Bí quyết 'truyền lửa' của cô giáo dạy Hóa ở xứ Đoài

Là giáo viên dạy Hóa – một môn học khối tự nhiên, được đánh giá là khô khan, đơn điệu, nhưng cô giáo Khuất Thị Hòa lại có một bí quyết 'truyền lửa' rất riêng để biến những tiết dạy thành 'thỏi nam châm' thu hút mọi sự chú ý của học sinh trong lớp.

Chân dung cô giáo Khuất Thị Hòa.

Niềm vui giản dị mà trân quý

Sinh ra trong một gia đình không có ai từng theo nghề dạy học, việc cô giáo Khuất Thị Hòa quyết định lựa chọn nghề giáo là điều không nhiều người nghĩ đến. Cô bảo, đó là một mối lương duyên đặc biệt. Và, mối lương duyên ấy bắt đầu từ chính những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường phổ thông.

Không giống nhiều bạn bè cùng trang lứa thường hứng thú với những niềm vui tuổi học trò, cô học sinh Khuất Thị Hòa lại dành sự đam mê đặc biệt cho bảng đen, phấn trắng và bục giảng. Hình ảnh các thầy cô giảng bài trên bục giảng, hình ảnh những nét phấn nổi bật trên nền bảng đen và những làn bụi phấn tí tách rơi mỗi khi thầy cô viết bảng chẳng biết từ lúc nào đã cuốn hút cô học trò nhỏ bé ấy một cách kỳ lạ. Để rồi, tình yêu với nghề giáo đã hoài thai và lớn dần lên trong cô như một lẽ tự nhiên.

Tốt nghiệp cấp 3, trong khi nhiều bạn bè cùng lớp nộp hồ sơ thi vào những trường “hót” như Bách Khoa, Tổng Hợp, Kinh tế… thì Khuất Thị Hòa lại quyết định chọn ngành sư phạm.

Trời không phụ lòng người, sau những tháng ngày mải miết “dùi mài kinh sử”, cô nữ sinh trung học ấy cuối cùng cũng thỏa mơ ước của mình khi thi đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây. Năm 1998, sau khi tốt nghiệp, Khuất Thị Hòa được phân công về giảng dạy tại trường THCS Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ và chính thức bắt đầu nghề dạy học.

Trong suốt 10 năm sau đó, bằng tình yêu, đam mê và sự nỗ lực của bản thân, cô giáo Khuất Thị Hòa liên tục gặt hái được những thành tích đáng tự hào như giải Nhất giáo viên dạy giỏi cấp huyện, giải Ba giáo viên dạy giỏi cấp TP năm học 2009 – 2010… Năm 2010, cô Khuất Thị Hòa chuyển về công tác tại trường THCS Sơn Tây, thị xã Sơn Tây và tiếp tục đạt được nhiều thành tích xuất sắc nữa như giải Nhất, Nhì cấp Thị xã, giải Ba cấp TP các môn Sinh học và Hóa học năm học 2011 - 2012; 2013 - 2014…

“Không chỉ riêng tôi mà bất cứ ai đã, đang và sẽ theo đuổi nghề dạy học, niềm vui lớn nhất là sự khôn lớn, trưởng thành của các em học sinh” – cô Khuất Thị Hòa tâm sự

Đến nay, sau 25 năm công tác trong ngành giáo dục, “bảng vàng thành tích” mà cô Khuất Thị Hòa đạt được là mơ ước của rất nhiều người. Ngoài việc nhiều năm liên tục đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, cô còn nhiều lần được nhận bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành.

Càng tự hào hơn khi "Lễ tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu" năm 2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cô giáo Khuất Thị Hòa là 1 trong số 200 giáo viên trên cả nước, và là 1 trong số 38 giáo viên cấp THCS được vinh dự góp mặt, được Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, động viên các nhà giáo toàn quốc và nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tròn ¼ thế kỷ gắn bó với nghề dạy học, điều khiến cô Hòa tâm đắc nhất không phải là những thành tích bản thân đã đạt được mà chính là những giây phút được đứng trên bục giảng, được nghe tiếng cười, nói của các em học sinh trong lớp và được nghe những câu “em chào cô ạ!” ngắn gọn mà đầy yêu thương mà những học trò nhỏ dành cho mình mỗi khi cô – trò gặp mặt trên đường.

Các tiết dạy của cô Hòa luôn mang đến sức hút lớn cho các em học sinh.

Muốn “truyền lửa”, thì phải biết “nhóm lò”

Đảm nhiệm môn Hóa học vốn luôn bị coi là khô khan và đơn điệu, cô giáo Khuất Thị Hòa đã tự tìm ra cho mình một bí quyết “truyền lửa” riêng biệt. Đó là muốn “truyền lửa” thì trước tiên phải biết “nhóm lò”. Bởi thế bài giảng của cô bao giờ cũng đảm bảo được hai điều: khối lượng kiến thức phong phú và hình thức giảng bài hấp dẫn.

Mà muốn làm được điều này, điều đầu tiên giáo viên phải giỏi chuyên môn. “Để có trò giỏi chắc chắn thầy phải giỏi” – cô Hòa chia sẻ. Chính bởi ý thức được điều đó, trong 25 năm dạy học, chưa bao giờ cô Hòa ngừng học hỏi. Ngoài những kiến thức từ sách vở, cô còn đầu tư nhiều tâm sức và thời gian để trau dồi thêm vốn kiến thức cho mình từ nhiều kênh thông tin khác.

Kiến thức cũng không chỉ gói gọn trong môn Hóa học mà là tổng hòa của tất cả các môn học, từ khối tự nhiên đến khối xã hội. Cô bảo, kiến thức của các môn học ngoài môn Hóa học không bao giờ là thừa thãi mà nó sẽ bổ sung thêm kĩ năng cho cô trong các bài giảng, giúp cho bài giảng phong phú hơn, hấp dẫn hơn và đặc biệt là không còn khô khan, đơn điệu nữa.

“Một người thầy giỏi không chỉ dạy giỏi, có khả năng truyền thụ kiến thức mà còn là người biết khơi dậy niềm đam mê khoa học, mong muốn được khám phá thiên nhiên tới học sinh” – cô Khuất Thị Hòa nói.

Bí quyết “truyền lửa mà cô Hòa rút ra được càng trở nên ý nghĩa khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, Hóa học được tích hợp cùng Vật lí và Sinh học thành môn Khoa học tự nhiên. Sự tích hợp này khiến một môn học mới này đòi hỏi phải có sự thay đổi về mạch kiến thức, đặc biệt phương pháp tiếp cận kiến thức. Trong đó, giáo viên phải học hỏi tích cực về mọi mặt.

Với kinh nghiệm và vốn kiến thức phong phú của mình, cô Khuất Thị Hòa được tin tưởng giao trọng trách là Trưởng nhóm Khoa học tự nhiên, Tổ phó chuyên môn tổ Tự nhiên của trường. Để nâng cao chất lượng giảng dạy, cô Hòa cùng các đồng nghiệp nhóm Khoa học tự nhiên thường xuyên trao đổi chuyên môn tháo gỡ khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm, tài liệu tham khảo, dự giờ đồng nghiệp...

Sự vững vàng trong chuyên môn cũng như lòng nhiệt tình, trách nhiệm trong công tác của cô Hòa và các giáo viên trong nhóm luôn được Ban Giám hiệu nhà trường đánh giá cao. Cô Hòa tâm niệm, với bất cứ môn học nào, điều quan trọng nhất mà người giáo viên truyền đạt được không chỉ là kiến thức mà còn là sự đam mê. Chỉ khi có được sự đam mê với môn học, các em học sinh mới đón nhận và tiếp thu bài học một cách hiệu quả nhất.

Nguyễn Quý

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bi-quyet-truyen-lua-cua-co-giao-day-hoa-o-xu-doai.html