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Lê Quang Tùng điều hành phiên thảo luận.

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Lê Quang Tùng điều hành phiên thảo luận - Ảnh: N.L

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Lê Quang Tùng điều hành phiên thảo luận - Ảnh: N.L

Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Quang Tùng đã gợi ý các vấn đề để các ĐBQH tập trung thảo luận như: nội dung tòa án thực hiện quyền tư pháp; bỏ quy định thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử; về Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia; việc đổi mới Tòa án nhân dân (TAND) cấp tỉnh, TAND cấp huyện theo thẩm quyền xét xử; một số vấn đề liên quan đến thẩm phán TAND (quy định về ngạch, bậc thẩm phán, thẩm quyền quyết định số lượng thẩm phán, bậc thẩm phán tại mỗi cấp tòa án, cơ cấu tỉ lệ bậc thẩm phán, tuổi bổ nhiệm thẩm phán; điều kiện bổ nhiệm thẩm phán); tính khả thi của các quy định trong dự thảo luật để khắc phục những tồn tại, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2014.

Phát biểu ý kiến góp ý dự án luật, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng cho rằng: Tên gọi là TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện trong những năm qua đã thành quen thuộc với tất cả mọi người khi họ tìm đến địa chỉ của tòa. Thẩm quyền xét xử các loại việc đã quy định trong các luật về tố tụng hình sự, dân sự, hành chính. Tòa án cấp huyện sơ thẩm việc gì, tòa án cấp tỉnh sơ thẩm việc gì và phúc thẩm án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng phát biểu ý kiến góp ý dự án luật - Ảnh: N.L

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng phát biểu ý kiến góp ý dự án luật - Ảnh: N.L

Nếu đổi tên TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm là chưa hợp lý: TAND phúc thẩm, nhưng trong thẩm quyền tòa án còn sơ thẩm các vụ việc do Luật Tố tụng quy định, vì vậy chưa bao quát nhiệm vụ của tòa án là vừa phúc thẩm, vừa sơ thẩm.

Vì vậy, đại biểu đề nghị không đổi tên TAND cấp huyện, TAND cấp tỉnh thành TAND sơ thẩm, TAND phúc thẩm như quy định tại dự thảo; giữ nguyên tên gọi như Luật Tổ chức TAND năm 2014.

Về quy định thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét việc cơ cấu Chủ tịch Hội đồng là một phó chủ tịch Quốc hội hoặc chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Quốc hội làm Chủ tịch Hội đồng vì Quốc hội là cơ quan giám sát hoạt động của TAND tối cao, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền xem xét đề nghị bổ nhiệm thẩm phán, quyết định về tổ chức tòa án.

Việc dự thảo quy định Chánh án TAND tối cao làm Chủ tịch Hội đồng sẽ không đảm bảo tính khách quan trong công tác cán bộ về tuyển chọn, bổ nhiệm thẩm phán, giám sát thẩm phán. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo thiết kế điều khoản giải thích từ ngữ trong dự thảo luật này nhằm làm cho người áp dụng pháp luật hiểu một cách chính xác ý nghĩa của những từ ngữ được sử dụng nhiều, đồng thời thống nhất cách hiểu, cách sử dụng từ ngữ đó.

Kết luận phiên thảo luận tổ, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Quang Tùng ghi nhận, đánh giá các ý kiến thảo luận sâu sắc, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội về một số nội dung của dự thảo luật. Tổ thư ký sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến thảo luận, góp ý của các đại biểu để báo cáo Ban soạn thảo chỉnh lý, tiếp thu.

Nguyễn Thị Lý

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thoi-su/bi-thu-tinh-uy-truong-doan-dbqh-tinh-quang-tri-le-quang-tung-dieu-hanh-phien-thao-luan-to-ve-du-an-luat-to-chuc-toa-an-nhan-dan/181226.htm