Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng thăm và làm việc tại huyện Thường Xuân

Sáng 6/3, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thăm và làm việc tại huyện Thường Xuân về tình hình kết quả sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; kết quả triển khai thực hiện Thông báo số 67-TB/VPTU ngày 30/7/2021 của Văn phòng Tỉnh ủy về kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Thường Xuân.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện dự án đường từ Quốc lộ 47 đi cầu Tổ Rồng, huyện Thường Xuân.

Cùng đi có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Lê Tiến Lam, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh và 2 huyện Thọ Xuân, Thường Xuân.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nghe lãnh đạo huyện Thọ Xuân báo cáo công tác giải phóng mặt bằng dự án đường từ Quốc lộ 47 đi cầu Tổ Rồng tại xã Xuân Phú.

Dự án đường từ Quốc lộ 47 đi cầu Tổ Rồng phải hoàn thành đúng tiến độ

Trước khi làm việc với lãnh đạo chủ chốt huyện Thường Xuân, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đi kiểm tra dự án đường từ Quốc lộ 47 đi cầu Tổ Rồng có chiều dài 7,55 km (điểm đầu tiếp giáp đường mòn Hồ Chí Minh tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân, điểm cuối tiếp giáp đường Xuân Cao đi xã Luận Thành tại địa phận xã Xuân Cao, huyện Thường Xuân).

Dự án có mức đầu tư 202 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương 80 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 20 tỷ đồng, ngân sách huyện đối ứng 102 tỷ đồng.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng trò chuyện với các gia đình trong diện thu hồi đất để giải phóng mặt bằng.

Gặp gỡ, trò chuyện với người dân có đất trong diện thu hồi đất để giải phóng mặt bằng cho dự án tại điểm đầu tiếp giáp đường Hồ Chí Minh thuộc xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã nêu bật vai trò của tuyến đường trong phát triển kinh tế - xã hội của các huyện Thọ Xuân, Thường Xuân, và mong người dân đồng thuận, chấp hành đúng chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, bàn giao mặt bằng, nhận đất tại khu tái định cư đã được huyện quy hoạch để ổn định cuộc sống.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng thăm hỏi, động viên gia đình bà Vũ Thị Hà thuộc diện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đường từ Quốc lộ 47 đi cầu Tổ Rồng.

Sau khi nghe lãnh đạo huyện Thọ Xuân và huyện Thường Xuân báo cáo về quá trình triển khai dự án, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền 2 huyện đã tập trung triển khai các bước để dự án được triển khai theo đúng tiến độ.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng và các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ dự án đường từ Quốc lộ 47 đi cầu Tổ Rồng tại xã Xuân Cao, huyện Thọ Xuân.

Nhà thầu triển khai thi công dự án đường từ Quốc lộ 47 đi cầu Tổ Rồng tại xã Xuân Cao.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu huyện Thọ Xuân hiện còn 5 gia đình trong diện giải phóng mặt bằng, cần tiếp tục tuyên truyền để người dân bàn giao mặt bằng và triển khai đầu tư hoàn thành khu tái định cư đã quy hoạch vào tháng 8/2024 để người dân nhận đất xây dựng nhà, ổn định cuộc sống. Huyện Thường Xuân là chủ đầu tư dự án cần tập trung tháo gỡ khó khăn, giải phóng mặt bằng, chỉ đạo nhà thầu thi công tập trung trang thiết bị, triển khai thi công đến tháng 5/2025 phải hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần vào sự phát triển của huyện.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng thăm trang trại trồng bưởi của gia đình anh Lê Xuân Hoằng.

Đến thăm trang trại trồng bưởi của gia đình anh Lê Xuân Hoằng ở xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân có diện tích 10 ha, sau 6 năm đầu tư trồng các giống bưởi đặc sản như bưởi da xanh, bưởi Diễn, bưởi Luận Văn, đến nay trang trại đã có 4 năm thu hoạch, tạo việc làm cho 10 lao động địa phương, Bí thư tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đánh giá cao hiệu quả mô hình trồng bưởi theo phương pháp canh tác hữu cơ, thân thiện với môi trường, gắn với chế biến sâu tạo thành các sản phẩm có giá trị cao từ bưởi.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các ngành liên quan và chính quyền địa phương hỗ trợ chủ trang trại mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư kho lạnh để bảo quản sản phẩm, đồng thời nghiên cứu nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ để phát huy tiềm năng đất đai, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo sinh kế bền vững cho người dân...

Nhiều chỉ tiêu hằng năm của huyện Thường Xuân đều đạt và vượt kế hoạch

Làm việc với lãnh đạo chủ chốt huyện Thường Xuân, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng và các thành viên trong đoàn đã nghe lãnh đạo huyện báo cáo tình hình kết quả sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; kết quả triển khai thực hiện Thông báo số 67- TB/VPTU ngày 30/7/2021 của Văn phòng Tỉnh ủy.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt huyện Thường Xuân.

Theo đó, sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Thường Xuân đã đạt được một số kết quả quan trọng; trong 6 chỉ tiêu hàng năm có 5 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; trong 21 chỉ tiêu đến năm 2025 có 12 chỉ tiêu đạt 80% và 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch.

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2023 đạt 4,41%, có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó 1 xã NTM nâng cao, 11 sản phẩm được công nhận OCOP...

Lĩnh vực văn hóa - xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo có nhiều chuyển biến tích cực. Quốc phòng - an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường, trong 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện đã kết nạp được 438 đảng viên.

Bí thư Huyện ủy Thường Xuân Nguyễn Thành Lương trình bày báo cáo tình hình kết quả sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; kết quả triển khai thực hiện Thông báo số 67-TB/VPTU ngày 30/7/2021 của Văn phòng Tỉnh ủy.

Thực hiện Thông báo số 67-TB/VPTU ngày 30/7/2021 của Văn phòng Tỉnh ủy về kết luận của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Thường Xuân, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung triển khai 7 nhiệm vụ trọng tâm. Quy hoạch vùng huyện được phê duyệt tại Quyết định số 3899/QĐ-UBND ngày 6/10/2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa; hoàn thành phê duyệt 12 đồ án quy hoạch chung xây dựng các xã... Chỉ đạo đưa kinh tế lâm nghiệp thành ngành kinh tế mũi nhọn và tạo điều kiện cho phát triển công nghiệp chế biến lâm sản, hiện giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp trong tổng thể ngành nông lâm nghiệp chiếm trên 46% và tăng giá trị sản xuất hàng năm trên 6%... Huyện tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, từng bước hình thành một số hàng hóa có lợi thế gắn với thương hiệu như các sản phẩm từ quế, mật ong, cá lồng, dưa vàng, bưởi Diễn, măng khô, nếp A sào...

Huyện cũng đã có nhiều giải pháp để cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 28 dự án đầu tư kinh doanh đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, giao đất, cho thuê đất triển khai thực hiện. Từ năm 2021 đến nay huyện thành lập mới 97 doanh nghiệp và thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư trên địa bàn như: Nhà máy may South Fame Garments Limited đã hoạt động và thu hút hơn 2.000 lao động; Công ty TNHH giầy Thường Xuân dự kiến cuối quý II/2024 đi vào hoạt động; Tập đoàn TH True milk đầu tư vào khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt huyện Thường Xuân.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Tiến Lam phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt huyện Thường Xuân.

Phát biểu tại buổi làm việc, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành đã phân tích về tiềm năng, thế mạnh mà huyện Thường Xuân đang có và chỉ rõ những điểm nghẽn làm cản trở sự phát triển. Từ đó đề nghị cấp ủy, chính quyền Thường Xuân cần phát huy lợi thế là huyện có diện tích tự nhiên lớn nhất toàn tỉnh; địa bàn rộng, có tiềm năng lớn về rừng; gần với Khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng (động lực kinh tế phía Tây của tỉnh). Cùng với đó, huyện cũng cần phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, tinh thần đoàn kết để có những bước phát triển mới.

Thường Xuân là huyện có nhiều tiềm năng, thế mạnh cần được phát huy

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng phát biểu kết luận tại buổi làm việc.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nêu rõ: Thường Xuân là huyện miền núi ở khu vực phía Tây Nam của tỉnh, diện tích tự nhiên lớn nhất toàn tỉnh, địa bàn rộng, có tiềm năng lớn về rừng, trong đó đất lâm nghiệp chiếm 82,2% tổng diện tích, với rất nhiều loại cây quý hiếm, như quế ngọc, sa mu... Là huyện có tiềm năng, thế mạnh lớn nhất trong 6 huyện 30a hiện nay. Về vị trí, huyện gần với Khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng (động lực kinh tế phía Tây của tỉnh); có đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 47 kết nối khu vực miền núi, biên giới với các huyện đồng bằng và kết nối với tỉnh Nghệ An, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào, tạo thành hành lang phát triển chủ yếu của huyện và khu vực vùng huyện của tỉnh. Trung tâm huyện cách Cảng hàng không Thọ Xuân khoảng 15 km, cách TP Thanh Hóa 50 km.

Địa bàn huyện là vùng sinh thái rừng đầu nguồn, có tiềm năng phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, thủy lợi, thủy điện, dịch vụ du lịch và một phần công nghiệp, mà tiêu biểu là công trình thủy lợi, thủy điện Cửa Đạt, Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên; có vai trò quan trọng đảm bảo môi trường sinh thái, nguồn nước, an sinh xã hội và quốc phòng - an ninh của tỉnh. Xung quanh huyện có nhiều cơ sở chế biến nông, lâm sản..

Thường Xuân cũng là vùng đất từng được Bình Định Vương Lê Lợi và 18 vị tướng lĩnh chọn làm nơi tổ chức Hội thề Lũng Nhai lịch sử, khởi đầu cho những chiến công hiển hách của khởi nghĩa Lam Sơn ở thế kỷ XV; quê hương của thủ lĩnh phong trào Cần Vương chống Pháp Cầm Bá Thước cuối thế kỷ XIX.

Là huyện giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, yêu nước và cách mạng, đồng bào các dân tộc nơi đây sinh sống đoàn kết, gắn bó lâu đời. Từ khi có Đảng, Nhân dân các dân tộc trong huyện đã nỗ lực phấn đấu vươn lên, có nhiều đóng góp to lớn vào các công cuộc đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm qua huyện cũng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của các cơ quan Trung ương, của tỉnh để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Lãnh đạo chủ chốt huyện Thường Xuân tại buổi làm việc.

Đổi mới mạnh mẽ tư duy, phong cách làm việc sâu sát, quyết liệt, cụ thể

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng ghi nhận và đánh giá cao: Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; cùng với cả tỉnh, huyện Thường Xuân phải đối mặt với nhiều thách thức và có cả những khó khăn nội tại; song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và giúp đỡ rất kịp thời và có hiệu quả của tỉnh, cùng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện, Thường Xuân đã đạt được những kết quả quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Tuy nhiên, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ ra một số mặt hạn chế đó là: Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của huyện; một số chỉ tiêu rất cơ bản đạt rất thấp so với kế hoạch, như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2023 chỉ hơn 4%, xếp thứ 24/27 huyện, thị xã, thành phố, xếp thứ 8/11 huyện miền núi; quy mô kinh tế xếp thứ 21/27, thu nhập bình quân đầu người xếp thứ 23/27 toàn tỉnh và vẫn còn khoảng cách khá xa so với mặt bằng chung của tỉnh... Hiện nay, Thường Xuân vẫn là một trong huyện nghèo nhất cả nước. Tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công một số dự án trên địa bàn còn rất chậm...

Để huyện Thường Xuân thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2025, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đề nghị Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, lãnh đạo từ huyện đến cơ sở phải thật sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, đổi mới mạnh mẽ tư duy, phong cách làm việc sâu sát, quyết liệt, cụ thể; phải nghiên cứu, đánh giá kỹ các tiềm năng, thế mạnh, những yếu tố thuận lợi, cũng như những tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn của huyện trong quá trình phát triển; xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng phát triển và các giải pháp đột phá để phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu trở thành huyện khá của tỉnh.

Huyện Thường Xuân cần phải đột phá về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đối ngoại; đột phá về thu hút đầu tư vào nông nghiệp, đầu tư vào du lịch. Cùng với đó là đột phá công tác tư tưởng để làm chuyển biến về mặt nhận thức trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh tại buổi làm việc.

Cấp ủy, chính quyền cần phải tiếp tục gìn giữ, chăm lo, vun đắp cho sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và trong Nhân dân; tăng cường, củng cố và giữ gìn tinh thần đoàn kết, thống nhất, nhất là trong thường trực, thường vụ cấp ủy, trong cấp ủy, trong tập thể lãnh đạo; làm tốt công tác chính trị tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, khơi dậy mọi tiềm năng, thế mạnh và nguồn nội lực hiện có, chuyển hóa truyền thống cách mạng, văn hóa, lịch sử lâu đời, phong phú, đa dạng và đậm đà bản sắc thành nguồn lực, động lực để phát triển.

Khắc phục cho được tư tưởng “trông chờ, ỷ lại, thụ động, quen chịu khổ, không chịu khó, cam chịu đói nghèo” chuyển hóa thành tư tưởng "siêng năng chịu khó, cần cù lao động” để thoát nghèo. Tiếp tục nỗ lực, cố gắng, quyết tâm, quyết liệt, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đeo bám công việc đến cùng và làm việc gì dứt điểm việc đó, mang lại sản phẩm, hiệu quả đích thực.

Triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Nghị quyết Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 và các thông báo của các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Tập trung rà soát, đánh giá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, theo đó đối với những chỉ tiêu đã đạt phải phấn đấu đạt cao hơn; những chỉ tiêu đạt thấp, khả năng khó hoàn thành cần phân tích rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để có giải pháp cụ thể; phấn đấu hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra.

Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống các quy hoạch, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý quy hoạch. Bám sát các quy hoạch của tỉnh và yêu cầu phát triển, rà soát, cập nhật, bổ sung, khớp nối, nâng tầm và tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch vùng huyện, quy hoạch xây dựng các khu chức năng, quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch hệ thống hạ tầng và không gian phát triển theo phương châm “mở rộng tầm nhìn để gia tăng cơ hội phát triển” nhằm khai thác tối đa lợi thế so sánh về vị trí địa lý của huyện để mở ra không gian phát triển mới...

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: Là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, Thường Xuân phải luôn coi phát triển nông nghiệp là nền tảng, là điều kiện quan trọng để phát triển bền vững... Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp chế biến, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị. Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, giữ vững an ninh rừng, hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng hàng năm. Nâng cao chất lượng, triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, về giảm nghèo bền vững, về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng dân tộc thiểu số và miền núi; tiếp tục phát triển các làng nghề và nghề truyền thống, gắn với đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); rà soát, tập trung chỉ đạo 4 xã hoàn thiện các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã hoàn thiện tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo Nghị quyết đề ra.

Lãnh đạo các xã, thị trấn huyện Thọ Xuân tại buổi làm việc.

“Huyện Thường Xuân cần xác định phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương; đẩy mạnh phát triển các ngành nghề có thế mạnh của huyện như sản xuất điện, chế biến lâm sản, may mặc, chế biến và khai thác vật liệu xây dựng... Tăng cường thu hút các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao. Phát triển đồng bộ các ngành dịch vụ; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, nhất là du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, kết hợp phát triển du lịch tâm linh với du lịch cộng đồng”, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Cùng với đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu huyện Thường Xuân cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; đa dạng hóa các hình thức kêu gọi, xúc tiến đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ... Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, môi trường; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường; chủ động làm tốt công tác phòng, chống thiên tại, bão lũ, sạt lở đất...

Bên cạnh phát triển kinh tế, huyện cần nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội. Chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân; chăm lo nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến khích hộ nghèo vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước. Chủ động các phương án bảo đảm quốc phòng - an ninh, không để xảy ra bị động, bất ngờ. Chăm lo làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng các đồng chí lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo huyện Thường Xuân.

Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy và từng đồng chí cán bộ chủ chốt của huyện phải sâu sát cơ sở, biết dựa vào dân, lắng nghe Nhân dân và huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; nêu cao hơn nữa tinh thần năng động, sáng tạo, đổi mới tư duy, phương pháp, cách làm, luôn trăn trở tìm ra giải pháp để xây dựng, phát triển huyện. Tích cực chuẩn bị các điều kiện chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030.

Minh Hiếu

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/bi-thu-tinh-uy-do-trong-hung-tham-va-lam-viec-tai-huyen-thuong-xuan/208329.htm