Bí quyết giúp Singapore đánh bại nhiều nước trong cuộc đua thu hút sản xuất chip

Singapore để lại bài học cho các quốc gia đang muốn xâm nhập ngành công nghiệp sản xuất chip, đó là kinh nghiệm và chuyên môn còn đáng giá hơn tiền.

Vào giữa tháng 9/2023, GlobalFoundries - nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn thứ ba thế giới - đã khai trương nhà máy mới rộng 23.000m2 tại một địa điểm bất ngờ. Không phải Mỹ, quốc gia trợ cấp hàng tỷ USD cho sản xuất chip trong nước. Không phải Nhật Bản hay Đức với các chính sách công nghiệp tương tự. Không phải Đài Loan (Trung Quốc), quê hương của các nhà máy chip tiên tiến nhất thế giới như TSMC.

Thay vào đó, cơ sở này - với 1.000 lao động tay nghề cao - đã mở tại Singapore, quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé và phát triển với chưa đầy 6 triệu dân.

Nhiều nền kinh tế lớn đang cố gắng thu hút sản xuất chip trong nước. Dù Singapore không thể sánh được với “hỏa lực” ngân sách của Washington hay Berlin, họ có một thứ khác: Một chiến lược nhất quán cho sản xuất và một hệ sinh thái trưởng thành cho chất bán dẫn.

Trang Fortune nhận định, đó có thể là bài học cho các quốc gia khác đang hy vọng xâm nhập vào ngành công nghiệp chip: Kinh nghiệm và chuyên môn có thể đáng giá hơn tiền.

Singapore - nơi đặt nhà máy bán dẫn 4 tỷ USD của GlobalFoundries - đang gặt hái thành công riêng trong ngành công nghiệp sản xuất bán dẫn. (Ảnh: Bloomberg)

Singapore đã thu hút lần lượt 8,6 tỷ USD và 16,4 tỷ USD đầu tư tài sản cố định cho năm 2021 và 2022, theo Ủy ban Phát triển Kinh tế (EDB) - cơ quan chính phủ tập trung vào việc tăng cường sức hấp dẫn toàn cầu của Singapore đối với doanh nghiệp. Phần lớn các cam kết đó được thúc đẩy bởi thiết bị điện tử và chất bán dẫn, EDB cho biết.

Rakesh Kumar, Giáo sư kỹ thuật điện và máy tính tại Đại học Illinois Urbana-Champaign, nhận xét: "Singapore có lợi thế sở hữu một lực lượng lao động được đào tạo tốt, cũng như hệ sinh thái hỗ trợ tốt. Đây là những điểm cộng rất quan trọng".

Nhà máy mới nhất của GlobalFoundries tại Singapore là một phần trong kế hoạch mở rộng trị giá 4 tỷ USD, được công bố vào tháng 6/2021. Một nhà sản xuất chip khác, United Microelectronics (UMC) đang đầu tư 5 tỷ USD vào một nhà máy sản xuất hiện đại mới, dự kiến bắt đầu hoạt động vào cuối năm tới.

Singapore có "một chính phủ ổn định, môi trường kinh doanh thân thiện và cơ sở hạ tầng toàn diện cần thiết cho sản xuất chất bán dẫn, cùng với bảo vệ bản quyền (IP) mạnh mẽ và hệ thống giáo dục đẳng cấp thế giới", Tan Yew Kong, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm CEO GlobalFoundries Singapore nói trong một tuyên bố. Ông bổ sung Chính phủ Singapore cũng "hỗ trợ mạnh mẽ".

Các công ty khác trong hệ sinh thái chip - nhà thiết kế, nhà sản xuất, công ty đóng gói và thử nghiệm, nhà cung cấp thiết bị, cùng với những công ty khác - cũng đang mở rộng ở Singapore. Tháng 9/2022, hãng thiết kế chip AMD tiết lộ họ đang đầu tư hơn 424 triệu USD để mở rộng hoạt động R&D tại quốc đảo. Nhà cung cấp vật liệu bán dẫn Soitec đã động thổ mở rộng nhà máy trị giá 182 triệu USD vào tháng 12 năm ngoái. Cũng trong tháng 12, Ardentec, nhà cung cấp dịch vụ thử nghiệm chất bán dẫn, cũng bắt đầu phát triển cơ sở thử nghiệm mới trị giá 182 triệu USD.

"Hệ sinh thái là điều bắt buộc. Bạn cần phải có các công ty bán dẫn tương tự khác", Chitung Liu, Giám đốc tài chính của UMC, chia sẻ.

Trợ cấp tài chính không phải tất cả

Theo Giáo sư Kumar, trợ cấp chưa đủ để hấp dẫn các công ty chip. Các nền kinh tế có sự hiện diện lớn trong chuỗi cung ứng bán dẫn thường có xu hướng “hút” đầu tư sản xuất.

Chẳng hạn, ông chỉ ra Ấn Độ khi muốn thu hút tất cả người chơi lớn trong ngành nên “ném” vào khá nhiều trợ cấp. Tuy nhiên, họ không thành công trong việc thu hút bất kỳ nhà sản xuất chip tiên tiến nào bất chấp tất cả số tiền đã bỏ ra. Ấn Độ công bố kế hoạch 10 tỷ USD để khuyến khích sản xuất chip vào cuối năm 2021 với hy vọng đưa nước này trở thành nhân tố chủ chốt trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.

Ngay cả các nền kinh tế phát triển như Mỹ cũng đang phải đối mặt với những thách thức trong việc đưa sản xuất chất bán dẫn trở lại. Nhà máy ở Arizona của TSMC có thể sẽ bị trì hoãn vì công ty Đài Loan phàn nàn về việc địa phương không có chuyên môn, chi phí lao động cao và điều kiện chia sẻ lợi nhuận từ Washington. Mỹ sản xuất khoảng 12% chip toàn cầu, giảm từ hơn 30% vào năm 1990.

Lịch sử sản xuất chip của Singapore

Dù không có Intel, Samsung hay TSCM, Singapore luôn ổn định trong ngành công nghiệp chip kể từ năm 1968, khi công ty vi điện tử National Semiconductor Company của Mỹ thiết lập hoạt động tại một cơ sở của EDB. Một làn sóng các công ty phương Tây theo sau, bao gồm Texas Instruments, Siemens và Infineon. Ngay cả khi các nền kinh tế khác như Hàn Quốc và Đài Loan xây dựng ngành công nghiệp chip của riêng họ, Singapore bắt đầu mở rộng sang lĩnh vực thiết kế và chế tạo tấm wafer.

Hệ sinh thái đó mang lại lợi ích thực sự cho các nhà sản xuất chip muốn đầu tư.

Theo Peter Hanbury, người phụ trách bán dẫn tại hãng tư vấn Bain & Co, một công ty có thể tiết kiệm từ 10 đến 15% chi phí khi xây dựng nhà máy thứ hai gần một nhà máy sẵn có. Nhóm "nhân sự trình độ học vấn cao" của Singapore sẽ làm cho thành phố trở thành một lựa chọn hấp dẫn trong tương lai, ông dự đoán.

Tuy nhiên, một số nhà máy chip mới nhất đi vào hoạt động ngay khi thị trường “chip trưởng thành” dần suy thoái. Ngoại trừ các công ty chip tập trung vào AI như Nvidia và AMD, hầu hết các hãng đều báo cáo doanh thu giảm do nhu cầu về thiết bị điện tử tiêu dùng như máy tính, laptop và smartphone chậm lại.

Dù vậy, EDB "tự tin về triển vọng tăng trưởng dài hạn của ngành". Chính phủ Singapore có kế hoạch đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực bán dẫn hiện đóng góp khoảng 7% GDP của cả nước. Nước này cam kết chi 18 tỷ USD từ năm 2021 đến năm 2025 để hỗ trợ R&D và đổi mới, theo EDB.

Nhưng đối với các nhà sản xuất chip như UMC, sự hỗ trợ của Singapore vượt xa tiền bạc. Các đối thủ cạnh tranh của UMC đang được Nhật Bản hỗ trợ tài chính cao hơn 50%, theo Liu, nhưng Singapore giúp giải quyết "vấn đề thị thực làm việc và quy định, điều đó đã nâng cao đáng kể hiệu quả của toàn bộ dự án”.

Nó đồng nghĩa với các khoản đầu tư nhiều hơn cho Singapore trong tương lai. "Triển vọng rất tươi sáng", ông nói, gọi kế hoạch mở rộng 5 tỷ USD gần đây là "giai đoạn đầu tiên". "Sẽ có giai đoạn thứ hai trong tương lai", ông dự đoán.

Du Lam

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bi-quyet-giup-singapore-danh-bai-nhieu-nuoc-trong-cuoc-dua-thu-hut-san-xuat-chip-2212100.html