Bí quyết DN "gọi" vốn dễ dàng trên sàn chứng khoán

(VTC News) - "Khi DN lên sàn, chỉ trong giây lát có thể có trong tay hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng quan trọng là phải có thương hiệu", ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tasco chia sẻ.

2010 có thể coi là một năm thử thách đối với thị trường CK Việt, nhưng lại là một năm thành công lớn của Tasco. Trong năm, Tasco đã phát hành gần 500 tỷ đồng cổ phiếu và 200 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi. Tháng 11/2010, Tasco nâng vốn điều lệ từ 135 tỷ lên 330 tỷ, phát hành 41,1 triệu cổ phiếu với giá cạnh tranh trên thị trường. “Dù tình hình kinh tế 2010 khủng hoảng, lạm phát nhưng chúng tôi vẫn thu được thặng dư hơn 400 tỷ”, đó là thành công lớn nhất của Tasco được Chủ tịch HĐQT Phạm Quang Dũng ghi nhận. Bản thân ông Dũng là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp và phương thức đưa 1 công ty lên sàn hiệu quả. Ông cũng là 1 trong 500 người giàu nhất trên sàn CK Việt năm 2010, nhận được nhiều danh hiệu cho doanh nhân tiêu biểu như cúp “Thánh Gióng”, doanh nhân có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước do Thủ tướng Chính phủ trao tặng... Chia sẻ với tất cả những người kinh doanh, các bạn trẻ với ham muốn làm giàu trong buổi giao lưu triệu phú cuối năm, ông Dũng nhắn nhủ: Làm giàu không phải là may mắn, kiến thức của bạn tới đâu tiền của bạn có tới đó". “Tôi đã phải trả một cái giá rất đắt” “Tôi đã phải trả giá rất đắt để có thể ngồi đây và nói với các bạn về kinh nghiệm xương máu này”, ông Dũng bắt đầu câu chuyện làm giàu của mình. Ông kể: ông đã từng mất rất nhiều tiền vì không xác định được mục tiêu. Tasco đã từng kinh doanh theo nhiều hướng, phát triển theo nhiều chiều, đa dạng hóa sản phẩm mà không chú trọng tới một lĩnh vực riêng biệt nào. Đã một thời, công ty này lao vào khu resort, khu sinh thái, rồi kế đến là xây dựng khách sạn ở biển rồi kinh doanh thiết bị máy móc, xây dựng thủy lợi cho tới lĩnh vực xây dựng giao thông và cả dân dụng. Các đội ngũ nhân viên Tasco từng phải tạm gác công việc, dành thời gian đi đến một nơi thật xa chỉ để ngồi lại, “giã” nhau với mong muốn duy nhất: thay đổi tư duy trong kinh doanh, xác định mục tiêu mình cần tập trung và hướng đến là gì. “Các bạn phải xác định được thị trường mục tiêu của DN mình là gì?", ông Dũng nhấn mạnh. Theo ông Dũng, cái “lỗi” mà hầu hết các doanh nhân VN hay mắc phải để rồi thất bại đó là: Thích kinh doanh dàn trải. “Phải thừa nhận rằng, ở VN có quá nhiều cơ hội kinh doanh. Các nhà kinh doanh như chúng tôi nhìn cái gì cũng thấy tiền, nhìn gì cũng thích và cái gì cũng muốn làm. Nhưng một thực tế là các doanh nhân VN thường “thượng tọa”, cái gì cũng lao đầu vào làm, để rồi sau đó, kinh doanh dàn trải, không lĩnh vực nào nổi tiếng. Như một lẽ tất yếu, kinh doanh sẽ không hiệu quả”, ông Dũng lý giải. Chính vì vậy, điều "cốt tử" đối với mỗi DN, theo ông Dũng đó là xác định được thị trường mục tiêu để kinh doanh. Ông Dũng thành thật khuyên nhủ: “Một nghề cho chín còn hơn 9, 10 nghề”. “Công nghệ” đưa DN lên sàn CK Có thể thấy, trong thời gian vừa qua, vay vốn từ ngân hàng trở thành điều rất khó khăn đối với mỗi DN. Thị trường CK chính là kênh dẫn vốn mà hầu hết các DN rất cần. Tuy nhiên, để đưa công ty lên sàn, theo ông Dũng, là một việc làm không hề đơn giản bởi tính kiểm soát, tính báo cáo, tính công khai,… rất nặng nề và minh bạch. Ông Dũng cho biết: “CK là một kênh dẫn vốn, thu hút vốn cho DN, gọi vốn rất nhẹ nhàng, rất đơn giản, chỉ trong giây lát có thể có trong tay hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng quan trọng là phải có thương hiệu. Xây dựng thương hiệu ở đây không phải là quảng cáo, khoe khoang mà làm sao để sản phẩm mình bán ra chiếm được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng”. Nói về bí quyết để xây dựng thương hiệu ở Tasco, vị Chủ tịch HĐQT tiết lộ: “Một trong những nguyên nhân khiến Tasco thành công là nhờ nguyên tắc: Luôn coi các NĐT là khách hàng của mình. Mà chúng ta đã biết, khách hàng là “thượng đế”, do đó, phải đảm bảo quyền lợi cho họ. Quyền lợi ở đây chính là tính thanh khoản. Họ bỏ ra một nguồn vốn lớn để đầu tư vào đây thì họ kỳ vọng sẽ thu được lợi nhuận cao và đặc biệt, khi họ có nhu cầu bán ra thị trường thì bất cứ khi nào cũng bán được”. Trong khi đó, nếu so sánh với thị trường BĐS, có thể thấy, BĐS sử dụng nguồn vốn đầu tư nhiều nhưng tính thanh khoản lại không cao. Muốn đưa DN lên sàn CK hiệu quả, một điều “nằm lòng” nữa mà theo ông Dũng nhận thấy không thể thiếu đó là tính minh bạch. “Phải xây dựng được thương hiệu để khi lên sàn huy động vốn, các NĐT phải quan tâm đến anh, đầu tư vào anh và một nguyên tắc của Công ty Cổ phần (CP) đó là phải minh bạch”. Ngoài ra, chia sẻ với tất cả những ai muốn làm giàu, ông Dũng lưu ý đối với cả những NĐT và cả những ông chủ của các DN đó là vấn đề về con người, nguồn nhân lực. “Các NĐT khi “ném tiền” vào Tasco đều kỳ vọng rất cao, ngoài việc nhìn vào chiến lược kinh doanh, phương án kinh doanh để đầu tư thì một điều quan trọng là nhìn vào người đứng đầu”. “Tôi dẫn lại 1 trong 100 điều ghi chú của các nhà tỷ phú rằng: 'Tôi bán giá trị của tôi trước khi tôi bán sản phẩm mà tôi định bán'. Trước hết, trong kinh doanh nhất là trên sàn CK, muốn bán được sản phẩm phải bán được danh dự của một người đứng đầu, giá trị của người đứng đầu như thế nào, niềm tin của NĐT đặt hầu hết vào trong tay người đứng đầu". Phương Hạ

Nguồn VTC: http://vtc.vn/1-276597/kinh-te/bi-quyet-dn-goi-von-de-dang-tren-san-chung-khoan.htm