Bí thư Hải Dương khuyên doanh nghiệp đừng đợi đến hội nghị mới có đề xuất, kiến nghị

Đó là đề nghị của ông Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư tỉnh Ủy Hải Dương khi phát biểu khai mạc Hội nghị đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2016 được tổ chức sáng nay, 14/7.

Với tỉnh Hải Dương, việc lắng nghe, đồng hành cùng các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bản tỉnh luôn là một trong những hoạt động cụ thể và thiết thực để cải thiện chỉ số PCI của Hải Dương và cũng đã thành hoạt động thường niên.

Hội nghị đối thoại lần này có sự tham gia của hơn 150 doanh nghiệp (bao gồm 90 doanh nghiệp FDI, 60 doanh nghiệp DDI và các hiệp hội doanh nghiệp) và người đứng đầu các địa phương, sở, ban, ngành trong tỉnh.

Ông Nguyễn Mạnh Hiển đã đề nghị với các đại biểu: “Chúng tôi rất mong muốn được lắng nghe những ý kiến, đóng góp thật từ các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó chúng tôi sẽ hiểu hơn những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp gặp phải để kịp thời có những tháo gỡ và điều chỉnh trong hoạt động chỉ đạo điều hành của chính quyền địa phương, qua đó cả Hải Dương và doanh nghiệp đều phát triển bền vững”.

Hội nghị đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương năm 2016

Các vấn đề mà doanh nghiệp tập trung chủ yếu trong lĩnh vực đất đai, thuế, bảo hiểm - lao động, cung cấp điện - nước sản xuất, an ninh trật tự… Như đối với vấn đề đất đai, đại diện của Công ty CP Quê Hương bày tỏ bức xúc khi công ty đã được UBND tỉnh cho thuê đất, giao đất để thực hiện dự án kinh doanh. Nhưng trong quá trình hoạt động, công ty gặp nhiều khó khăn do việc bàn giao đất chưa đầy đủ. Một phần đất nằm trong diện tích được UBND tỉnh chấp thuận giao cho công ty nhưng lại được UBND thành phố Hải Dương phê duyệt dự án và cấp cho hộ gia đình bà Đinh Thị Bình làm cơ sở sản xuất Đông Nam Dược. Từ đó làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn và xảy ra tranh chấp, gây nhiều tổn thất cho công ty CP Quê Hương.

Nhiều doanh nghiệp FDI trong và ngoài KCN có chung kiến nghị về giá thuê đất có mức tăng quá cao, ảnh hưởng đến kế hoạch cân đối vốn sản xuất kinh doanh. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã dừng lại việc mở rộng sản xuất. Như Công ty CP TMD tại CCN Hoàng Diệu, Gia Lộc cho biết tiền thuê đất đến nay đã tăng gấp 11 lần sau 7 năm hoạt động.

Vấn đề về lao động cũng nhận được nhiều ý kiến từ các doanh nghiệp FDI. Công ty TNHH Iriso, Leo VN, Jiate Việt Nam, Chungdang, Richway,… phản ánh rằng rất khó tuyển dụng công nhân có tay nghề. Sau khi tuyển dụng, doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian đào tạo, năng suất lao động thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Ý thức chấp hành kỷ luật của người lao động kém khi tự ý bỏ việc không lý do ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh.

Còn Công ty CP dây và cáp điện Taya Việt Nam và nhiều doanh nghiệp khác thì có cùng kiến nghị về thủ tục cấp giấy phép cho lao động nước ngoài còn phức tạp, bất cập. Cụ thể như là chưa chấp nhận giấy khám sức khỏe của nhà đầu nước ngoài, hay việc yêu cầu lao động nước ngoài vừa phải có kinh nghiệm làm việc, lại vừa phải có chứng nhận chuyên môn…

Vấn đề đảm bảo cung ứng điện cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp vẫn tiếp tục là vấn đề nóng trong hội nghị này. Công ty CP BCH cho biết Công ty phải dừng sản xuất do hoạt động không hiệu quả. Nhưng nguyên nhân chính là do thiếu điện sản xuất (chỉ được đáp ứng 60% nhu cầu điện sản xuất). Hay Công ty Brother cũng có kiến nghị nguồn điện cần ổn định và liên tục, nếu có kế hoạch ngắt điện thì cần có thông báo trước để công ty có sự chuẩn bị và điều chỉnh kế hoạch sản xuất. Còn công ty Xi măng Phúc Sơn thì phản ánh là theo quy định mới, các doanh nghiệp phải kỹ quỹ bảo lãnh cho hợp đồng điện. Về vấn đề này thì công ty Phúc Sơn đề nghị nên xem xét đối với từng doanh nghiệp. Bởi với các doanh nghiệp lớn có khả năng thanh khoản rất tốt và từ trước đến nay chưa bao giờ xảy ra tình trạng nợ đọng tiền điện thì không nên áp dụng để tránh ảnh hưởng đến nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp….

Đại diện cho hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hải Dương, ông Nguyễn Hữu Đoan, Chủ tịch hiệp hội đã gửi đến hội nghị 10 ý kiến của các hội viên. Trong đó 4 vấn đề quan trọng như: chi phí không chính thức của doanh nghiệp khi tham gia giao thông; tạo điều kiện để tiếp cận vốn của ngân hàng ; việc thanh kiểm tra còn gây nhiều phiền hà cho doanh nghiệp như thông báo muộn và thực hiện thanh kiểm tra vào ngày đầu tuần, khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng đến việc sản xuất; việc đối thoại nên tổ chức sớm hơn, trước các kỳ họp Hội đồng nhân dân.

Bên cạnh các ý kiến được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương tập hợp thì tại hội nghị lần này đã có gần 20 đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư có ý kiến trực tiếp. Tất cả các kiến nghị, ý kiến này đều được lãnh đạo các địa phương, sở, ban ngành liên quan hồi đáp ngay tại Hội nghị.

Liên quan đến những câu hỏi về vấn đề tài nguyên môi trường, ông Vũ Ngọc Long, Giám đốc sở Tài nguyên môi trường cam kết: “Đến thứ hai đầu tuần sau sẽ giải quyết ngay vấn đề liên quan đến đất đai đã nêu. Các kiến nghị sẽ được sở nghiên cứu, phản hồi sớm nhất”. Ông Long cũng đề nghị doanh nghiệp hãy liên hệ với sở qua đường dây nóng để lãnh đạo sở nắm bắt nhanh những vướng mắc của doanh nghiệp.

Còn bà Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng đã trả lời ngay vào câu hỏi liên quan. Trong thời gian qua, ngành ngân hàng đã tích cực khoanh và giãn nợ cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, liên quan đến việc cho vay vốn thì bắt buộc phải thực hiện quy trình chung và không thể cho vay khi không có tài sản bảo đảm, hoặc tài sản bảo đảm đang có vấn đề hoặc giá trị tài sản thấp hơn nhiều so với khoản vay.

Đối với vấn đề “nóng” về điện sản xuất tại hội nghị, ông Trần Văn Cường, Giám đốc điện lực Hải Dương cho biết, hiện công ty đang gấp rút đầu tư nâng công suất các trạm biến áp tại các KCN, CCN và dự kiến trong tháng 12 tới, sẽ hoàn thành việc chuyển đổi đường dây điện trong các KCN sang đường dây điện riêng, để đảm bảo việc cung cấp và ổn định chất lượng điện.

Ông Vũ Tiến Phụng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Dương thì cam kết những vấn đề doanh nghiệp nêu liên quan đến vấn đề đất đai như của Công ty CP Quê Hương sẽ được thành phố giải quyết vào đầu tháng 8, thông qua buổi làm việc trực tiếp. Đại diện lãnh đạo Cục thuế,… lần lượt trả lời những vướng mắc, ý kiến của doanh nghiệp.

Mặc dù tính chất hội nghị là quan trọng, cần thiết với doanh nghiệp, nhưng Phóng viên Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn nhận thấy nhiều đại diện của các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm. Mới qua 2/3 thời gian hội nghị, đã có khoảng 40 đại diện doanh nghiệp lặng lẽ rời hội trường.

Kết thúc hội nghị, ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương kết luận về hướng xử lý các ý kiến, kiến nghị. Ông cũng yêu cầu, tối đa trong vòng 10 ngày, tính từ ngày tổ chức hội nghị hôm nay, các sở, ban ngành, lãnh đạo các địa phương phải giải quyết các vấn đề mà doanh nghiệp đã nêu ra. Những vấn đề liên quan đến chính sách, cấp bộ, thì cũng phải có ý kiến trao đổi rõ với doanh nghiệp về phương pháp, tiến độ, thời gian xử lý. Về phía doanh nghiệp, nếu còn vấn đề nào chưa kịp nêu thì phản ánh bằng văn bản hoặc trực tiếp tới Chủ tịch UBND tỉnh. Việc cải cách thủ tục hành chính phải tiếp tục được thực hiện tốt để tránh sự chồng chéo các quy định và sự đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Tỉnh Hải Dương sẽ duy trì có chất lượng hình thức này, ít nhất 2 lần/năm.

Thu Lê – Thanh Sơn

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/bi-thu-hai-duong-khuyen-doanh-nghiep-dung-doi-den-hoi-nghi-moi-co-de-xuat-kien-nghi-d48425.html