Bị tấn công trên mạng xã hội và cách nạn nhân bảo vệ mình

Đa phần những cuộc tấn công mạng xã hội thường có mục đích, có người đứng sau khởi đầu, đạo diễn các đường đi, có chiến lược để làm sao tạo được kết quả mà họ đề ra.

Tại phiên chất vấn thành viên Chính phủ chiều 7/11, đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu đề nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết giải pháp bảo vệ cá nhân, tổ chức khi bị cộng đồng mạng xã hội tấn công.

Trước tình hình hiện nay có không ít nạn nhân đặc biệt là những người nổi tiếng đang phải chịu những cuộc tấn công trên không gian mạng.

Nếu khi vô tình trở thành nạn nhân của những cuộc tấn công từ cộng đồng mạng, người dùng mạng xã hội phải làm gì để bảo vệ mình.

Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm tư vấn và đào tạo an ninh mạng Athena xoay quanh vấn đề trên.

Ông Võ Đỗ Thắng.

Khởi nguồn cuộc tấn công từ cộng đồng mạng xã hội

Phóng viên: Theo ông, tại sao lại có nhiều người trở thành nạn nhân bị tấn công từ mạng xã hội?

+ Ông Võ Đỗ Thắng: Những hoạt động trên không gian mạng có rất nhiều người tham gia, đặc biệt là những người nổi tiếng, những KOL rất muốn có nhiều hoạt động trên mạng xã hội. Khi nhiều người tham gia các hoạt động trên mạng xã hội, họ muốn chia sẻ nhiều hoạt động cá nhân từ cuộc sống hàng ngày từ thói quen, cách nói chuyện, sở thích,…

Khi người dùng mạng xã hội đưa các hoạt động của mình lên mạng chủ yếu với mục đích đánh bóng hình ảnh, xây dựng thương hiệu bằng cách tạo các hoạt động thường xuyên trong cộng đồng. Trong quá trình hoạt động như vậy, họ cũng có thời điểm có những thông tin không theo nguyên tắc chung của cộng đồng. Lúc đó, lại có những nhóm người khác “soi”, tìm những điểm yếu, những điểm chưa phù hợp để khai thác. Từ những chia sẻ của nạn nhân, bị một nhóm người khác thổi phồng lên sự việc lên. Thậm chí có những người xây dựng cả kịch bản để đẩy thông tin ấy trở thành trào lưu nhằm tấn công nạn nhân.

Đa phần những người đứng sau các cuộc tấn công đều có chủ đích. Chính vì thế, những cuộc tấn công mạng luôn luôn có mục đích, có người đứng sau khởi đầu, đạo diễn các đường đi, có chiến lược để làm sao tạo được kết quả mà họ đề ra.

Hoa Hậu ý Nhi từng bị ném đá trên mạng xã hội thời gian qua.

Khi rơi vào tình huống bị tấn công từ mạng xã hội, nạn nhân cần phải làm gì để tự bảo vệ mình và chấm dứt được sự tấn công ấy sớm thưa ông?

+ Đa phần những người bị tấn công mạng xã hội, thời gian đầu họ không biết mình bị tấn công vì họ không để ý hoặc không có chuyên môn để nhận biết ngay sự tấn công đó cho đến khi mọi thông tin tấn công đó bùng lên, liên tục. Lúc này, nạn nhân thường rơi vào tình trạng rối loạn không biết phải xử lý như thế nào. Khi ấy, nạn nhân lại có những hành động phản hồi lại, có khi lại không đúng chuẩn mực. Thậm chí, còn có tình trạng “đổ dầu vào lửa” khiến cho những cuộc tấn công bùng phát hơn nữa.

Vì thế, người bị tấn công từ mạng xã hội phải thực hiện việc thứ nhất là giữ được thái độ bình tĩnh.

Thứ hai, các nạn nhân không nên có những phát ngôn hoặc có những phản ứng thiếu kiểm soát trên cộng đồng mạng.

Thứ ba, nên có người cố vấn có am hiểu về cộng đồng mạng, am hiểu về quy định trên không gian mạng,…Khi đó, đưa ra phương án, cách xử lý để xoa dịu cộng đồng mạng đồng thời biết được ai là người đứng sau dẫn đầu những cuộc tấn công đó và có sự “điều đình”.

Thứ tư, hiện nay đã có những quy định pháp luật như Luật An ninh mạng để bảo vệ những các nạn nhân bị tấn công từ mạng xã hội. Vì thế, nạn nhân nên làm đơn gửi cho các cơ quan chức năng như Sở Thông tin và Truyền thông ở các địa phương hoặc cơ quan công an. Các cơ quan này khi nhận được đơn, họ biết được có cuộc tấn công đó trên không gian mạng và có cơ chế theo dõi, xử lý.

Cần sự vào cuộc nhanh của cơ quan chức năng

Các cơ quan chức năng cần phải có những giải pháp nào khi nhận thông tin từ người nạn nhân bị tấn công trên không gian mạng để hạn chế các cuộc tấn công này?

+ Hiện nay, các cơ quan chức năng đang thực hiện nhiệm vụ của mình để đảm bảo những quy định pháp luật đưa ra được thực thi. Tuy nhiên, cái khó khi xử lý là việc xác định được thiệt nạn của nạn nhân khi bị tấn công từ cư dân mạng. Đồng thời, đa phần những tấn công trên không gian mạng là những người nặc danh, ẩn danh vì thế khó khăn trong việc tìm người vi phạm.

Theo tôi, khi các cơ quan chức năng nhận được thông tin báo từ người bị tấn công và dù chưa thể xác định thiệt hại của nạn nhân thì cũng phải có động thái tiếp nhận thông tin và có phản hồi bằng cách ra thông báo tiếp nhận. Để người bị tấn công cơ sở phản hồi lại cộng động mạng rằng họ hoàn toàn không giống như thông tin đó mà cộng động mạng đang hiểu chưa đúng.

Thông thường, những cuộc tấn công từ mạng xã hội cũng có những người tấn công chỉ theo số đông không vì mục đích nào khác. Vậy ông có lời khuyên nào đối với người dùng mạng xã hội để tránh tình trạng vô tình trở thành người vi phạm?

+ Đối với những người dùng mạng xã hội và đặc biệt là những người nổi tiếng cần phải có sự am hiểu về các quy định pháp luật, am hiểu về những thông tin mình chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội tích cực. Cần cân nhắc để trước khi đưa những thông tin đó lên mạng xã hội để tránh sự có xung đột với nhau.

Hiện nay cũng có không ít người dùng mạng xã hội bị hạn chế về hiểu biết những quy định pháp luật nên cái gì cũng muốn đưa lên mạng xã hội. Chẳng hạn như họ chưa có sự tìm hiểu về những quy định cung cấp thông tin theo Luật An ninh mạng hoặc những quy định liên quan. Cứ thích là đưa, ban đầu nhìn thấy thì không sao nhưng về sau rất nguy hiểm. Từ đó, vô tình họ bị tấn công ngược trở lại và lại trở thành nạn nhân khác của những cuộc tấn công. Vì thế, khi đưa thông tin lên không gian mạng phải cân nhắc với những thông tin đưa lên và nên đưa những thông tin mang tính chất cộng đồng, thông tin tích cực thì sẽ được cộng đồng ủng hộ.

Theo Nguyễn Hiền/ Pháp Luật TP.HCM

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/bi-tan-cong-tren-mang-xa-hoi-va-cach-nan-nhan-bao-ve-minh-1922021.html