Bí thư Đà Nẵng: Đi vay thế hệ sau phải trả nợ nên phải làm hiệu quả!

Về hệ thống xe buýt nhanh BRT mà Đà Nẵng vay vốn WB để triển khai vào cuối năm 2018, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Xuân Anh lưu ý: “Mình vay nhưng thế hệ sau phải trả, nên phải làm có hiệu quả để sau này trả nợ thì người ta không oán trách!”

Chiều 7/12, tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 3 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, đại biểu Nguyễn Thành Tiến, Phó Ban Đô thị HĐND TP cho hay, hiện nay TP.HCM và Hà Nội đang xem xét lại tính hiệu quả của dự án xe buýt nhanh (BRT). Theo đánh giá của một số chuyên gia quốc tế thì BRT chỉ là loại hình quá độ để giải quyết vấn đề giao thông công cộng tại một số nước đang phát triển. Trong khi đó, Đà Nẵng đang chuẩn bị để năm 2017 triển khai dự án này.

Dàn xe buýt nhanh BRT sắp đưa vào hoạt động ở Hà Nội

Do đó, đại biểu Nguyễn Thành Tiến đề nghị Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Trung và Trưởng BQL các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên Lương Thạch Vỹ cho biết hiệu quả của dự án BRT trên địa bàn TP sẽ ra sao? Và chọn BRT có phải là giải pháp tối ưu cho Đà Nẵng hay không?

Theo ông Lê Văn Trung, ở Việt Nam có 3 TP lớn là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ triển khai dự án BRT. Hà Nội đã tổ chức đấu thầu nhưng vì nhiều lý do nên đến nay chưa hoạt động. UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các ngành kiểm tra, rà soát khả năng thông hành của các phương tiện và thống nhất cho tiếp tục triển khai dự án. Sở GTVT Hà Nội cho biết sẽ đưa dự án vào hoạt động cuối tháng 12/2016.

Với TP.HCM, ông Lê Văn Trung cho biết cũng đang triển khai dự án BRT và sẽ hoàn thành, đưa vào hoạt động giữa năm 2019. Với Đà Nẵng, dự án BRT đã được Chính phủ Việt Nam ký kết với WB tại Hiệp định tài trợ hồi tháng 4/2013. Hiện BQL các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên đang hoàn tất hồ sơ thiết kế kỹ thuật và bắt đầu triển khai các gói thầu. Dự kiến dự án BRT Đà Nẵng sẽ đưa vào hoạt động cuối năm 2018, đầu năm 2019.

Theo ông Lê Văn Trung, WB tài trợ dự án BRT nhằm giúp đáp ứng nhu cầu giao thông công cộng tại Đà Nẵng, đảm bảo việc sử dụng lâu dài, ổn định theo quy hoạch chung của TP. Khi xe buýt nhanh đi vào hoạt động đương nhiên sẽ có ảnh hưởng đến việc thông hành của các loại xe hỗn hợp vì có đoạn phải dành hành lang riêng cho BRT, có đoạn phải đi hỗn hợp. Đây là loại hình giao thông mới tại Việt Nam cũng như Đà Nẵng.

“Với hạ tầng hiện có của mình cũng như tâm lý của người tham gia giao thông công cộng chưa cao nên với dự án BRT, Sở GTVT phối hợp với BQL các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên mới sẽ báo cáo TP nghiên cứu, rút kinh nghiệm của Hà Nội, TP.HCM cũng như các nước có hạ tầng tương tự như Đà Nẵng đã thực hiện thành công BRT để tính toán kỹ việc triển khai loại hình này đáp ứng thích hợp với nhu cầu của TP!” – ông Lê Văn Trung nói.

Theo ông Lương Thạch Vỹ, các đô thị có nhiều loạt hình giao thông công cộng như metro, BRT, xe buýt thường, tramway... mà tùy theo quy mô đô thị và nhu cầu đi lại để bố trí phù hợp. Với quy mô 1 triệu dân như Đà Nẵng hiện nay thì áp dụng BRT là có thể đáp ứng nhu cầu. Hiện có nhiều nước triển khai loại hình này và nhu cầu đi lại bằng BRT không thua kém gì metro. Hơn nữa, BRT có tình linh hoạt nên khi nhu cầu đi lại cao thì có thể tăng phương tiện và làn đường để nâng công suất đáp ứng. Do đó, BRT có khả năng hoạt động ổn định lâu dài chứ không chỉ là loại hình quá độ trong việc giải quyết nhu cầu giao thông công cộng.

Tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thành Tiến vẫn cho rằng dự án BRT tại Đà Nẵng sử dụng nguồn vốn vay lên đến 7,2 triệu USD, tương đương 1.500 tỉ đồng là rất lớn. Mặc dù Sở GTVT và BQL dự án cho rằng loại hình này là bền vững nhưng qua nghiên cứu ông nhận thấy BRT chủ yếu được sử dụng tại một số nước đang phát triển ở châu Á, còn các nước phát triển không sử dụng loại hình này nữa mà chuyển qua hệ thống giao thông đường sắt đô thị như metro, tramway... hiện đại và hiệu quả hơn rất nhiều.

“Một số nước ở châu Á như Indonesia đầu tư rất lớn nhưng tuổi thọ của BRT rất ngắn. Hiện nay người ta phải chuyển qua đầu tư metro và thay toàn bộ hệ thống BRT. Như Jakarta đến giờ cao điểm thì hệ thống BRT cũng tê liệt. Với ý thức giao thông còn kém của người dân thì sẽ tắc đường. Vì vậy cử tri rất quan tâm và tôi đề nghị Sở GTVT và BQL dự án có cam kết về tính hiệu quả của dự án này nếu dự án được triển khai. Theo tôi, nên phát triển mạng lưới xe buýt thường hiện nay cho giai đoạn quá độ để sau đó đầu tư hệ thống tiên tiến hơn, hiệu quả hơn!” – Đại biểu Nguyễn Thành Tiến nói.

Theo ông Nguyễn Xuân Anh, ý kiến của đại biểu Nguyễn Thành Tiến rất đáng lưu ý, vì đầu tư mà nhanh chóng lạc hậu thì sẽ rất lãng phí, trong khi nguồn vốn đầu tư là do đi vay và đằng nào cũng phải trả cả vốn lẫn lãi. “Mình quyết định đầu tư cái gì thì phải chú trọng hiệu quả. Cái BRT này tiền nhiều lắm nên quan trọng nhất là hiệu quả. Mình vay nhưng thế hệ sau phải trả chứ mình có trả đâu, nên phải làm có hiệu quả để sau này trả nợ thì người ta không oán trách mình!” – ông Nguyễn Xuân Anh nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn, loại hình BRT phát triển rất mạnh ở các nước Nam Mỹ. Đối với Đà Nẵng, việc áp dụng giai đoạn 1 dự án BRT là phù hợp. Và để đảm bảo hiệu quả của dự án, vào cuối tuần này, Đà Nẵng sẽ khai trương 5 tuyến xe buýt có trợ giá. Đến cuối năm 2018 đầu 2019, tuyến BRT giai đoạn 1 đi vào hoạt động sẽ thu gom khách của 5 tuyến trợ giá này và nâng lên thành 11 tuyến nhằm đảm bảo khi xe buýt nhanh BRT tới là có khách.

“Chúng tôi đã chỉ đạo Sở GTVT tìm hiểu xem Hà Nội vướng cái gì, giải quyết ra sao để thực hiện có hiệu quả BRT tại Đà Nẵng. Tôi đồng ý BRT không phải là loại hình độc nhất mà mới đây TP còn mời tư vấn nước ngoài quy hoạch giao thông ngầm. Nhưng metro thì phải 3 triệu dân trở lên mới có hiệu quả. Đà Nẵng tiến tới 2,5 triệu dân sau năm 2030 nên cái này phải chuẩn bị trước. Xe điện bánh sắt, xe điện trên cao... cũng được xem xét quy hoạch và tùy tình hình thực tế mà làm. WB có đội ngũ tư vấn rất có kinh nghiệm giúp Đà Nẵng làm BRT và hiệu quả đã nhìn thấy trước rồi!” – ông Nguyễn Ngọc Tuấn nói.

HẢI CHÂU

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bi-thu-da-nang-di-vay-the-he-sau-phai-tra-no-nen-phai-lam-hieu-qua-post215657.info